leftcenterrightdel
 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì; Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp (ảnh: VPQH cung cấp).

Đảm bảo PCCC đối với nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh

Phát biểu thảo luận, đại biểu Trần Thị Thu Phước - Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum đánh giá cao dự thảo luật lần này đã cắt giảm từ 42 thủ tục hành chính, còn 13 thủ tục hành chính đã hỗ trợ rất nhiều cho người dân và doanh nghiệp, cũng như tạo điều kiện cho cơ sở tham gia hoạt động PCCC.

leftcenterrightdel
 Đại biểu Trần Thị Thu Phước - Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum phát biểu thảo luận (ảnh: VPQH cung cấp).

Theo dự thảo luật, lực lượng PCCC&CNCH chỉ thẩm định thiết kế kiểm tra kết quả nghiệm thu về PCCC với hệ thống PCCC theo đúng chuyên môn của mình. Với những chính sách được sửa đổi bổ sung như vậy đã thể hiện rất rõ tinh thần trách nhiệm và sự cân nhắc kỹ lưỡng của ban soạn thảo dự án luật chính là nhằm nâng cao tính chuyên môn, chuyên nghiệp trong hoạt động thẩm định, thiết kế, kiểm tra kết quả nghiệm thu về PCCC, giải quyết thực trạng bất cập thời gian qua, thông qua việc phân định rõ trách nhiệm của từng bộ, từng ngành, từng cơ quan.

Đại biểu kiến nghị sau khi luật được thông qua, cần triển khai thi hành các quy định càng sớm càng tốt, nhất là trong điều kiện hiện nay, khi nền kinh tế nước ta đang trong quá trình phục hồi mạnh mẽ và áp lực cạnh tranh ngày càng tăng cao.

leftcenterrightdel
 Các đại biểu tham dự phiên họp (ảnh: VPQH cung cấp).

Đại biểu cho biết, thời gian qua, một trong những vấn đề vướng mắc, bất cập đó là công tác quản lý trên nhiều lĩnh vực của các cơ quan chức năng chưa thực sự hiệu quả, để xảy ra tình trạng xây dựng các công trình nhà ở riêng lẻ, có nhiều tầng, nhiều căn hộ không tuân thủ quy định của pháp luật. Vì vậy, dự thảo luật đã bổ sung nhiều quy định giải quyết các công trình hiện hữu chưa bảo đảm an toàn về PCCC.

Đại biểu cũng đề nghị, nếu chính sách này được Quốc hội thông qua, cần kịp thời ban hành các kế hoạch triển khai thực hiện nhanh chóng, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành, địa phương, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu. 

Theo đại biểu, bên cạnh nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền, dự thảo luật cũng cần bổ sung quy định cụ thể hơn về trách nhiệm của người dân về trang bị các thiết bị báo động cháy, báo khói; khuyến khích lắp đặt hệ thống báo cháy tự động hoặc từ xa thông qua các thiết bị điều khiển thông minh. Đồng thời, nghiên cứu xây dựng hệ thống dữ liệu khuyến khích người dân chia sẻ dữ liệu từ các thiết bị báo cháy gia đình lên hệ thống dữ liệu chung của cơ quan chức năng để làm tốt công tác cảnh báo…

leftcenterrightdel
 Đại biểu Dương Khắc Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông phát biểu thảo luận (ảnh: VPQH cung cấp).

Cùng quan tâm đến nội dung về phòng cháy đối với nhà ở (Điều 17), đại biểu Dương Khắc Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông cho rằng, dự thảo Luật chưa có những quy định cụ thể về điều kiện đảm bảo PCCC, đặc biệt là nhà ở kết hợp với sản xuất, kinh doanh.

Do đó, đại biểu đề nghị làm rõ hơn điều kiện bảo đảm an toàn phòng cháy đối với nhà ở kết hợp kinh doanh, có đánh giá tác động cụ thể, kỹ lưỡng hơn để đảm bảo tính khả thi khi triển khai Luật…

Cần quan tâm đến quy định về PCCC trong cung ứng điện

Nêu rõ dự thảo Luật đã được nghiên cứu kỹ lưỡng và Bộ Công an đánh giá tác động, đại biểu Đào Chí Nghĩa - Đoàn ĐBQH thành phố Cần Thơ nhận thấy, thực tế trong thời gian qua, tình hình cháy nổ diễn biến rất phức tạp, nhiều vụ cháy đã xảy ra ở các thành phố lớn, các khu đô thị tập trung đông dân cư, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về người và tài sản…

leftcenterrightdel
 Đại biểu Đào Chí Nghĩa - Đoàn ĐBQH thành phố Cần Thơ phát biểu thảo luận (ảnh: VPQH cung cấp).

Theo đại biểu, có nhiều nguyên nhân dẫn đến cháy nổ, cụ thể như việc đầu tư lắp đặt hệ thống PCCC không đạt tiêu chuẩn hoặc phương án thoát hiểm khi xảy ra sự cố cháy nổ không bảo đảm an toàn, ý thức của hộ kinh doanh về PCCC còn hạn chế… Chính vì vậy, đại biểu cho rằng, cần phải có giải pháp để nâng cao hơn nữa hiệu quả quản lý Nhà nước về PCCC. 

Quan tâm đến quy định về PCCC trong cung ứng điện, đảm bảo chất lượng đối với thiết bị điện được quy định tại Điều 20 của dự thảo Luật này, đại biểu Nguyễn Minh Tâm - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình nhận thấy, cần xem xét, cân nhắc đối với quy định đơn vị điện lực có trách nhiệm thực hiện, duy trì các biện pháp bảo đảm an toàn về PCCC đối với hệ thống điện truyền tải.

leftcenterrightdel
 Đại biểu Nguyễn Minh Tâm - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình phát biểu thảo luận (ảnh: VPQH cung cấp).

Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Minh Tâm cũng khuyến nghị kịp thời lắp đặt, sử dụng, đảm bảo an toàn đối với hệ thống thiết bị điện theo tiêu chuẩn kỹ thuật trước khi ký hợp đồng bán điện và trong quá trình sử dụng điện.

Đồng thời, liên quan đến trách nhiệm khuyến cáo của nhà sản xuất, cung cấp thiết bị điện, bảo đảm an toàn thiết bị điện theo tiêu chuẩn kỹ thuật, đại biểu Nguyễn Minh Tâm đề nghị Ban soạn thảo bổ sung thêm trách nhiệm của đơn vị tư vấn thiết kế đối với khách hàng có hồ sơ thiết kế về hệ thống điện, đảm bảo tiêu chuẩn, yêu cầu về an toàn điện…

Diên Hồng