Trình bày báo cáo tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách thảo luận một số nội dung Quốc hội sẽ thảo luận tại kỳ họp thứ 5 diễn ra sáng 4/4, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết, dự thảo Luật đã bộ sung một điều mới quy định về cán bộ, công chức và chế độ công vụ tại đặc khu (Điều 64).
Dự thảo Luật cũng chỉnh lý cơ bản quy định về chính sách đối với người làm việc tại các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập ở đặc khu (Điều 47).
|
|
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN |
Theo đó, Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân đặc khu, đại biểu chuyên trách Hội đồng nhân dân đặc khu, Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân đặc khu, Trưởng Khu hành chính, người đứng đầu Văn phòng Hội đồng nhân dân đặc khu và các cơ quan thuộc bộ máy giúp việc của Ủy ban nhân dân đặc khu là cán bộ, công chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức.
Công chức làm việc tại Văn phòng Hội đồng nhân dân đặc khu, các cơ quan thuộc bộ máy giúp việc của Ủy ban nhân dân đặc khu và Văn phòng khu hành chính được tuyển dụng theo chế độ công chức hợp đồng và theo yêu cầu của từng vị trí việc làm.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân đặc khu xây dựng Đề án vị trí việc làm tại các cơ quan thuộc bộ máy giúp việc của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân đặc khu, Văn phòng khu hành chính trình Hội đồng nhân dân đặc khu thông qua trước khi trình Bộ Nội vụ phê duyệt.
Về chế độ tiền lương, Chính phủ quy định chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc trong các cơ quan của chính quyền địa phương ở đặc khu, đơn vị sự nghiệp công lập của đặc khu.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân đặc khu quyết định hệ số tiền lương tăng thêm; ban hành quy chế tiền thưởng thực hiện tại đặc khu.
Dự thảo Luật cũng quy định, công chức hợp đồng có thời gian làm việc 5 năm liên tục trở lên tại các cơ quan của chính quyền địa phương ở đặc khu, khi chuyển công tác sang các cơ quan, tổ chức khác của Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội thì được xem xét tiếp nhận không qua thi tuyển.
Như vậy, “tại đặc khu, đa số đội ngũ công chức làm việc theo chế độ hợp đồng, được tuyển theo vị trí việc làm trên cơ sở nguyên tắc người sử dụng lao động sẽ trực tiếp tuyển dụng lao động, không thực hiện chế độ công chức suốt đời, không có chỉ tiêu, biên chế; đồng thời, cải cách mạnh mẽ chế độ tiền lương”, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết.
|
|
Đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum Tô Văn Tám. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN |
Tuy nhiên, theo đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) hiện quy định lương cho cán bộ, công chức, người lao động do Chính phủ quy định; nhưng thưởng (thu nhập tăng thêm) lại do Chủ tịch Ủy ban nhân dân đặc khu quyết định thì sẽ khó đảm bảo. Lương, thưởng của cán bộ, công chức của cơ quan dân cử đều phải do Chính phủ quy định.
Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) cũng cho rằng, dự thảo số lượng đại biểu của Hội đồng nhân dân là 15 người và đa số là chuyên trách. Tuy nhiên, cần có quy định cụ thể hơn như tỷ lệ chuyên trách là bao nhiêu hoặc quy định rõ số lượng để khi thực hiện khỏi lúng túng.
Xuân Phong/Báo Tin tức