Đại biểu Hoàng Văn Hùng - Thái Nguyên: Hiện nay tình trạng ô nhiễm môi trường đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và sản xuất, sinh hoạt của nhân dân, nhất là ở trên các sông, như sông Đáy, sông Nhuệ, sông Châu Giang, sông Cầu, sông Đồng Nai. Đề nghị Bộ trưởng cho biết trách nhiệm của Bộ và giải pháp trước mắt, lâu dài để khắc phục vấn đề này như thế nào ?

leftcenterrightdel
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường -Trần Hồng Hà 

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà: Phải thừa nhận rằng ô nhiễm môi trường nói chung và ô nhiễm môi trường lưu vực sông đặc biệt trong những tháng vừa qua nổi lên, đó là một xu thế hiện nay chúng ta chưa làm đảo ngược được, trong đó có các nguyên nhân sau: 

Trong thời gian vừa qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, ngành và địa phương đã kiểm soát về cơ bản các nguồn thải từ các nhà máy, khu công nghiệp, đồng thời có những biện pháp rất cụ thể để yêu cầu xử lý đạt tiêu chuẩn và giám sát kiểm soát, trước khi thải ra môi trường. Hiện nay có một khó khăn, đó là do quá trình phát triển cơ sở đầu tư hạ tầng, chúng ta chưa chú ý đến khâu thu gom nguồn nước thải, nước thải với nước mưa lẫn với nhau. Nói chung gần như hạ tầng các đô thị hiện nay rất yếu kém, cỡ khoảng 95% nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý và thải trực tiếp ra môi trường.

Bên cạnh đó, các làng nghề truyền thống lại sử dụng công nghệ cũ lạc hậu biến tướng tham gia khu vực này với năng lực và điều kiện hạn chế nhưng chúng ta chưa kiểm soát được do nguồn lực đầu tư nhà nước có hạn. Vấn đề làm rõ trách nhiệm quản lý lưu vực sông đã có cơ chế, có Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông nhưng thực tế thời gian qua đã xác định là địa phương nào có nhiều nguồn nước thải, địa phương nào có điều kiện kinh tế khá hơn và các địa phương phải lo xử lý tại nguồn nước của mình.

Với cơ chế sắp tới sẽ xác định nguồn nước thải của từng địa phương và có cơ chế trách nhiệm của từng địa phương. Chúng ta biết Hà Nội đã có cơ chế huy động xã hội hóa đầu tư tư nhân vào áp dụng công nghệ phù hợp và tiến hành xử lý được và dự kiến đến năm 2020 tư nhân hóa để tham gia xử lý nguồn nước thải với sự hỗ trợ bù giá của thành phố Hà Nội bên cạnh chi phí còn thấp của người dân.

Đại biểu Lê Công Đỉnh - Long An: Tình trạng xói lở bờ sông, bờ biển thời gian qua diễn biến rất phức tạp, đặc biệt là vùng đồng bằng sông Cửu Long. Cử tri rất bất an và lo lắng về vấn đề này, đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân, giải pháp phòng ngừa và khắc phục vấn đề này.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà: Không chỉ vấn đề nguyên nhân sạt lở mà rất nhiều nguyên nhân chúng ta đã có trong tay đầy đủ cơ sở khoa học. Trong đó lượng cát và phù sa cho đến nay cho thấy có thể khoảng 60% bị giữ lại ở nước thượng nguồn qua các hồ đập thủy điện. Chúng ta đang đấu tranh để làm sao giải quyết được khâu đưa phù sa về xuống dưới hạ nguồn. Tuy nhiên đây là vấn đề không đơn giản. Hiện nay vấn đề quản lý khai thác cát rất lỏng lẻo, cát tặc đang lộng hành cũng là nguyên nhân gây ra xói lở.

Chúng ta cũng đã có những quy hoạch về thủy lợi,  quy hoạch về giao thông, trong đó sự tham gia giao thông mật độ như thế nào, hoặc những công trình thủy lợi như thế nào để giải quyết được trên một bình diện tổng thể để những nơi mà xói lở nhiều thì chúng ta phải mở rộng dòng chảy của dòng sông. Chúng tôi cùng với nhiều đồng chí địa phương đến thăm Hà Lan mới biết cách thức của người ta không dùng các kè cứng, mà cách thức này người ta điều chỉnh để dòng chảy tập trung vào giữa lòng sông. Những vấn đề như vậy là những nguyên nhân có thể do chúng ta đầu tư, nhưng nhiều khi lại là nguyên nhân sạt lở.

 Đại biểu Lê Công Nhường - Bình Định: Đất và nước là 2 lĩnh vực quan trọng đối với mỗi quốc gia và mỗi con người. Nhưng hiện nay đất và nước đều bị ô nhiễm ngày càng trầm trọng, phần lớn là do rác thải và phế liệu. Tuy nhiên, hiện nay việc xử lý rác đã trở lên bất cập do thiếu hướng dẫn và vượt quá khả năng xử lý của các chính quyền địa phương cũng như gây lãng phí vì đã đầu tư công nghệ xử lý rác chưa đạt…?

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà: Vấn đề ô nhiễm đất và nước, như tôi đã báo cáo, cho đến hiện nay tình hình chúng ta cũng chưa thể kiểm soát và làm giảm đi tình hình ô nhiễm, trong đó có vấn đề rác thải là vấn đề hết sức bức xúc. Tôi đồng tình với đại biểu. Tuy nhiên, hôm nay nếu nói vấn đề rác thải, với tư cách Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường tôi chịu hoàn toàn trách nhiệm, nhưng Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm về vấn đề quy hoạch, Bộ Khoa học và Công nghệ chịu trách nhiệm về vấn đề công nghệ.

Đặc biệt chúng tôi nhấn mạnh việc sẽ kiểm soát vấn đề rác thải nhựa, coi rác thải như tài nguyên, đến năm 2030 chúng ta phải có các nhà máy phát điện bằng rác, sử dụng các công nghệ. Hiện nay Thủ tướng Chính phủ đã xuống Hà Nam thị sát mô hình Việt Nam sản xuất các thiết bị xử lý rác thông qua khí hóa, chuyển rác thành năng lượng điện, biến chất thải của rác thành phân hữu cơ. Chúng tôi đang cùng Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ kiểm chứng, đánh giá đầy đủ.  

Tuy nhiên, hiện nay có một vấn đề tôi cho là vướng mắc nhất là các công nghệ xử lý chất thải rắn của các nước khác, vì họ có nhận thức nên đã phân loại ngay từ đầu nguồn. Tôi cho rằng chúng ta cần tạo phong trào toàn dân tham gia xử lý rác, phân loại tại nguồn thì lúc đó công nghệ xử lý rác có thể vừa thành phân hữu cơ, vừa thành điện, tỷ lệ rác phát sinh như hiện nay chúng tôi đặt mục tiêu đến năm 2025 chỉ còn 7% chôn lấp, còn nữa phải đốt. Các bãi rác cũ hiện nay quỹ đất chiếm rất lớn và ô nhiễm, chúng tôi sẽ xem xét xử lý.

Phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Trần Hồng Hà  kết thúc vào lúc 10h35 ngày 5/6/2018. Tiếp đó, Bộ trưởng Bộ Lao động thương binh & Xã hội Đào Ngọc Dung đăng đàn trả lời chất vấn về: Thực trạng thị trường lao động ở Việt Nam hiện nay, vấn đề giải quyết việc làm trong nước và đưa lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc theo hợp đồng; các giải pháp nâng cao chất lượng dạy nghề; dạy nghề theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp và theo nhu cầu xã hội; công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em; giải pháp khắc phục tình trạng bạo hành và xâm hại trẻ em.

                                                                                                                                  Minh Triết