leftcenterrightdel
 Quang cảnh phiên làm việc của Quốc hội chiều ngày 25/5.

Huy động nguồn lực xã hội để phát triển công nghiệp điện ảnh

Trình bày ý kiến thảo luận, Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng cho rằng, việc quy định như trong dự thảo Luật là chưa phù hợp trong bối cảnh hội nhập thế giới.

Đặc biệt, để phát triển nền công nghiệp điện ảnh cần phải huy động được nguồn lực ở tất cả các thành phần kinh tế, đầu tư đào tạo, phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng chuyên môn cao và đặc biệt.

Mặt khác, theo quy định tại khoản 3, Điều 7 của dự thảo Luật, tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội nghề nghiệp về điện ảnh cũng được xác định có nhiệm vụ đào tạo nguồn lực điện ảnh.

leftcenterrightdel
 Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng.

Đặt vấn đề liệu quy định này có mâu thuẫn với quy định tại Điều 6 hay không, đại biểu đề nghị cần có sự thống nhất, đồng bộ giữa những điều, khoản trong dự thảo Luật.

Về quyền và nghĩa vụ của cơ sở sản xuất phim, đại biểu cho rằng không nên quy định ràng buộc quyền và nghĩa vụ của các cơ sở điện ảnh từ nguồn ngân sách nhà nước trong dự thảo Luật.

Về cung cấp dịch vụ phim cho tổ chức, cá nhân nước ngoài, đại biểu bày tỏ đồng tình với phương án quy định yêu cầu nộp kịch bản phim bằng tiếng Việt. Đại biểu cho rằng quy định này là cần thiết để đảm bảo các nội dung yêu cầu về chính trị và an ninh quốc phòng.

Đa dạng các giá trị văn hóa trong liên hoan phim

Trình bày ý kiến thảo luận, Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định đề nghị, nội dung quy định tại Điều 43 của dự thảo Luật về mục đích của Quỹ hỗ trợ điện ảnh cần bổ sung thêm một khoản có nội dung hỗ trợ các hoạt động tiếp cận các công trình kiến trúc, điêu khắc, tác phẩm hội họa, âm nhạc, văn học, sân khấu, nhiếp ảnh cho các nhà làm phim.

Theo đại biểu, quy định này sẽ giúp giảm chi phí tiếp cận các loại hình nghệ thuật trong nước, đưa các công trình, các loại hình nghệ thuật, văn hóa truyền thống vào phim, tạo ra nhiều phim liên quan đến đề tài cách mạng, lịch sử, văn hóa truyền thống.

leftcenterrightdel
 Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định.

Về phổ biến phim trên không gian mạng, đại biểu đề nghị dự thảo Luật bổ sung nội dung hướng dẫn các bậc cha mẹ kiểm soát, quản lý con em mình, bảo đảm trẻ tiếp cận với các bộ phim phù hợp với độ tuổi theo quy định.

Về liên hoan phim, tuần lễ phim, đại biểu đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có thêm kế hoạch lồng ghép, đưa thêm các loại hình nghệ thuật khác như điêu khắc, hội họa, văn học, nhiếp ảnh, âm nhạc vào các chương trình liên hoan phim để công chúng có cơ hội tiếp cận đa dạng các giá trị văn hóa trong sự kiện. Hạn chế việc các liên hoan phim chỉ là nơi gặp gỡ của các nhà chuyên môn, mà cần coi đây là cơ hội đưa các tác phẩm có giá trị đến tiếp cận với đông đảo công chúng.

Cần có quy định cụ thể về thời lượng quảng cáo khi chiếu phim trên truyền hình

Cho ý kiến về chính sách của Nhà nước về phát triển điện ảnh, Đại biểu Trần Thị Thu Hằng - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông cho biết, Ban soạn thảo mới chỉ đề cập đến các vùng ưu tiên được đầu tư, hỗ trợ như miền núi, biên giới, hải đảo, đồng bào dân tộc thiểu số và nông thôn.

Tuy nhiên, từ năm 2006, Quyết định số 172 ngày 7/7/2006 của Ủy ban Dân tộc về việc công nhận các xã, huyện, tỉnh ở vùng cao, miền núi nên cần xem xét chính sách đầu tư, ưu tiên để phát triển điện ảnh. Để thực hiện nhiệm vụ này, các Bộ ngành, cơ quan cần xem xét khu vực vùng cao được áp dụng chính sách ưu tiên để đầu tư cho phát triển điện ảnh.

leftcenterrightdel
 Đại biểu Trần Thị Thu Hằng - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông.

Cùng với đó, khoản 3 Điều 5 dự thảo Luật quy định Nhà nước có chính sách ưu đãi về tín dụng, thuế và đất đai đối với các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh theo quy định của pháp luật. Vì vậy, cơ quan soạn thảo dự án Luật cần xem xét, đối chiếu với nội dung của Luật Đầu tư công 2020.

Về quảng cáo, dịch vụ trong phim, đại biểu Trần Thị Thu Hằng cho biết, thực tế cho thấy, một số bộ phim hay có quảng cáo quá nhiều và nguồn thu thuộc về các đài truyền hình. Việc quảng cáo quá nhiều sẽ gây ức chế đối với người xem nên cần có quy định cụ thể về thời lượng quảng cáo ở trong Luật và giao cho Chính phủ quy định.

Bộ VH-TT&DL và Bộ TTTT cần phối hợp kiểm tra phổ biến phim trên không gian mạng

Quan tâm đến nội dung cung cấp dịch vụ sản xuất phim cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Điều 13 dự thảo Luật, đại biểu Tô Ái Vang - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng bày tỏ quan điểm ủng hộ phương án quy định yêu cầu kịch bản phim bằng tiếng Việt (đầy đủ).

Theo đại biểu, kịch bản phim là cơ sở quan trọng để các cơ quan chức năng thẩm định phim của các tổ chức, cá nhân nước ngoài sử dụng bối cảnh tại Việt Nam.

leftcenterrightdel
 Đại biểu Tô Ái Vang - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng.

Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị bổ sung vào dự thảo Luật quy định về việc đánh giá chất lượng, hiệu quả đối với cơ quan được giao đặt hàng và phổ biến phim để đánh giá tính hiệu quả mang lại đối với những dự án phim sử dụng ngân sách nhà nước, tránh trường hợp sử dụng ngân sách nhà nước nhưng không mang lại hiệu quả cao.

Liên quan đến quy định phổ biến phim trên không gian mạng, nữ đại biểu cho rằng quy định này rất phù hợp với điều kiện nước ta hiện nay. Tuy nhiên để đảm bảo chặt chẽ, đại biểu đề nghị chỉnh lý khoản 5 Điều 21 theo hướng: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức nhân lực, phương tiện kỹ thuật để thực hiện kiểm tra nội dung phim, việc phân loại hiển thị kết quả phân loại phim phổ biến trên không gian mạng; phối hợp với các cơ quan nhà nước có liên quan thực hiện các biện pháp ngăn chặn các hành vi vi phạm quy định pháp luật…

Vũ Cảnh