Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo để lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Theo cơ quan chủ trì xây dựng, trong thời gian gần đây, một số luật liên quan đến lĩnh vực quảng cáo được sửa đổi, bổ sung và ban hành mới thay thế như: Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật An ninh mạng, Luật Báo chí...; nhiều cam kết quốc tế giữa Việt Nam với các nước, các tổ chức quốc tế được ký kết và có hiệu lực thi hành như: Hiệp định Thương mại WTO và các 2 Hiệp định thương mại tự do (FTA), Hiệp định khu vực thương mại tự do ASEAN - AFTA, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã làm phát sinh một số quy định liên quan chưa tương thích, cần được rà soát, điều chỉnh cho phù hợp. Ngoài ra, một số quy định của Luật Quảng cáo hiện hành không còn phù hợp với thực tiễn, thiếu một số quy định cần thiết; một số quy định cần sửa đổi để đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Do đó, để đảm bảo triển khai kịp thời các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước cũng như tính thống nhất, tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, việc rà soát, hoàn thiện các quy định của Luật Quảng cáo nhằm đảm bảo yêu cầu đồng bộ, thống nhất với các pháp luật khác có liên quan là yêu cầu cấp bách cần thực hiện ngay.

Cùng với đó, ngày 21/6/2012, Quốc hội đã thông qua Luật Quảng cáo thay thế cho Pháp lệnh Quảng cáo năm 2001. Sau 10 năm triển khai thi hành, bên cạnh các kết quả đã đạt được thì lĩnh vực quảng cáo cũng đã xuất hiện một số tồn tại, vướng mắc, gây khó khăn trong quá trình thực hiện cần có sự điều chỉnh pháp luật.

Cụ thể như: Thiếu cơ chế để kiểm soát hiệu quả hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới của các tổ chức, cá nhân nước ngoài và sự hạn chế hình thức tham gia của doanh nghiệp quảng cáo nước ngoài trong thị trường quảng cáo Việt Nam.

leftcenterrightdel
 Những biển quảng cáo “khủng” tại nhiều tuyến đường ở Thủ đô Hà Nội vi phạm Luật Quảng cáo vẫn chưa bị xử lý. (Ảnh minh hoạ)

Việc xác định tính trung thực, chính xác của một số nội dung quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ còn gặp nhiều khó khăn gây ra nhiều ý kiến trái chiều, bất ổn trong xã hội.

Sự thay đổi của doanh nghiệp trong việc lựa chọn phương tiện quảng cáo để quảng cáo cho sản phẩm hàng hóa, dịch vụ phù hợp với khả năng, điều kiện của doanh nghiệp và sự phát triển của khoa học, công nghệ. Trong khi đó, năng lực thích ứng của các Đài truyền hình bị hạn chế bởi các quy định pháp luật về quảng cáo gây ra tình trạng sụt giảm mạnh doanh thu quảng cáo.

Hoạt động quảng cáo trên internet, mạng xã hội thông qua người nổi tiếng, người có ảnh hưởng chưa có sự kiểm soát của quy định pháp luật và của cơ quan quản lý nhà nước gây ra hiện tượng quảng cáo tràn lan, thiếu chính xác.

Một số quy định về thủ tục hành chính như thông báo sản phẩm quảng cáo trên bảng quảng cáo, băng-rôn, đoàn người thực hiện quảng cáo chưa cụ thể, rõ ràng gây khó khăn trong thực hiện.

Từ những nội dung trên, đề nghị xây dựng Luật đề xuất các chính sách gồm: Sự tham gia của doanh nghiệp nước ngoài và hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới trong thị trường quảng cáo Việt Nam; tính phù hợp và trung thực của nội dung quảng cáo; giới hạn về thời lượng quảng cáo trên chương trình truyền hình; trách nhiệm của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo.

Trước đó, báo cáo tổng kết thi hành Luật Quảng cáo và các văn bản quy định chi tiết (Từ năm 2013 đến năm 2022) thể hiện, sau khi Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an thực hiện các giải pháp nhằm chấn chỉnh hoạt động quảng cáo trên môi trường mạng, các nền tảng kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới bắt đầu có các động thái điều chỉnh hoạt động quảng cáo và đồng ý thực hiện việc ngăn chặn, gỡ bỏ các quảng cáo sai phạm theo yêu cầu của Bộ.

Cụ thể, đã đề nghị phía Google gỡ bỏ 184 trò chơi nhạy cảm, vi phạm bản quyền; yêu cầu Facebook gỡ bỏ 336 video, bài viết có nội dung quảng cáo mua bán trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ có tính chất kích động bạo lực. Hiện tại, Facebook đã gỡ bỏ 235 video, bài viết theo yêu cầu, đạt tỉ lệ 70%;

Tiến hành ngăn chặn 335 trang fanpage có hoạt động quảng cáo, hướng dẫn, lôi kéo người dân tham gia các hành vi vi phạm pháp luật; thu hồi tên miền cấp quốc gia đối với 26 trang web tổ chức đánh bạc trực tuyến và quảng cáo cho các website tổ chức đánh bạc trực tuyến.

Ngăn chặn, chuyển hướng 20 triệu lượt truy cập của người dùng internet đến các website tổ chức đánh bạc và trò chơi có tính chất cờ bạc.

Yêu cầu Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ ngăn chặn truy cập từ người dùng tại Việt Nam 254 trang web, blog quảng cáo đánh bạc trên mạng, 25 trang web, blog quảng cáo dịch vụ làm băng giả. Kết quả ngăn chặn đạt tỉ lệ 100%;

Yêu cầu Youtube gỡ bỏ 3285 video có nội dung quảng cáo mua bán trái phép vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ có tính chất kích động bạo lực. Hiện nay, Youtube đã gỡ bỏ 2175 video theo yêu cầu, đạt tỉ lệ 66%.

Đồng thời, Bộ Công an thường xuyên rà soát, phát hiện những số điện thoại sử dụng để quảng cáo liên quan đến các hành vi vi phạm pháp luật như: mua bán vũ khí, vật liệu nổ, pháo, bằng cấp giả, tiền, cờ bạc trực tuyến, mại dâm, mua bán ma túy... để có biện pháp phòng ngừa ngăn chặn.

P.V