Bộ Xây dựng vừa đưa ra lấy ý kiến người dân về dự thảo nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng. Một trong những điểm đáng chú ý nhất là đề xuất xử phạt các công trình sai phép, không phép.
Với các hành vi gian lận trong mua bán, chuyển nhượng nhà ở xã hội, dự thảo chỉ rõ, “bán, cho thuê nhà ở xã hội không đúng đối tượng hoặc không đúng điều kiện sẽ bị phạt tiền từ 40-50 triệu đồng”. Mức phạt tương tự cũng áp dụng với người được thuê, thuê mua nhà ở nhưng không sử dụng mà chuyển nhượng, chuyển đổi, cho thuê lại, cho mượn không được sự đồng ý của cơ quan quản lý nhà ở. Hành vi cơi nới, sửa chữa, cải tạo nhà ở không được sự đồng ý của cơ quan quản lý còn bị phạt nặng hơn, với mức tiền từ 60-70 triệu đồng. Ngoài ra, dự thảo quy định, không thực hiện công chứng hoặc chứng thực hợp đồng về nhà ở theo quy định sẽ bị phạt tiền từ 2-4 triệu đồng.
Liên quan tới xử lý nhà không phép, sai phép, dự thảo quy định, phạt tiền từ 20-30 triệu đồng đối với hành vi không thực hiện cắt điện, cắt nước của công trình vi phạm trật tự xây dựng khi có quyết định đình chỉ thi công. Trường hợp tổ chức, cá nhân khiếu nại, tố cáo về quyết định cưỡng chế phá dỡ công trình vi phạm thì việc phá dỡ công trình có thể ngừng lại để giải quyết nhưng vẫn phải thực hiện cắt điện, cắt nước và cấm công nhân xây dựng tại công trình trong thời gian giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Đáng chú ý, mức phạt hành chính bằng tiền đối với các trường hợp xây dựng sai phép, không phép được cho là còn nhẹ, chưa đủ tính răn đe. Cụ thể, dự thảo đưa ra mức phạt từ 500.000 đồng tới 40 triệu đồng với hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình sai nội dung giấy phép xây dựng. Tương tự, với hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng, mức phạt chỉ từ 3-40 triệu đồng. Mức tối đa (40 triệu đồng) được áp dụng với trường hợp xây dựng công trình thuộc dự án đầu tư xây dựng. Đối với hành vi vi phạm xây dựng sai phép, không phép, nếu sau khi có quyết định đình chỉ thi công của cấp có thẩm quyền mà chủ đầu tư vẫn tái phạm thì tùy theo mức độ vi phạm, quy mô công trình vi phạm bị xử phạt từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng và bị tước quyền sử dụng giấy phép xây dựng (nếu có).
Đặc biệt, dự thảo có quy định: “Chủ đầu tư có hành vi xây dựng sai phép, không phép, mà không vi phạm chỉ giới xây dựng, không gây ảnh hưởng các công trình lân cận, không có tranh chấp, xây dựng trên đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp, được cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh giấy phép xây dựng hoặc được cấp giấy phép xây dựng thì ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính, còn bị buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được tương đương 40% giá trị phần xây dựng sai phép, không phép đối với công trình là nhà ở riêng lẻ ở đô thị hoặc tương đương 50% giá trị phần xây dựng sai phép, không phép, sai thiết kế được thẩm định đối với công trình thuộc dự án đầu tư xây dựng.”
Quy định trên được dư luận xem là quá thoáng, chẳng khác nào mở đường cho chủ đầu tư công trình sai phép, không phép nộp tiền “chuộc” sai phạm rồi được tồn tại. Hiện nay, nhiều địa phương chưa quy hoạch chi tiết, hầu hết công trình, dự án được xây dựng từ thông tin quy hoạch có được do “thỏa thuận” giữa nhà đầu tư và cơ quan quản lý. Do đó, việc đưa ra kết luận công trình xây dựng sai phép, không phép có thể phạt cho tồn tại mà không phải tháo dỡ hạng mục sai phạm rất dễ nảy sinh tiêu cực.
Quan điểm khác lại cho rằng, việc áp dụng mức phạt nặng cho tồn tại chỉ nên áp dụng với những công trình sai phạm bị phát hiện muộn (công trình đã đi vào vận hành, sử dụng), còn với những công trình đang trong quá trình thi công, biện pháp xử lý vẫn phải là tháo dỡ phần sai phạm. Chỉ có như vậy mới đủ tính răn đe, đảm bảo hạn chế các vụ xây dựng sai phép, không phép. Nếu áp dụng bừa bãi việc nộp phạt cho tồn tại, sẽ tạo ra tâm lý có thể dùng tiền, thậm chí nhiều tiền để “chuộc” sai phạm. Điều này là rất nguy hiểm, làm mất đi tính nghiêm minh của pháp luật.
Theo ANTĐ