|
|
Đồng chí Lê Quốc Phong, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, được bầu giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp nhiệm kỳ 2020 - 2025. Ảnh: TTXVN |
Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp khóa XI nhiệm kỳ 2020 - 2025 gồm 51 đồng chí (gồm 50 đồng chí được bầu tại Đại hội và 1 đồng chí được Bộ Chính trị chỉ định là đồng chí Lê Quốc Phong, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, nguyên Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn). Đoàn đại biểu đi dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII gồm 18 người.
Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa mới đã bầu 12 đồng chí vào Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Đồng chí Lê Quốc Phong, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, nguyên Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn đã được Bộ Chính trị chỉ định tham gia Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2020 - 2025. Như vậy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Tháp khóa mới có 13 đồng chí. Đồng chí Lê Quốc Phong được bầu giữ chức Bí thư Tỉnh ủy với số phiếu tuyệt đối (51/51 phiếu).
Đồng chí Lê Quốc Phong sinh ngày 3/5/1978, quê quán Hà Nội; trình độ chuyên môn: Thạc sĩ Sinh học; trình độ lý luận chính trị: Cao cấp; Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng khóa XII; đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa XIV, Chủ tịch Nhóm đại biểu Quốc hội trẻ.
Đồng chí đã đảm nhiệm chức vụ Bí thư thứ Nhất Trung ương Đoàn; Chủ nhiệm Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam; Bí thư Đảng ủy Trung ương Đoàn. Ngày 11/10/2020, Bộ Chính trị có quyết định đồng chí Lê Quốc Phong, thôi tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và thôi giữ chức Bí thư thứ Nhất Trung ương Đoàn; điều động, phân công, chỉ định đồng chí tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và giới thiệu bầu giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp.
Ban Chấp hành Đảng bộ đã bầu đồng chí Phan Văn Thắng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa X, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy và đồng chí Phạm Thiện Nghĩa, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa X, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy.
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp lần thứ XI đã đề ra 18 chỉ tiêu chủ yếu và 5 đột phá chiến lược phát triển trong giai đoạn 2020 – 2025. Theo đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân 5 năm đạt 7,5%. Đến năm 2025, GRDP bình quân đầu người tăng gấp 1,7 lần so với năm 2020 (tương đương 3.434 USD). Thu ngân sách trên địa bàn tăng bình quân từ 8,0 đến 10%/năm. Tổng vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2020 - 2025 đạt khoảng 26% GRDP. Tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 3% (dự kiến theo chuẩn mới). Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 95% dân số. Có 90% xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, có 30% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 10% xã nông thôn mới nâng cao đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; có thêm 5 đơn vị cấp huyện cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới và 1 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Tổ chức Đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ đạt trên 95…
Năm đột phá chiến lược phát triển trong giai đoạn 2020 – 2025 của Đồng Tháp gồm: Đẩy nhanh phát triển hạ tầng giao thông, tạo nền tảng kết nối và phát triển các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, du lịch gắn kết hài hòa với phát triển đô thị; tranh thủ các nguồn vốn đầu tư mở rộng các tuyến quốc lộ, các đường cao tốc qua địa bàn tỉnh. Tỉnh tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển trong điều kiện tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế; nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục; liên kết với các trường đại học trong và ngoài nước để đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Tỉnh Đồng Tháp tăng cường liên kết, hợp tác phát triển kinh tế nông nghiệp quy mô lớn, phát triển nền nông nghiệp thông minh; đẩy mạnh phát triển ngành hàng hoa kiểng và phát huy lợi thế của làng hoa Sa Đéc lan tỏa ra toàn tỉnh; phát triển nhanh diện tích trồng cây ăn trái. Bên cạnh đó, tỉnh tập trung phát triển doanh nghiệp và đẩy mạnh phong trào khởi nghiệp theo hướng nâng cao sức cạnh tranh và hiệu quả, đóng vai trò là động lực phát triển kinh tế, gắn kết nguồn lực và tham gia chuỗi các ngành hàng chủ lực của tỉnh.
Tỉnh Đồng Tháp đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh; thực hiện tốt cải cách hành chính trong Đảng; nâng cao hiệu quả và chất lượng hoạt động của chi bộ.