Đại biểu Nguyễn Văn Hiển, Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng nêu quan điểm: “Từ sáng tới giờ, các đại biểu phát biểu nhiều về vấn đề biện pháp xử lý vi phạm hành chính đối với người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi. Trong tờ trình thì có nêu ra 2 phương án, một phương án là biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, một phương án là để trong Luật Phòng, chống ma túy, tôi cho rằng cả 2 phương án này đều chưa thực sự hợp lý, nếu xét trên các khía cạnh như đã nêu trên.

leftcenterrightdel
 Toàn cảnh phiên họp Quốc hội sáng 18/6.

Cụ thể, Tổ chức Y tế định nghĩa nghiện ma túy là một loại bệnh tâm thần đặc biệt. Theo định nghĩa này, nếu xác định nghiện ma túy là một bệnh lý thì việc áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính đối với người này, đặc biệt là việc áp dụng các biện pháp xử lý đối với người từ 12 đến dưới 18 tuổi là chưa đúng bản chất của vấn đề.

Thứ hai là việc cai nghiện ma túy là một quá trình điều trị bệnh. Do vậy chỉ có các cơ sở điều trị bệnh đúng nghĩa mới có thể thực hiện tốt việc cai nghiện. Trong khi đó, trường giáo dưỡng là cơ sở giáo dục chứ không phải là cơ sở cai nghiện”.

Phát biểu về vấn đề này, đại biểu Võ Đình Tín, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông nêu quan điểm: “Tôi cho rằng đối với người nghiện ma túy nói chung, nhà nước cần có chính sách để cai nghiện cho họ, vì tác hại của ma túy đối với người nghiện với gia đình và xã hội là rất lớn. Tuy nhiên, đây là biện pháp để cai nghiện cho họ mà không phải là hình thức trừng phạt, đây là chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước ta ngay từ khi Quốc hội xác định bỏ tội danh sử dụng trái phép chất ma túy từ năm 2009. Riêng đối với trẻ em, người dưới 18 tuổi, ngoài các quy định chung, các chính sách, biện pháp cai nghiện cho các em còn phải đảm bảo được lợi ích tốt nhất cho trẻ em theo Luật Trẻ em, các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.

Đi vào vấn đề cụ thể tôi xin kiến nghị, một là không đưa người nghiện ma túy vào trường giáo dưỡng, vì trường giáo dưỡng không phải là nơi để cai nghiện ma túy. Người nghiện ma túy phải được áp dụng các biện pháp để cai nghiện”.

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp phát biểu: “…trẻ em là đối tượng cần được chăm sóc, giáo dục và bảo vệ đặc biệt. Tôi nghĩ trong quá trình xây dựng Luật Trẻ em năm 2016 mà Quốc hội khóa XIII đã xây dựng và thông qua thì việc đưa trẻ em nghiện ma túy vào 1 trong 14 nhóm trẻ em chắc chắn là một sự cân nhắc rất cẩn trọng. Và khi đưa nhóm này vào có nghĩa là mong muốn của chúng ta là để tạo một môi trường an toàn và giúp cho các em có thể hòa nhập với gia đình, cộng đồng. Nếu như lần sửa dự thảo luật này mà chúng ta quy định đưa nhóm đối tượng này vào các trường giáo dưỡng thì như vậy có nghĩa là chúng ta sẽ tước mất của nhóm đối tượng đặc biệt này quyền được chăm sóc, giáo dục và bảo vệ đặc biệt cũng như quyền được hỗ trợ, can thiệp đặc biệt theo chủ trương của Đảng cũng như là pháp luật của Nhà nước.

leftcenterrightdel
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp.

Lý do thứ tiếp theo là xét về khoa học giáo dục thì biện pháp trừng phạt chỉ phù hợp với đối tượng đã trưởng thành. Còn đối với trẻ em thì tôi nghĩ rằng phương pháp này không phải là phương pháp tối ưu và cũng không thể đổ hết lỗi vi phạm cho trẻ em. Bởi vì, đây là lứa tuổi trẻ em phải chịu tác động từ rất nhiều môi trường, từ gia đình, nhà trường và xã hội. Báo cáo đánh giá tác động chính sách cũng chưa chỉ ra được cơ sở để bảo đảm rằng quy định này sẽ ngăn ngừa, hạn chế được người thành niên phạm tội, thậm chí biện pháp răn đe cũng có thể đẩy đến những hậu quả gia tăng tội phạm trong thời gian tiếp theo”.

Phát biểu giải trình trước Quốc hội về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết: “… đối với người chưa thành niên sử dụng trái phép chất ma túy và nghiện ma túy cũng có 2 nhóm ý kiến khác nhau và đây cũng là vấn đề hết sức khó và có phần nhạy cảm. Bây giờ các lập luận tại sao lại đưa vào và tại sao lại không đưa vào để áp dụng biện pháp này, Chính phủ đã trình rất kỹ ở trong tờ trình cũng như là báo cáo bổ sung những ý kiến đồng ý cũng như không đồng ý và lý do vì sao cũng đã được báo cáo rất rõ trong báo cáo thẩm tra và đặc biệt là tranh luận và phát biểu của các đại biểu Quốc hội hôm nay. Vấn đề này rất khó cho nên Chính phủ xin phép lắng nghe và báo cáo Quốc hội để xem xét quyết định mà Chính phủ sẽ chấp thuận theo ý kiến của Quốc hội”.

Phát biểu kết luận về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết: “… Về biện pháp áp dụng biện pháp xử lý hành chính đối với người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi, đa số ý kiến của đại biểu Quốc hội đề nghị không áp dụng biện pháp xử lý hành chính, đưa vào trường giáo dưỡng mà nên tiếp tục áp dụng các biện pháp cai nghiện theo Luật Phòng, chống ma túy đối với đối tượng này. Cũng có ý kiến tán thành bổ sung quy định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đối với người nghiện ma túy ở độ tuổi này. Tuy nhiên, đề nghị cần đưa vào cơ sở cai nghiện dành riêng cho họ mà không phải là đưa vào trường giáo dưỡng.

Đối với người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên thì các ý kiến cho rằng cần tiếp tục áp dụng các biện pháp xử lý hành chính để cai nghiện cho những người này. Về việc có bỏ quy định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, đối với người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên có nơi cư trú ổn định hay không và quy định đối tượng bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc trong luật này như thế nào thì cần phải tổng kết, đánh giá toàn diện để có thể đề xuất phù hợp, bảo đảm thống nhất với Luật Phòng, chống ma túy mà tới đây sẽ được đưa vào chương trình sửa đổi và các Công ước quốc tế mà nước ta là thành viên”...

Vũ Cảnh