Sáng 30/4/2025, Tổng Bí thư Tô Lâm thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước trực tiếp trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Hồ Chí Minh.

leftcenterrightdel
 Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội và khách mời nước bạn tham dự Lễ kỷ niệm.

Danh hiệu Anh hùng Lao động được trao tặng cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Hồ Chí Minh diễn ra trong Lễ kỷ niệm, diễu binh, diễu hành cấp quốc gia 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh.

Theo đó, xét đề nghị của Thủ tướng Chính phủ tại Tờ trình số 474/TTr-TTg ngày 26/4/2025, Chủ tịch nước Lương Cường đã ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Hồ Chí Minh.

Đây là sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước đối với thành tích xuất sắc đột xuất trong phòng chống đại dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế, xã hội, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Ngay sau phần công bố quyết định, Tổng Bí thư Tô Lâm đã trực tiếp trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Hồ Chí Minh.

Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên cùng các thành viên Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh đại diện cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Hồ Chí Minh vinh dự nhận danh hiệu.

leftcenterrightdel
 Tại Lễ kỷ niệm, Tổng Bí thư Tô Lâm thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Hồ Chí Minh. (Ảnh TTXVN)

Theo báo cáo, từ năm 2020 đến năm 2024, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Hồ Chí Minh đã có thành tích đặc biệt xuất sắc đột xuất trong trong phòng, chống đại dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế - xã hội.

Trong cuộc chiến chống dịch COVID-19, TP Hồ Chí Minh đã huy động toàn ngành y tế và các lực lượng hữu quan hơn 1.500 đội lấy mẫu, tổ chức hệ thống các cơ sở điều trị COVID-19 theo mô hình “tháp tầng” với trên 40 ngàn giường. Thiết lập 1.109 đội tiêm chủng, thực hiện 13.941.785 liều vắc xin, nhờ đó đã giúp tỷ lệ bao phủ đủ hai mũi vắc xin cho người từ 18 tuổi trở lên đạt tỉ lệ cao.

Cùng với nhiệm vụ trực tiếp chống dịch để dập dịch thì nhiệm vụ giữ vững các hoạt động của thành phố, bảo đảm đời sống của nhân dân vô cùng quan trọng. Thành phố đã tiếp nhận và phân bổ 71.104,950 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia để hỗ trợ cho 4.740.330 người dân gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19; tiếp nhận trực tiếp hơn 10.800 đơn vị ủng hộ với tổng số tiền hơn 5.908 tỉ 8 triệu đồng, trong đó chi, phân phối số tiền hơn 5.792 tỉ 353 triệu đồng.

Sau đại dịch COVID-19, hệ thống chính trị và người dân thành phố đã chung sức, đồng lòng vượt qua khó khăn, thách thức, triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp, biện pháp nâng cao sức chống chịu kinh tế thành phố, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh sau đại dịch, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nỗ lực duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân dương.

leftcenterrightdel
 Diện mạo TP Hồ Chí Minh sau 50 năm thống nhất đất nước.

Tăng trưởng GRDP năm 2021 suy giảm sâu ở mức -5,36%; năm 2022 phục hồi và tăng 9,03%. Kinh tế thành phố tiếp tục hồi phục tích cực, chuyển dịch theo hướng hiện đại, có mức tăng trưởng khá. Ước tính tốc độ tăng GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2025 đạt khoảng 5,3%/năm. Nếu tính từ sau giai đoạn COVID-19, tăng trưởng bình quân của thành phố ước đạt 7,7 - 7,9%. Tổng thu ngân sách trong 5 năm (2020-2024) đạt 2.208.380 tỉ đồng, bình quân mỗi năm đạt trên 441.000 tỉ đồng, đóng góp ngân sách Nhà nước chiếm khoảng 25,9% cả nước.

Giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2024, TP Hồ Chí Minh đã phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công năm là 259.512 tỉ đồng, trong đó vốn ngân sách trung ương là 29.327 tỉ đồng và vốn ngân sách địa phương là 230.184 tỉ đồng.

Về an ninh, quốc phòng, TP Hồ Chí Minh đã đấu tranh phá 10 chuyên án phản động, đã vô hiệu hóa hoạt động của 40 nhóm kín có hoạt động xâm phạm an ninh. Trong 5 năm qua tình hình tội phạm về trật tự xã hội được kiềm chế, kéo giảm đáng kể so với giai đoạn 2015-2020./.

Đại Lánh