Từ ngày 1-1-2017, Luật Báo chí năm 2016 thay thế Luật Báo chí năm 1989 chính thức có hiệu lực. Theo đó, sẽ có thêm nhiều quy định mới tạo hành lang pháp lý cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động báo chí.
|
Ảnh minh họa. |
6 chương với 61 Điều (tăng 25 Điều), trong đó có 32 Điều xây dựng mới, 29 Điều sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Báo chí hiện hành, Luật Báo chí năm 2016 là một trong những cơ sở, hành lang pháp lý điều chỉnh hoạt động báo chí mà các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia và có liên quan. Theo đó, Luật Báo chí năm 2016 đã pháp điển hóa quy định tại các Nghị định của Chính phủ để đưa vào luật.
Đồng thời, bổ sung một số quy định mới để điều chỉnh hoạt động báo chí, ví như: hoạt động hợp tác của báo chí Việt Nam với nước ngoài; hoạt động báo chí của báo chí nước ngoài, cơ quan đại diện nước ngoài, tổ chức nước ngoài tại Việt Nam; bảo vệ nội dung các chương trình phát thanh, chương trình truyền hình, báo điện tử; chính sách của Nhà nước về phát triển báo chí...
Về quyền tác nghiệp của báo chí, nhà báo, Luật Báo chí năm 2016 đã quy định cụ thể về trách nhiệm cung cấp thông tin cho báo chí của cơ quan, tổ chức, người có trách nhiệm; những thông tin cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền có quyền từ chối cung cấp thông tin cho báo chí (Điều 38), trả lời trên báo chí (Điều 39).
Bên cạnh đó, Luật Báo chí năm 2016 cũng đã quy định giới hạn việc cơ quan báo chí, nhà báo chỉ phải tiết lộ người cung cấp thông tin khi có yêu cầu bằng văn bản của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh và tương đương trở lên cần thiết cho việc điều tra, xét xử tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng.
Mặt khác, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh và tương đương trở lên có trách nhiệm tổ chức bảo vệ người cung cấp thông tin sau khi tên của họ được tiết lộ. Trong số các nội dung sửa đổi, bổ sung trong Luật Báo chí năm 2016 có hiệu lực kể từ ngày 1-1-2017, quy định về quyền và nghĩa vụ của nhà báo (Điều 25) là một trong những nội dung được nhiều người quan tâm.
Bởi, theo Điều 25, Luật Báo chí năm 2016 nêu rõ, nhà báo được hoạt động báo chí trên lãnh thổ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, hoạt động báo chí ở nước ngoài theo quy định của pháp luật và được pháp luật bảo hộ trong hoạt động nghề nghiệp; được khai thác, cung cấp và sử dụng thông tin trong hoạt động báo chí theo quy định của pháp luật.
Đáng chú ý, theo Điều 25, nhà báo được đến các cơ quan, tổ chức để hoạt động nghiệp vụ báo chí; khi đến làm việc, nhà báo chỉ cần xuất trình thẻ nhà báo. Theo đó, các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm cung cấp cho nhà báo những tư liệu, tài liệu không thuộc phạm vi bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác theo quy định của pháp luật…
Việc nhà báo khi đến các cơ quan, tổ chức để hoạt động nghiệp vụ báo chí, làm việc chỉ cần xuất trình thẻ nhà báo được quy định trong Luật Báo chí năm 2016 đã góp phần hạn chế số vụ gây cản trở nhà báo khi đến làm việc tại một số cơ quan, tổ chức…
Theo Trần Huy/Công an nhân dân