leftcenterrightdel
 Quang cảnh phiên làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 5/2 (ảnh: VPQH cung cấp).

Giảm 9 chương, 101 điều

Trình bày Tờ trình về dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh cho biết, dự án luật được xây dựng nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho việc xây dựng và vận hành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật thống nhất, đồng bộ, minh bạch, khả thi, dễ tiếp cận, hiệu lực và hiệu quả, dễ áp dụng trên thực tế, khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước trong kỷ nguyên mới.

leftcenterrightdel
 Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh trình bày tờ trình (ảnh: VPQH cung cấp).

Về phạm vi điều chỉnh, trên cơ sở kế thừa Điều 1 Luật hiện hành, dự thảo Luật quy định khái quát hơn và bổ sung nội dung về tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật bên cạnh nội dung về xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, cụ thể như sau: “Luật này quy định việc xây dựng, ban hành và tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật”, đồng thời, giữ nguyên quy định về việc Luật này không quy định việc làm Hiến pháp, sửa đổi Hiến pháp.

leftcenterrightdel
 Các đại biểu tham dự phiên họp (ảnh: VPQH cung cấp).

Bộ trưởng Bộ Tư pháp nêu rõ, dự thảo Luật bố cục thành gồm 8 chương, 72 điều (giảm 9 chương, 101 điều so với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015). Nội dung dự thảo Luật tập trung vào các vấn đề đổi mới quan trọng, mang tính đột phá về quy trình xây dựng pháp luật: tiếp tục đơn giản hóa hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, tăng cường kiểm soát quyền lực trong xây dựng và thi hành pháp luật; phân định rõ thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và văn bản dưới luật; bổ sung hình thức nghị quyết quy phạm pháp luật của Chính phủ; đổi mới việc xây dựng Chương trình lập pháp của Quốc hội…

Đề nghị cân nhắc thận trọng, đánh giá tác động kỹ lưỡng thêm

Trình bày báo cáo thẩm tra sơ bộ về dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Thường trực Ủy ban Pháp luật cơ bản thống nhất với cơ quan trình dự án về việc lược giảm hình thức văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân (HĐND), Ủy ban nhân dân (UBND) cấp xã và của HĐND quận; bổ sung nghị quyết của Chính phủ là văn bản quy phạm pháp luật; thay đổi hình thức văn bản quy phạm pháp luật của Tổng Kiểm toán nhà nước.

leftcenterrightdel
 Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo thẩm tra sơ bộ (ảnh: VPQH cung cấp).

Đối với đề xuất lược giảm hình thức văn bản quy phạm pháp luật của UBND quận, đề nghị cân nhắc thận trọng, đánh giá tác động kỹ lưỡng thêm, vì UBND quận là cơ quan chịu trách nhiệm quản lý nhà nước, chỉ đạo, điều hành các hoạt động trên địa bàn, nếu không được giao thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì có thể sẽ phát sinh khó khăn, vướng mắc trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao cũng như thực hiện phân cấp nhiệm vụ, quyền hạn cho các cơ quan, tổ chức cấp dưới.

Về phản biện xã hội và tham vấn chính sách (Điều 6), đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành với quy định của dự thảo Luật về phản biện xã hội đối với chính sách, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật để vừa phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội thành viên, vừa tập trung một đầu mối xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện phản biện xã hội như hiện hành; đồng thời, bảo đảm phù hợp với Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội và thống nhất với quy định tại Luật Công đoàn…

leftcenterrightdel
 Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định kết luận nội dung thảo luận (ảnh: VPQH cung cấp).

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao Chính phủ, Bộ Tư pháp, Ủy ban Pháp luật và các cơ quan có liên quan đã phối hợp chặt chẽ, khẩn trương với tinh thần trách nhiệm cao, chuẩn bị hồ sơ, tài liệu kịp thời và khoa học. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất với nội dung trình của các cơ quan, đồng thời đã góp ý thêm nhiều vấn đề để các cơ quan tiếp tục hoàn chỉnh hồ sơ cũng như dự thảo Luật.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra khẩn trương tiếp thu các ý kiến đã phát biểu, sớm hoàn thiện hồ sơ gửi tới các đại biểu Quốc hội để nghiên cứu, qua đó chuẩn bị tốt nhất để dự án Luật được thông qua theo quy trình một kỳ họp tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9 của Quốc hội khóa XV sắp tới…

Vũ Cảnh