Tham dự Hội nghị có đồng chí Trần Công Phàn, Phó Viện trưởng VKSND tối cao. Đồng chí Trần Hồng Hà, Phó Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương đã tới dự và truyền đạt những nội dung cơ bản của các Nghị quyết.

leftcenterrightdel
 Toàn cảnh Hội nghị học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7, khóa XII tại VKSND tối cao

Tại Hội nghị, đồng chí Trần Hồng Hà, Phó Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương cho biết: Hội nghị Trung ương 7, khóa XII đã thông qua 03 nghị quyết quan trọng, gồm: Nghị quyết về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; Nghị quyết về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp; Nghị quyết về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.

Cụ thể, Nghị quyết về cán bộ có mục tiêu tổng quát là, xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược có phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; đủ về số lượng, có chất lượng và cơ cấu phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ Tổ quốc; bảo đảm sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ, đủ sức lãnh đạo đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trở thành nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.

leftcenterrightdel
 Các đại biểu dự Hội nghị

Nghị quyết cũng đề ra các nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu như: Nâng cao nhận thức, tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên; tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cán bộ; xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có phẩm chất, năng lực, uy tín, đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới; tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược ngang tầm nhiệm vụ; kiểm soát chặt chẽ quyền lực trong công tác cán bộ; chống chạy chức, chạy quyền; phát huy vai trò của nhân dân tham gia xây dựng đội ngũ cán bộ; nâng cao chất lượng công tác tham mưu, coi trọng tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận về công tác tổ chức, cán bộ; một số nội dung cơ bản về công tác nhân sự đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội Đảng toàn quốc. Đồng thời, nhằm thực hiện tốt các nhóm nhiệm vụ giải pháp nêu trên, Nghị quyết đã xác định 2 trọng tâm và 5 đột phá.

Nghị quyết về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp, Nghị quyết nêu rõ: Việt Nam đã trải qua 4 lần cải cách chính sách tiền lương vào các năm 1960, năm 1985, năm 1993 và năm 2003. Mục tiêu tổng quát của Nghị quyết là xây dựng hệ thống chính sách tiền lương quốc gia theo vị trí việc làm một cách khoa học, minh bạch, phù hợp với tình hình thực tiễn đất nước, đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và chủ động hội nhập quốc tế, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ; tạo động lực giải phóng sức sản xuất, nâng cao năng suất lao động, chất lượng nguồn nhân lực; góp phần xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; phòng, chống tham nhũng, lãng phí; bảo đảm đời sống của người hưởng lương và gia đình người hưởng lương, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội.

leftcenterrightdel
 Phó Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương Trần Hồng Hà truyền đạt nội dung các Nghị quyết Trung ương 7, khóa XII tại Hội nghị

Còn Nghị quyết về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội hướng đến mục tiêu tổng quát là để bảo hiểm xã hội thực sự là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, từng bước mở rộng vững chắc diện bao phủ bảo hiểm xã hội, hướng tới mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân. Phát triển hệ thống bảo hiểm xã hội linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại và hội nhập quốc tế theo nguyên tắc đóng - hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững. Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và phát triển hệ thống thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, tin cậy và minh bạch.

Nghị quyết đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, gồm: tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chính sách bảo hiểm xã hội; hoàn thiện hệ thống pháp luật về lao động, việc làm, bảo hiểm xã hội; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội; nâng cao năng lực quản trị và hiệu quả tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò của nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội.

Phó Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương Trần Hồng Hà nêu rõ, 03 nghị quyết của Hội nghị Trung ương 7, khóa XII đã đề cập tới những vấn đề lớn, hệ trọng, vừa cấp bách trước mắt, vừa cơ bản, lâu dài, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển bền vững đất nước, tác động to lớn, sâu rộng, trực tiếp đến đời sống, tâm tư của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Do đó, mỗi cán bộ, đảng viên cần học tập, nghiên cứu, nắm chắc những nội dung cơ bản của các nghị quyết từ đó có sự nhận thức và vận dụng đúng đắn, sáng tạo; đồng thời, đề ra các chương trình, kế hoạch hành động cụ thể, quyết tâm, nỗ lực đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.

V.T