Cụ thể, nhiều chính sách thực chất coi kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế, bước đầu đạt kết quả. Chính sách kinh tế vĩ mô được điều hành linh hoạt và được phối hợp chặt chẽ. Đặc biệt là việc chỉ đạo đi liền với giám sát chặt chẽ đã cải thiện tích cực môi trường đầu tư, kinh doanh.
|
|
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Luật Thuế Tài sản cần điều chỉnh đúng đối tượng và mức khởi điểm nào phù hợp. |
Song các chuyên gia cho rằng, những năm tới, động lực tăng trưởng hiện nay khó duy trì tính bền vững. Do đó, để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, nâng cao chất lượng và tính bền vững của nền kinh tế, đạt mục tiêu kế hoạch 5 năm 2016-2020, tạo tiền đề phát triển cho giai đoạn tiếp theo thì cần tạo động lực tăng trưởng mới, thúc đẩy tăng năng suất lao động nội ngành cần được coi là mệnh lệnh chính trị.
Báo cáo của Tổ tư vấn cũng đưa ra dự báo triển vọng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2018-2020 dựa trên 3 kịch bản chính. Kịch bản 1, tăng trưởng GDP trung bình đạt 6,71%/năm, kịch bản 2 là 6,83%/năm và kịch bản 3 có mức tăng trưởng là 7,47%/năm. Tuy nhiên, Tổ tư vấn đưa ra đề xuất mục tiêu tăng trưởng kinh tế bình quân trong 3 năm tới, từ 2018-2020, ở mức 6,85%.
Ngoài ra, Tổ tư vấn cho rằng chính sách kinh tế năm 2018 và các năm tiếp theo cần tiếp tục ưu tiên mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy sản xuất kinh doanh; đồng thời kiến nghị chưa tăng thuế đối với doanh nghiệp.
Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, chưa thể thỏa mãn trước kết quả bước đầu vừa qua trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động và tồn tại không ít bất cập của nền kinh tế trong nước. “Đây là điều gây nhiều lo lắng, phải có biện pháp ứng phó, chứ chỉ có khát vọng thì chưa đủ mà nếu chủ quan thì dễ vấp ngã”- Thủ tướng nói.
Đồng thời, Thủ tướng cho biết, cần tiếp tục giải phóng sức sản xuất thông qua thể chế chính sách, đặc biệt là cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Năng lực sản xuất trong nước đã gia tăng, vấn đề đặt ra là cần tìm thị trường mới, tổ chức sản xuất trong nước. Phải chuyển hướng tăng trưởng theo hướng xanh, chất lượng.
Thủ tướng nhìn nhận, chính sách kích cung vẫn được đặt ra trong bối cảnh hiện nay, song song với đó là đẩy mạnh giảm chi phí, tăng khả năng cạnh tranh.
Đối với việc tìm động lực mới cho tăng trưởng, Thủ tướng nhất trí cho rằng, động lực là tiếp tục đổi mới thể chế quản lý, cải thiện môi trường đầu tư, nâng đỡ doanh nghiệp thông qua giảm chi phí và thủ tục, phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp tư nhân và đổi mới doanh nghiệp Nhà nước, tái cơ cấu mạnh mẽ nền kinh tế trong tất cả các lĩnh vực.
Một vấn đề nóng được dư luận quan tâm trong mấy ngày gần đây đó là dự án Luật Thuế tài sản mà Bộ Tài chính đưa ra cũng được Thủ tướng nhắc đến tại cuộc họp này. Theo đó, người đứng Chính phủ cho rằng, câu hỏi lớn cần đặt ra là làm sao sử dụng nhà đất tốt hơn, cần điều chỉnh đúng đối tượng như đối với người giàu, người có 2 nhà trở lên… và mức khởi điểm nào phù hợp với tình hình Việt Nam, thời điểm thực hiện Luật như thế nào cho phù hợp…
Thanh Dịu