Số người nghiện tiếp tục tăng

Trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Liên vào sáng nay (31/10) "Về giải pháp căn cơ chống tội phạm ma túy", Bộ trưởng Bộ Công an - Tô Lâm cho biết, tình hình về tội phạm ma túy là "đáng lo ngại"; số người nghiện tiếp tục tăng với 224.690 người nghiện có hồ sơ kiểm soát, con số trong thực tế lớn hơn nhiều song việc lập hồ sơ đưa người nghiện đi cai gặp khó khăn, chỉ có khoảng 10% người nghiện được đưa vào các trại cai nghiện tập trung.

leftcenterrightdel
 Bộ trưởng Bộ Công an - Tô Lâm

Ngoài ra, việc ngăn chặn các đường dây ma túy chưa đạt yêu cầu, nhiều đường dây mua bán vận chuyển ma tuý xuyên quốc gia hoạt động mạnh; ngày càng nhiều loại ma tuý mới khó kiểm soát. Năm 2018, cơ quan chức năng đã khởi tố 19.059 vụ, tăng 26,33% so với năm 2017 và khởi tố 23.160 bị can.

"Cuộc đấu tranh với tội phạm ma túy đang diễn ra quyết liệt", Bộ trưởng Bộ Công an nói.

Theo báo cáo của Bộ Công an, tính đến thời điểm này, trên cả nước có 224.690 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, tăng hơn 2.100 người so với năm 2017. Tỷ lệ sử dụng ma túy tổng hợp chiếm 74%, đặc biệt, tại cơ sở cai nghiện các tỉnh Tây Nam Bộ tỷ lệ là 95%.

Trong những năm qua, Việt Nam đã tốn rất nhiều tiền của, công sức để kiểm soát cả nguồn cung lẫn giảm cầu ma túy nhưng kết quả không được như mong muốn. Giá ma túy rẻ hơn nên số người nghiện ngày càng gia tăng và trẻ hóa. Việc cần làm hiện nay là đổi mới hình thức cai nghiện. Theo đó, thay vì coi người nghiện là tệ nạn xã hội, cần coi như họ bị mắc bệnh mãn tính cần chữa trị và có thể chữa ngay tại cộng đồng. Để làm được điều này, luật cần được sửa đổi.

Giải pháp trọng tâm được Bộ trưởng Tô Lâm đưa ra là hoàn thiện chính sách pháp luật; quản lý chặt người nghiện tại khu dân cư, đưa người nghiện đi cai nghiện tập trung và triệt phá đường dây, tụ điểm phức tạp về buôn bán ma túy... 

Gần 12.000 đối tượng truy nã vẫn còn ở ngoài xã hội

Trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Tuấn về vấn đề truy nã tội phạm. Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, đối tượng truy nã hiện nay còn tồn tại trên 11.700 đối tượng, đây là một số lượng rất lớn. Và để đối tượng truy nã còn một lượng lớn như vậy, sẽ gây những hành vi nguy hiểm cho xã hội mà không được ngăn chặn.

Kết quả điều tra vạch trần tội phạm cũng chưa hoàn thành được, việc thực hiện nghiêm minh của luật pháp với những đối tượng gây ra hành vi tội phạm còn chưa được vạch trần. Đó là việc rất nguy hiểm nên phải tập trung để truy bắt những đối tượng trốn truy nã.

Để ngăn chặn, hạn chế việc các đối tượng trốn lệnh truy nã có thể gây ra các hành vi nguy hiểm cho cộng đồng. Bộ Công an đã tăng cường việc quản lý những giấy tờ tùy thân, để không thể làm giả và hạn chế kẽ hở cho những đối tượng trốn truy nã lợi dụng.

Bên cạnh đó, Bộ Công an đã tăng cường thông tin tội phạm, trước hết là trong lực lượng công an, khi mỗi đơn vị xử lý những vụ án, phát hiện ra những đối tượng trốn truy nã thì phải có thông báo, thông tin tội phạm rộng rãi trong nhân dân để huy động được lực lượng này.

Trước đây, có thành lập lực lượng chuyên trách về truy nã tội phạm. Tuy nhiên, nếu chỉ có lực lượng đó thôi thì cũng không đủ sức bao quát phạm vi toàn quốc những đối tượng này. Vừa qua, Bộ Công an đã sửa đổi, thay đổi lại, không còn lực lượng đó nữa mà tội phạm thuộc phạm vi, đơn vị nào, lực lượng nào truy nã đối tượng nào thì phải truy đến cùng các vụ án và các đối tượng đó./.

Xuân Hưng