Theo Nghị định này, đối tượng của bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc là toàn bộ tài sản của cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ bao gồm: Nhà, công trình và các tài sản gắn liền với nhà, công trình; máy móc, thiết bị; Các loại hàng hóa, vật tư (bao gồm cả nguyên liệu, bán thành phẩm, thành phẩm).

Mức phí bảo hiểm

Đối với các cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ có tổng số tiền bảo hiểm của các tài sản tại một địa điểm dưới 1.000 tỷ đồng, được xác định bằng số tiền bảo hiểm tối thiểu nhân (x) tỷ lệ phí bảo hiểm. Căn cứ vào mức độ rủi ro của từng cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ, doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm tự thỏa thận tỷ lệ phí bảo hiểm không thấp hơn mức sau:

Nhà chung cư có hệ thông chữa cháy tự động (springkler), tỉ lệ phí bảo hiểm/năm (%) là: 0,05%

Nhà chung cư không có hệ thống chữa cháy tự động (springkler), tỉ lệ phí bảo hiểm/năm (%) là: 0,1%.

Đối với các cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ có tổng số tiền bảo hiểm của các tài sản tại một địa điểm từ 1.000 tỷ đồng trở lên và cơ sở hạt nhân: Doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm thỏa thuận mức phí bảo hiểm trên cơ sở được doanh nghiệp tái bảo hiểm chấp nhận.

Phạm vi bảo hiểm và loại trừ trách nhiệm bảo hiểm

Doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện trách nhiệm bồi thường bảo hiểm cho các thiệt hại xảy ra đối với đối tượng bảo hiểm phát sinh từ rủi ro cháy, nổ, trừ các trường hợp: Động đất, núi lửa phun hoặc những biến cố của thiên nhiên; Thiệt hại do những biến cố chính trị, an ninh và trật tự an toàn xã hội gây ra; tài sản bị đốt cháy, làm nổ theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; tài sản tự lên men hoặc tự tỏa nhiệt; tài sản chịu tác động của một quá trình xử lý có dùng nhiệt; Sét đánh trực tiếp vào tài sản được bảo hiểm nhưng không gây cháy, nổ....

Quản lý, sử dụng nguồn thu từ bảo hiểm

Về chế độ quản lý, sử dụng nguồn thu từ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc phải đảm bảo minh bạch, đúng mục đích theo quy định tại Nghị định này và quy định pháp luật có liên quan. Hàng năm, Bộ Công an lập dự toán thu, sử dụng nguồn thu từ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc cho hoạt động phòng cháy, chữa cháy gửi Bộ Tài chính theo quy định pháp luật.

Nguồn thu từ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc cho hoạt động phòng cháy, chữa cháy được sử dụng để:

Hỗ trợ trang thiết bị phương tiện, thiết bị phòng cháy, chữa cháy cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy;

Hỗ trợ tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kiến thức phòng cháy, chữa cháy và bảo hiểm cháy nổ bắt buộc;

Hỗ trợ lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy trong các hoạt động điều tra nguyên nhân vụ cháy, bồi dưỡng nghiệp vụ, kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy, giám sát việc tham gia bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc của các cơ sở nguy hiểm về cháy, nổ;

Hỗ trợ khen thưởng thành tích của tổ chức, cá nhân trực tiếp tham gia, phối hợp trong công tác phòng cháy, chữa cháy.

Ngoài ra, Nghị định 23/2018/NĐ-CP cũng nêu rõ, doanh nghiệp bảo hiểm có quyền từ chối bán bảo hiểm cháy, nổ nếu các cơ sở nhà cao tầng chưa hoặc không thực đầy đủ các quy định về phòng, chống cháy nổ. 

Xem chi tiết Nghị định tại đây:

Thế Đức