leftcenterrightdel
 Quang cảnh phiên làm việc của Quốc hội ngày 27/5 tại Hội trường Diên Hồng.

Tặng Thư khen sẽ có giá trị động viên rất lớn

Tranh luận làm rõ một số vấn đề tại phiên thảo luận, Đại biểu Trần Hoàng Ngân – Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh cho biết, Điều 9 của dự thảo Luật đã quy định rõ về hình thức khen thưởng, bao gồm: Huân chương, Huy chương; Danh hiệu vinh dự nhà nước; “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước”; Kỷ niệm chương; Bằng khen; Giấy khen. 

leftcenterrightdel
 Đại biểu Trần Hoàng Ngân – Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh.

Đại biểu kiến nghị bổ sung thêm hình thức "Thư khen". Theo đại biểu, đây là hình thức khen thưởng nhanh, thủ tục đơn giản, hiệu quả khích lệ rất lớn, được sử dụng tại nhiều nước, đặc biệt để động viên kịp thời cho các em học sinh, tạo động lực lớn cho người được trao tặng. 

Đại biểu cũng phân tích thêm, ngay tại Quốc hội, nếu như trong một kỳ họp, các đại biểu Quốc hội tham gia thảo luận chuyên môn sâu, đóng góp rất nhiều trí tuệ hoặc là đưa ra những sáng kiến hiệu quả mà được Chủ tịch Quốc hội gửi thư khen sẽ là một điều rất trân trọng. Do đó, đại biểu đề xuất lãnh đạo Đảng, Nhà nước tích cực và thường xuyên sử dụng hình thức khen thưởng này.

Đề xuất bổ sung danh hiệu nhà khoa học nhân dân, nhà khoa học ưu tú

Liên quan đến quy định về danh hiệu nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú quy định tại Điều 66, Đại biểu Nguyễn Hải Anh – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp tán thành với phương án 1 bổ sung các đối tượng hoạt động trong lĩnh vực nhiếp ảnh, kiến trúc, văn học, bổ sung các soạn giả trong lĩnh vực sân khấu là đối tượng được xét danh hiệu nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú.

leftcenterrightdel
 Đại biểu Nguyễn Hải Anh – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp.

Đại biểu cho rằng quy định này sẽ thể hiện sự quan tâm, trân trọng sự đánh giá và nhìn nhận đầy đủ, đúng đắn và toàn diện những nỗ lực cống hiến, đóng góp, hy sinh và vai trò của đội ngũ văn nghệ sĩ hoạt động ở tất cả các lĩnh vực văn học nghệ thuật, kể cả nghệ sĩ sáng tác và nghệ sĩ biểu diễn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và giao Chính phủ quy định chi tiết về đối tượng, tiêu chuẩn xét tặng đảm bảo không bỏ sót, phù hợp với xu thế của tình hình mới và đáp ứng đông đảo nguyện vọng mong đợi của đội ngũ văn nghệ sĩ nước nhà.

Ngoài ra, để tiếp tục hiện thực hóa những quan điểm của Đảng, Nhà nước về phát triển khoa học và công nghệ, khuyến khích, động viên và tôn vinh các nhà khoa học đang ngày đêm miệt mài, thầm lặng cống hiến cho đất nước, đại biểu Nguyễn Hải Anh đề nghị Quốc hội xem xét bổ sung danh hiệu nhà khoa học nhân dân, nhà khoa học ưu tú vào nhóm danh hiệu vinh dự nhà nước tại Khoản 2, Điều 59 và bổ sung quy định cụ thể về đối tượng, tiêu chuẩn, thời gian xét tặng; giao Chính phủ quy định chi tiết việc xét tặng danh hiệu này nhằm vinh danh các nhà khoa học tài năng, đức độ hết lòng vì Tổ quốc, vì nhân dân có những đóng góp đặc biệt xuất sắc vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Cần quy định cụ thể đối tượng nhà văn được xét tặng danh hiệu nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú

Về danh hiệu nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú quy định tại Điều 66 của dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương nhất trí với phương án 1, theo đó, bổ sung các đối tượng hoạt động trong lĩnh vực nhiếp ảnh, kiến trúc, văn học, bổ sung các soạn giả trong lĩnh vực sân khấu được xét tặng danh hiệu nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú.

Đại biểu cho biết thêm, việc đưa đối tượng kiến trúc sư vào xét tặng danh hiệu nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú là bởi kiến trúc cũng là một bộ môn nghệ thuật, Hội kiến trúc sư là một hội trực thuộc Liên hiệp Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam. Chính vì vậy, kiến trúc sư cũng là một trong những đối tượng để xét tặng danh hiệu nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú.

leftcenterrightdel
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương.

Ngoài ra, theo đại biểu, nếu quy định nhà văn là đối tượng được xét tặng danh hiệu nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú thì đề nghị là trong văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành luật cần cụ thể đối tượng nhà văn sẽ bao gồm tất cả tác giả sáng tác các thể loại văn học và dịch thuật. Đó là nhà văn, nhà thơ, nhà biên kịch và dịch giả để tránh việc bỏ sót đối tượng.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cũng đề nghị sửa từ “nhiếp ảnh” trong Điều 66 của dự thảo Luật thành nhiếp ảnh gia cho chính xác. Bởi nhiếp ảnh là một bộ môn nghệ thuật; còn nhiếp ảnh gia là chỉ những người hoạt động nghệ thuật trong lĩnh vực nhiếp ảnh. Nhiếp ảnh gia mới là đối tượng được xét tặng danh hiệu nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ nhân dân chứ không phải nhiếp ảnh.

Hoàn thiện quy định về thi đua, khen thưởng đối với đại biểu dân cử

Đề cập về những quy định về danh hiệu thi đua, khen thưởng tại một số nơi trong thời gian qua chủ yếu vẫn được đề nghị ở một số chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý, đại biểu Đào Chí Nghĩa - Đoàn đại biểu Quốc hội Tp.Cần Thơ nêu nguyên nhân của vấn đề này là do một phần ảnh hưởng bởi tiêu chí về tỷ lệ và tính liên tục trong công tác thi đua nên các danh hiệu này chưa thật sự được tiếp cận đến đội ngũ trực tiếp thực hiện công tác chuyên môn, cán bộ cấp cơ sở và người lao động.

leftcenterrightdel
 Đại biểu Đào Chí Nghĩa - Đoàn đại biểu Quốc hội Tp.Cần Thơ.

Liên quan đến quy định đối tượng khen thưởng là đại biểu dân cử gồm đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách, đại biểu cho rằng dự thảo Luật vẫn còn chung chung. Đại biểu chỉ rõ lực lượng này thời gian qua vẫn còn nhiều vướng mắc trong công tác thi đua, khen thưởng.

Thực tế hầu như các địa phương thực hiện công tác thi đua, khen thưởng đối với đối tượng này vẫn còn lúng túng trong việc lập hồ sơ và đề nghị công nhận danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng. Do đó, đại biểu Đào Chí Nghĩa kiến nghị Ban soạn thảo tiếp tục quan tâm hoàn thiện và cụ thể các quy định về thi đua, khen thưởng cho đối tượng này để đảm bảo việc thực hiện được hiệu quả và khả thi.

Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, sau một buổi làm việc tích cực, khẩn trương, có 24 ý kiến phát biểu và 4 ý kiến tranh luận. Luật Thi đua khen thưởng (sửa đổi) đã nhiều lần được cơ quan trình, cơ quan thẩm tra tổ chức xin ý kiến, hôm nay tiếp tục nhận được nhiều ý kiến sâu sắc, trách nhiệm, thể hiện rõ chính kiến của đại biểu Quốc hội, có nhiều góp ý cụ thể xuất phát từ thực tiễn.

leftcenterrightdel
 Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu kết luận phiên thảo luận.

Thay mặt Cơ quan soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã có báo cáo giải trình, làm rõ các vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm. Tổng Thư ký Quốc hội sẽ có báo cáo cụ thể gửi tới các đại biểu Quốc hội. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị Ủy ban Xã hội tiếp tục chủ trì, phối hợp với Ban soạn thảo, các cơ quan hữu quan tiếp thu thấu đáo ý kiến của các đại biểu Quốc hội, hoàn thiện dự án Luật để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp này.

Vũ Cảnh