Việt Nam có trên 1.200 đối tượng phạm tội bỏ trốn ra nước ngoài
Thực hiện nhiệm vụ Cơ quan trung ương về dẫn độ, Bộ Công an vừa hoàn thành dự thảo báo cáo tổng kết công tác thi hành pháp luật về dẫn độ để lấy ý kiến đóng góp nhằm phục vụ lập hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Dẫn độ trong thời gian tới.
Dự thảo cho thấy, theo thống kê, đến hết tháng 5/2019, số đối tượng có lệnh truy nã đỏ của Interpol có thông tin lẩn trốn vào Việt Nam là 317 đối tượng. Tính đến tháng 5/2019, Việt Nam hiện có trên 1200 đối tượng phạm tội bỏ trốn ra nước ngoài, trong đó có 235 đối tượng đã bị Interpol ra lệnh truy nã đỏ, nhiều đối tượng phạm tội đặc biệt nghiêm trọng. Cũng theo thống kê, tính đến tháng 7/2019, Việt Nam là thành viên của 22 Điều ước quốc tế đa phương, 11 hiệp định TTTP song phương có quy định về dẫn độ và 12 hiệp định song phương chuyên biệt về dẫn độ.
Các quy định về nguyên tắc, trình tự, thủ tục dẫn độ theo pháp luật Việt Nam được quy định cụ thể tại Bộ Luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015 và Luật TTTP. Tuy nhiên, hoạt động dẫn độ còn chịu sự điều chỉnh của nhiều văn bản pháp luật khác như Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015, Luật Thi hành án hình sự năm 2010, Luật thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015, Luật Khiếu nại năm 2011, Luật Tố cáo năm 2011, Luật Quốc tịch năm 2008, Luật Đặc xá năm 2018, Luật Cư trú năm 2006… và các văn bản pháp luật khác có liên quan.
Quy định không thống nhất cơ quan trung ương về dẫn độ
Theo Bộ Công an, quy định của Luật TTTP năm 2007 có sự xung đột với pháp luật quốc tế, thông lệ quốc tế và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Trong hệ thống pháp luật quốc tế, thông lệ quốc tế và các Điều ước quốc tế về dẫn độ giữa Việt Nam với các nước có một số quy định mà hệ thống pháp luật Việt Nam nói chung và Luật TTTP năm 2007 nói riêng chưa tương thích hoặc chưa có quy định, trong đó có nhiều nội dung phức tạp, nhạy cảm, dẫn đến khó khăn trong việc triển khai tổ chức thực hiện.
|
|
Công an Việt Nam phối hợp dẫn độ tội phạm về nước |
Liên quan đến cơ quan trung ương của Việt Nam trong thực hiện dẫn độ, theo 11 hiệp định TTTP có quy định về dẫn độ mà Việt Nam ký với các nước trước đây, VKSND tối cao là cơ quan đầu mối về dẫn độ của Việt Nam. Tuy nhiên, Điều 65 Luật TTTP quy định Bộ Công an là cơ quan đầu mối về dẫn độ, chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù, bên cạnh đó, khoản 2 Điều 493 BLTTHS năm 2015 cũng quy định Bộ Công an là Cơ quan trung ương của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam trong hoạt động dẫn độ. Luật Công an nhân dân năm 2018 (có hiệu lực từ ngày 1/7/2019) quy định tại khoản 20 Điều 16 một lần nữa khẳng định Bộ Công an là Cơ quan trung ương của nước CHXHCN Việt Nam trong hoạt động dẫn độ. Việc quy định không thống nhất như trên đã gây khó khăn cho quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Bộ Công an trong dẫn độ.
Ngày 11/6/2013, VKSND tối cao đã có công văn số 1960/VKSTC-HTQT&TTTPHS gửi Bộ Ngoại giao đề nghị thông báo cho các nước có liên quan về việc thay đổi cơ quan trung ương về dẫn độ thành Bộ Công an để phù hợp quy định của pháp luật Việt Nam. Tuy nhiên, ngày 17/7/2013, Bộ Ngoại giao có Công văn số 2648/BNG-LS trả lời về vấn đề này, theo đó, việc thay đổi cơ quan trung ương phải thực hiện dưới hình thức sửa đổi các hiệp định. Hiện nay, để giải quyết triệt để vấn đề, Bộ Công an đã chủ động báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép đàm phán, ký lại các hiệp định đã ký trước đây theo hướng tách nội dung về dẫn độ thành hiệp định riêng.
Sớm ban hành đạo luật chuyên biệt về dẫn độ
Bộ Công an cũng cho rằng, trong điều kiện Nhà nước ta tăng cường thực hiện chính sách đối ngoại: “Chủ động và tích cực hội nhập quốc tế trên cơ sở giữ vững đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì hòa bình, hợp tác và phát triển, chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế”, số lượng người nước ngoài đến Việt Nam cũng như công dân Việt Nam ra nước ngoài ngày càng tăng; nạn di cư trái phép, buôn bán người, tội phạm xuyên quốc gia diễn biến phức tạp... Dự báo số lượng tội phạm từ Việt Nam bỏ trốn ra nước ngoài, tội phạm từ nước ngoài lẩn trốn vào Việt Nam, người nước ngoài bị kết án tại Việt Nam và người Việt Nam bị kết án phạt tù ở nước ngoài có xu hướng gia tăng.
Nhằm góp phần nâng cao hiệu quả dẫn độ trong thời gian tới, Bộ Công an đề xuất một số giải pháp, đó là: Quốc hội sớm ban hành đạo luật chuyên biệt về dẫn độ trên cơ sở tách quy định về dẫn độ trong Luật TTTP năm 2007. Đạo luật về dẫn độ cần bảo đảm các yêu cầu về chính trị, ngoại giao, pháp luật; nội luật hoá các quy định của Điều ước quốc tế về dẫn độ mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia; đồng bộ hoá các quy định về dẫn độ giữa đạo luật về dẫn độ với các quy định của pháp luật liên quan, nhất là trong BLHS và BLTTHS; xây dựng cơ chế phối hợp hiệu quả trong hoạt động dẫn độ và xác định, phân định lại cơ quan quản lý nhà nước về dẫn độ; bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất và bố trí cán bộ làm công tác dẫn độ...
Nhà nước cần tiếp tục đàm phán, ký kết và triển khai thực hiện có hiệu quả các hiệp định hợp tác song phương về dẫn độ; trong đó, ưu tiên đàm phán, ký kết với các quốc gia là đối tác chiến lược toàn diện, đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, các nước có truyền thống quan hệ lịch sử và thiện chí với Việt Nam và các nước có yêu cầu hợp tác đấu tranh phòng, chống tội phạm với Việt Nam.
Đồng thời, cơ quan có thẩm quyền cần tăng cường áp dụng nguyên tắc có đi có lại trong giải quyết vụ việc dẫn độ khi Việt Nam chưa ký kết hiệp định hợp tác song phương về dẫn độ với nước ngoài, tránh việc người phạm tội lợi dụng “kẽ hở” của pháp luật và trong hợp tác quốc tế để trốn tránh sự trừng phạt của pháp luật dẫn đến bỏ lọt tội phạm...