Theo Công điện, để ngăn chặn việc sử dụng pháo trái phép, nhất là trong thời điểm đêm Giao thừa Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, Bộ trưởng Bộ Công an yêu cầu:
Giám đốc Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục chỉ đạo quyết liệt các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn sử dụng pháo trái phép, nhất là 15 địa phương trọng điểm về pháo (Quảng Ninh, Lạng Sơn, Nghệ An, Hà Tĩnh, Tây Ninh, Lào Cai, Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Quảng Bình, Quảng Trị, Bắc Giang, Hà Giang, An Giang, Cao Bằng) và 11 địa phương có tình hình phức tạp về pháo năm Canh Tý 2020 (Vĩnh Phúc, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Thuận, Đắk Lắk, Quảng Bình, Bắc Giang, Quảng Trị, Bình Phước, Hà Tĩnh, An Giang), phải tập trung cao độ lực lượng, biện pháp thực hiện. Riêng thời điểm đêm Giao thừa phải huy động tối đa lực lượng tuần tra, kiểm soát, khép kín địa bàn, lập chốt, kịp thời phát hiện, bắt giữ, xử lý nghiêm các vi phạm về pháo; tăng cường quân số của Công an tỉnh, Công an huyện cho các địa bàn phức tạp, huy động các ban, ngành đoàn thể cùng tham gia, kiên quyết không để xảy ra tình trạng sử dụng pháo trái phép phức tạp. Đồng chí Giám đốc Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng nếu để tình hình sử dụng pháo phức tạp trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.
Giao Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội tổ chức các đoàn kiểm tra, đôn đốc thực hiện các phương án ngăn chặn sử dụng pháo trái phép vào đêm Giao thừa tại các địa bàn trọng điểm, lập biên bản báo cáo Bộ trưởng những nơi triển khai thiếu quyết liệt, để xảy ra tình trạng sử dụng pháo trái phép phức tạp.
Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an chỉ đạo Cơ quan Cảnh sát điều tra các cấp khẩn trương khởi tố điều tra các vụ án vi phạm về pháo phát hiện trước, trong và sau Tết Nguyên đán, truy nguyên triệt để nguồn gốc pháo; phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân áp dụng Điều 456 Bộ luật Tố tụng hình sự tiến hành điều tra, truy tố, xét xử theo thủ tục rút gọn và xét xử lưu động để tuyên truyền, răn đe, phòng ngừa chung.
Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao tiếp tục phối hợp đẩy mạnh việc rà soát, phát hiện đề nghị gỡ bỏ các đường dẫn, tài khoản mạng xã hội... vi phạm về pháo, nhất là các tài khoản cổ vũ, kích động đốt pháo trái phép; rà soát các nhóm đối tượng mua bán, tàng trữ, sử dụng pháo trái phép trên không gian mạng và phối hợp với Công an các đơn vị, địa phương điều tra xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Theo thống kê, từ sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 đến nay, lãnh đạo Bộ, các cục nghiệp vụ đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương triển khai quyết liệt các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn tình trạng sản xuất, mua bán, tàng trữ, sử dụng pháo trái phép. Lực lượng Công an toàn quốc đã phát hiện, bắt giữ 2.020 vụ, 2.587 đối tượng vi phạm về pháo, thu trên 33,6 tấn pháo các loại. Riêng trong đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm bảo vệ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 từ ngày 15/12/2020 đến nay đã phát hiện, bắt giữ 1.799 vụ, 2.284 đối tượng, thu giữ trên 21,7 tấn pháo; đã khởi tố 567 vụ (chiếm 31,5%), 769 đối tượng(chiếm 33,6%) về các tội danh liên quan để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Cũng theo Bộ Công an, qua công tác đấu tranh cho thấy, nguồn gốc pháo chủ yếu từ nước ngoài, lợi dụng sơ hở thiếu sót trong công tác quản lý các cửa khẩu, đường mòn, lối mở ở khu vực biên giới để vận chuyển vào trong nước tiêu thụ; lượng pháo tàng trữ trái phép ngoài xã hội còn nhiều, trong khi đó, một bộ phận người dân vẫn chưa nhận thức đầy đủ các quy định của Nghị định 137/2020/NĐ-CP, vẫn còn tình trạng hiểu lầm hoặc “cố tình hiều lầm” về việc được phép sử dụng pháo... Do đó, dự báo việc sử dụng pháo trái phép trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 sẽ diễn ra phức tạp.