|
|
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành nội dung phiên họp (ảnh: VPQH cung cấp). |
Giá vé máy bay chiếm 30-40% giá các tour du lịch
Trả lời chất vấn đại biểu liên quan đến giải pháp hạ giá thành vé máy bay, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng khẳng định, trách nhiệm chính thuộc về Bộ Giao thông vận tải và Bộ Tài chính, nhưng Bộ VH-TT&DL cũng không đứng ngoài cuộc.
Theo đó, Bộ VH-TT&DL đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan tham mưu Chính phủ; tiến hành tổ chức hội thảo, lắng nghe ý kiến các hiệp hội du lịch… cho thấy, trong cơ cấu giá tour, giá vé máy bay chiếm 30-40%, làm giảm tính cạnh tranh của các tour du lịch.
|
|
Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng trả lời chất vấn (ảnh: VPQH cung cấp). |
Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL cho biết, qua làm việc với các bộ, ngành cho thấy, giá vé máy bay tăng vì phụ thuộc vào chi phí dịch vụ ở trạm sân bay; chi phí về giá đầu vào nhiên liệu; số máy bay phải đi bảo dưỡng, bảo hành theo định kỳ nên số lượng máy bay không nhiều, đã ảnh hưởng đến giá vé máy bay.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, Bộ VH-TT&DL cũng đề xuất và đề nghị Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính kịp thời báo cáo với cấp có thẩm quyền để xem xét ban hành các chính sách hỗ trợ giảm giá phí điều hành khai thác tại các sân bay, góp phần hạ giá tour.
Đối với các hãng hàng không, Bộ VH-TT&DL đề xuất các doanh nghiệp này cố gắng đảm bảo có máy bay, thiết kế tăng cường các chuyến bay đêm để đảm bảo nhu cầu đi lại cho Nhân dân nói chung trong đó có du khách nói riêng.
Bộ VH-TT&DL cũng đề nghị các doanh nghiệp lữ hành tối ưu hóa trong chương trình tour, xây dựng điểm đến linh hoạt, có thể kết nối xây dựng gói sản phẩm kích cầu du lịch, có sự hỗ trợ lẫn nhau để hạ giá thành.
Theo Bộ trưởng, với những đề xuất trên đã được xem xét, chấp thuận, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo vấn đề này, theo đó từ 28/5, giá vé máy bay trên các tuyến đã bắt đầu “hạ nhiệt”…
Du lịch ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã bắt đầu đi đúng hướng
Về các giải pháp đảm bảo du lịch vùng miền núi nói riêng và khu vực nông thôn nói chung, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 922/QĐ-TTg năm 2022 phê duyệt Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 đã giao trách nhiệm cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét nội dung này.
|
|
Các đại biểu tham dự phiên họp (ảnh: VPQH cung cấp). |
Bộ VH-TT&DL cũng tích cực phối hợp, trong đó xác định gói sản phẩm du lịch ở lĩnh vực này là dựa trên tài nguyên văn hóa đặc sắc tiêu biểu để thiết kế. Trước mắt xây dựng các điểm du lịch cộng đồng, phù hợp với tập quán, phù hợp với khả năng điều hành và đặc biệt là tính lan tỏa cộng đồng trong đoàn kết của đồng bào. Một số mô hình đã thành công như ở Hòa Bình, Lai Châu, Lào Cai, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Đắk Nông…
Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL khẳng định, du lịch ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã bắt đầu đi đúng hướng; có rất nhiều sản phẩm độc đáo để thu hút du khách, tuy vậy, chúng ta cũng ta đang đứng trước một số bất cập và được các bộ, ngành nhìn nhận rõ liên quan đến quy hoạch, liên quan đến một số luật như Luật Lâm nghiệp, Luật Đất đai…
Vì vậy, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trình Quốc hội sửa đổi Luật Đất đai, Luật Lâm nghiệp; Chính phủ cũng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn triển khai Luật Đất đai vừa được Quốc hội thông qua, trong đó có quy định về đất đa mục đích – đây là cơ sở để phát triển du lịch cộng đồng.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, chính quyền địa phương khi thực hiện các mô hình này cần linh hoạt, không quá cứng nhắc, đảm bảo an ninh trật tự, cho phép khai thác chu kỳ các loại hình sản phẩm này…
Lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch còn nhiều vấn đề đặt ra cần quan tâm giải quyết
Phát biểu kết thúc phiên chất vấn đối với nhóm vấn đề thứ tư thuộc lĩnh vực VH-TT&DL, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, phiên chất vấn diễn ra sôi nổi, với tinh thần xây dựng, trách nhiệm cao. Các đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi ngắn gọn, đúng nội dung chất vấn, tích cực tranh luận để làm rõ hơn vấn đề chất vấn, thể hiện sự quan tâm của các vị đại biểu Quốc hội cũng như cử tri và Nhân dân đối với lĩnh vực này.
|
|
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu kết thúc phiên chất vấn đối với nhóm vấn đề thứ tư thuộc lĩnh vực VH-TT&DL (ảnh: VPQH cung cấp). |
Phiên chất vấn có 45 lượt ý kiến phát biểu (trong đó có 37 ý kiến chất vấn, 8 ý kiến tranh luận). Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL đã chuẩn bị kỹ lưỡng nội dung, nắm chắc vấn đề, trả lời thẳng thắn, tâm huyết, cụ thể, đầy đủ các vấn đề đại biểu Quốc hội đặt ra.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, thời gian qua, Chính phủ, Bộ VH-TT&DL đã tích cực triển khai các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Các chính sách bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa của các dân tộc thiểu số đã cơ bản đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của đồng bào. Công tác tuyển chọn, đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực nghệ thuật được quan tâm. Thể thao thành tích cao có nhiều tiến bộ, có thành tích đạt cấp khu vực, châu lục và quốc tế… Bên cạnh đó, lĩnh vực VH-TT&DL còn nhiều vấn đề đặt ra cần quan tâm giải quyết.
|
|
Các đại biểu tham dự phiên họp (ảnh: VPQH cung cấp). |
Qua phiên chất vấn, đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL, các Bộ trưởng liên quan quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp:
Thứ nhất, rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách về tuyển chọn, đào tạo, thu hút nguồn nhân lực trong các lĩnh vực nghệ thuật, đặc biệt trong lĩnh vực nghệ thuật chuyên sâu, đặc thù.
Thứ hai, khẩn trương ban hành Chiến lược phát triển sự nghiệp thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Thứ ba, sớm ban hành và triển khai thực hiện Quy hoạch hệ thống phát triển du lịch Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Thứ tư, đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao hiệu quả xúc tiến, quảng bá du lịch. Rà soát, hoàn thiện cơ chế quản lý, vận hành và phát huy vai trò của Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch.
Thứ năm, tăng cường đầu tư cho các hoạt động VH-TT&DL vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi...