Số lượng cấp ủy viên giảm, chất lượng cao hơn

Theo Báo cáo tổng hợp của Ban Tổ chức Trung ương, 100% đại hội đảng bộ trực thuộc Trung ương theo đúng tiến độ yêu cầu của Chỉ thị số 35-CT/TƯ ngày 30/5/2019 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; sớm hơn so với 3 nhiệm kỳ gần đây, bảo đảm đúng quy định, chất lượng theo yêu cầu. Các đại hội tiến hành đủ 4 nội dung; riêng Đại hội Đảng bộ Quân đội và Đại hội Đảng bộ Công an Trung ương tiến hành 3 nội dung theo quy định. 

leftcenterrightdel
 

Công tác nhân sự được Bộ Chính trị, Ban Bí thư, nhất là đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo thường xuyên, chặt chẽ và các cấp ủy quan tâm chuẩn bị ngay từ đầu nhiệm kỳ. Đề án nhân sự chuẩn bị bảo đảm số lượng ban chấp hành, giảm khoảng 5% so với nhiệm kỳ trước; tiêu chuẩn phù hợp với quy định chung; số dư 10-15%; bảo đảm cơ cấu và tỷ lệ đổi mới cơ bản được đề ra theo đúng yêu cầu quy định.

Việc bầu cử ban chấp hành, ban thường vụ, bí thư, phó bí thư được thực hiện theo đúng Quy chế bầu cử trong Đảng với kết quả bầu cử số lượng ban chấp hành, ban thường vụ giảm theo quy định nhưng vẫn bảo đảm cơ cấu, chất lượng nâng lên so với nhiệm kỳ trước.

Kết quả phân tích cụ thể cho thấy, bí thư cấp ủy nữ là 9 đồng chí, đạt tỷ lệ 13,85% (nhiệm kỳ trước là 3 đồng chí); đó là bí thư các tỉnh ủy: Bắc Ninh, Lạng Sơn, Hà Nam, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Lai Châu, Quảng Ngãi, An Giang. Cấp ủy nữ là 523 đồng chí (15,71%), cao hơn nhiệm kỳ trước 2,69%. 

Cấp ủy viên người dân tộc thiểu số là 389 đồng chí, đạt tỷ lệ 11,68%, cao hơn nhiệm kỳ trước 0,72%, trong đó, cao nhất là tỉnh Cao Bằng (75,5%). Bí thư cấp ủy người dân tộc thiểu số là 6 đồng chí, đạt tỷ lệ 9,23%, cao hơn nhiệm kỳ trước 1,54%. 

Về trình độ, cấp ủy có trình độ thạc sĩ trở lên là 2.220 đồng chí (28 giáo sư, phó giáo sư), đạt 66,67%, cao hơn nhiệm kỳ trước 23,17%. Bí thư cấp ủy có trình độ từ thạc sĩ trở lên là 51 đồng chí (3 giáo sư, phó giáo sư), đạt 78,46%, cao hơn nhiệm kỳ trước 13,85%. Phó bí thư có trình độ từ thạc sĩ trở lên là 98 đồng chí (2 giáo sư, phó giáo sư), đạt 69,01%, cao hơn nhiệm kỳ trước 20,59%.

Tuổi bình quân của ban chấp hành, ban thường vụ, bí thư, phó bí thư thấp hơn so với nhiệm kỳ trước. Trong đó, độ tuổi bình quân của cấp ủy nhiệm kỳ 2020-2025 là 48,82, thấp hơn nhiệm kỳ trước 1,07 tuổi. Cơ bản bảo đảm 3 độ tuổi trong cấp ủy; có 28 đồng chí bí thư từ 50 tuổi trở xuống, đạt tỷ lệ 43,08%. 

Có 27 đồng chí bí thư không là người địa phương, đạt tỷ lệ 41,54%, cao hơn nhiệm kỳ trước 23,08%. Có 3 đảng bộ (thành phố Hồ Chí Minh, Điện Biên, Đồng Tháp) thực hiện quyết định của Bộ Chính trị về phân công, chỉ định nhân sự tham gia ban chấp hành, ban thường vụ và giới thiệu để hội nghị lần thứ nhất của ban chấp hành đảng bộ nhiệm kỳ 2020-2025 bầu giữ chức bí thư tỉnh, thành ủy; kết quả, cả 3 đồng chí bí thư đều trúng cử với tỷ lệ phiếu 100%.

Cấp ủy các đảng bộ cũng đã bầu được 65 đồng chí chủ nhiệm ủy ban kiểm tra. 67 đại hội đã bầu đủ 1.381 đại biểu chính thức và 131 đại biểu dự khuyết dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Văn kiện được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng

Ban Tổ chức Trung ương nhận định, các dự thảo văn kiện đại hội các đảng bộ trực thuộc Trung ương được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng. Điểm nhấn và mới trong các dự thảo văn kiện nhiệm kỳ này là các đảng bộ đã tập trung làm rõ vai trò lãnh đạo của Đảng, chú trọng nhiều hơn công tác xây dựng Đảng; lựa chọn khâu đột phá để tập trung thực hiện trong nhiệm kỳ 2020-2025, mục tiêu, phương hướng đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2045. Một số báo cáo kiểm điểm đã nêu cao tính tự phê bình và phê bình, các đồng chí lãnh đạo chủ chốt đã thực hiện việc nêu gương, chủ động nhận trách nhiệm về những hạn chế, khuyết điểm của đảng bộ...

Gần 1.400 ý kiến phát biểu, tham luận tại đại hội và các tổ thảo luận; trong đó, có nhiều ý kiến thẳng thắn, tâm huyết, phân tích làm sâu sắc hơn những chuyển biến tích cực của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong nhiệm kỳ qua, nhất là công tác đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực và những biểu hiện suy thoái; tập trung thảo luận kỹ lưỡng về các quan điểm mới, mục tiêu, chủ trương, định hướng lớn, chỉ tiêu phấn đấu và những vấn đề mới, khó, những nhiệm vụ mang tính đột phá gắn với tình hình cụ thể của địa phương, đơn vị.

Sáu kinh nghiệm rút ra

Từ công tác tổ chức đại hội của 67 đảng bộ trực thuộc Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương rút ra sáu kinh nghiệm. Trong đó, kinh nghiệm số 1 là phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, sát sao của Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong suốt quá trình chuẩn bị, tổ chức đại hội; chỉ đạo ban hành hệ thống văn bản sớm, đầy đủ, toàn diện về chuẩn bị và tổ chức đại hội. Đồng thời, phát huy tính chủ động, sáng tạo của từng cấp ủy, tổ chức Đảng, cá nhân, nhất là người đứng đầu trong quá trình chuẩn bị, tổ chức đại hội... 

Báo cáo chính trị phải làm rõ được công tác và vai trò lãnh đạo của Đảng trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị trọng tâm theo hướng: Xây dựng Đảng là then chốt, trong đó, công tác cán bộ là then chốt của nhiệm vụ then chốt; phát triển kinh tế - xã hội là nhiệm vụ trung tâm; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội; tăng cường quốc phòng - an ninh là thường xuyên, trọng yếu; tích cực chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng.

Trong công tác nhân sự đại hội, phải tuyệt đối tuân thủ đúng quy trình 5 bước, dân chủ, khách quan, công tâm, công khai, minh bạch, tất cả vì lợi ích quốc gia dân tộc theo phương châm “làm từng bước chặt chẽ, từng việc cụ thể, từng nhóm chức danh từ thấp đến cao, bảo đảm thận trọng, kỹ lưỡng, làm đến đâu chắc đến đó”; chủ động nắm tình hình, kịp thời xử lý các tình huống ngoài dự kiến. Đối với những việc khó, phức tạp, nhạy cảm “phải thực hiện nhất quán theo quy định, giữ vững nguyên tắc, phát huy dân chủ, huy động trí tuệ tập thể, công tâm, khách quan và quyết định theo đa số”.

Ban Tổ chức Trung ương đề nghị hai nhóm vấn đề cần tập trung thực hiện sau đại hội. Đáng chú ý, Ban đề nghị các cấp ủy bám sát Quy định số 10-QĐi/TƯ của Bộ Chính trị, Quyết định số 168-QĐ/TƯ của Ban Bí thư để xây dựng quy chế làm việc của ban chấp hành đảng bộ trực thuộc Trung ương, Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết, Chương trình làm việc toàn khóa và Chương trình kiểm tra, giám sát toàn khóa để triển khai, thực hiện Nghị quyết.

leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
 
Theo Hà Nội mới