Nhiều Chi cục Thi hành án dân sự cấp huyện đang lúng túng, không biết đối với những vụ thi hành án hành chính đang thụ lý, đôn đốc theo luật cũ thì có phải chuyển lên Cục Thi hành án dân sự cấp tỉnh theo thẩm quyền của luật mới hay không…
 
Ông NVL là chủ sử dụng một mảnh đất rộng hơn 500 m2 tại một huyện ở TP.HCM. Tháng 12-2010, do phần đất của ông L. bị ảnh hưởng bởi hai dự án giải phóng mặt bằng nên UBND huyện này đã ra quyết định thu hồi đất và bồi thường cho ông. Không đồng ý với giá bồi thường, ông L. đã khởi kiện UBND huyện ra tòa.
 
 
 
Không biết giữ lại hay chuyển lên trên
 
Tháng 9-2012, TAND huyện xử sơ thẩm đã bác toàn bộ đơn khởi kiện của ông L. Ông L. kháng cáo. Tháng 1-2013, TAND TP.HCM xử phúc thẩm đã chấp nhận kháng cáo của ông L., sửa án sơ thẩm, hủy quyết định của UBND huyện về việc bồi thường cho ông L., UBND huyện phải chịu 200.000 đồng án phí sơ thẩm.
 
Hiện Chi cục Thi hành án (THA) dân sự huyện đang thụ lý vụ việc. Điều mà Chi cục THA lúng túng là theo Điều 32 Luật Tố tụng hành chính 2015 (có hiệu lực từ 1-7-2016), TAND cấp tỉnh giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND và chủ tịch UBND cấp huyện trên cùng phạm vi địa giới hành chính với tòa. Vì vậy, Chi cục THA không biết nên tiếp tục giữ lại vụ việc để theo dõi, đôn đốc hay chuyển toàn bộ hồ sơ lên Cục THA dân sự TP.
 
Tương tự là vụ của bà ĐTH, cũng ở Chi cục THA huyện nói trên. Theo hồ sơ, vì UBND xã trả lại hồ sơ xin cấp giấy đỏ, bà H. khiếu nại đến UBND huyện. Tháng 4-2015, chủ tịch UBND huyện ra quyết định bác đơn khiếu nại nên bà H. khởi kiện ra TAND huyện này yêu cầu hủy quyết định giải quyết khiếu nại của chủ tịch UBND huyện.
 
Xử sơ thẩm, TAND huyện đã bác yêu cầu khởi kiện của bà H., buộc bà phải chịu án phí 200.000 đồng nhưng bà H. kháng cáo. Tháng 3-2016, TAND TP.HCM xử phúc thẩm đã sửa án sơ thẩm, chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà H., hủy quyết định giải quyết khiếu nại của chủ tịch UBND huyện, yêu cầu chủ tịch UBND huyện có trách nhiệm giải quyết lại khiếu nại của bà H. Ngoài ra, chủ tịch UBND huyện còn phải chịu 200.000 đồng án phí sơ thẩm.
 
Mới đây, bà H. đã gửi đơn yêu cầu THA đến Chi cục THA dân sự huyện. Do bản án hành chính phúc thẩm có trước khi Luật Tố tụng hành chính 2015 có hiệu lực nên Chi cục THA không biết là phải giữ lại để theo dõi, đôn đốc THA hay chuyển vụ việc lên Cục THA dân sự TP.
 
Trao đổi với PV Pháp Luật TP.HCM, chi cục trưởng Chi cục THA dân sự huyện này cho biết đang nghiên cứu để tìm ra hướng xử lý phù hợp cho cả vụ của ông L. lẫn vụ của bà H.
 
Cần sớm có hướng dẫn
 
Cục trưởng Cục THA dân sự một tỉnh (đề nghị không nêu tên) cũng cho biết tỉnh này đang có ba vụ THA hành chính ở cấp huyện gặp lúng túng tương tự. Tuy nhiên, theo vị này, do số lượng án hành chính không nhiều nên quan điểm của Cục THA dân sự tỉnh là sẽ không rút hồ sơ lên mà để các chi cục tiếp tục theo dõi, đôn đốc.
 
Còn theo ông Nguyễn Văn Gấu (Cục trưởng Cục THA dân sự tỉnh Long An), các chi cục ở Long An đang đôn đốc 10 vụ THA án hành chính liên quan đến cấp huyện. Do hiện nay chưa có hướng dẫn nên Cục THA dân sự tỉnh Long An không thể rút hồ sơ lên xem xét vì sợ không đúng quy định. “Giờ phải chờ hướng dẫn thôi chứ không còn cách nào khác” - ông Gấu nói.
 
Tại hội nghị trực tuyến sơ kết chín tháng đầu năm về công tác THA dân sự do Bộ Tư pháp tổ chức mới đây, ông Vũ Quốc Doanh (Quyền Cục trưởng Cục THA dân sự TP.HCM) cũng đã kiến nghị Bộ Tư pháp sớm ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể về vấn đề này.
 
 
Chuyển lên Cục Thi hành án dân sự?
 
Điều 3 Nghị quyết 104/2015 của Quốc hội (về việc thi hành Luật Tố tụng hành chính 2015) quy định đối với bản án, quyết định của tòa có hiệu lực pháp luật trước ngày 1-7-2016 nhưng đến ngày này vẫn chưa được thi hành hoặc chưa thi hành xong thì được thi hành theo quy định của Luật Tố tụng hành chính 2015.
 
Điều 32, Điều 311, Điều 312 Luật Tố tụng hành chính 2015 có những điểm mới ở chỗ: Trong thời hạn năm ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu của người được THA, tòa án đã xử sơ thẩm phải ra quyết định buộc THA hành chính. Quyết định buộc THA phải được gửi cho người phải THA, người được THA, thủ trưởng cơ quan cấp trên trực tiếp của người phải THA và VKS cùng cấp. Thủ trưởng cơ quan cấp trên trực tiếp của người phải THA có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc, xử lý trách nhiệm của người phải THA theo quy định của pháp luật. Quyết định buộc THA cũng phải gửi cho cơ quan THA dân sự nơi tòa án đã xét xử sơ thẩm để theo dõi việc THA hành chính.
 
Như vậy, căn cứ vào các quy định trên thì đối với bản án, quyết định giải quyết các quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND cấp huyện, chủ tịch UBND cấp huyện của tòa có hiệu lực pháp luật trước ngày 1-7-2016 nhưng đến ngày này vẫn chưa được thi hành hoặc chưa thi hành xong thì áp dụng quy định tại chương XIX Luật Tố tụng hành chính 2015. Lúc này, theo thẩm quyền mới thì TAND cấp tỉnh sẽ ra quyết định buộc THA và Cục THA dân sự theo dõi việc THA.
 
Tuy nhiên, để áp dụng thống nhất Điều 3 Nghị quyết 104/2015 của Quốc hội, tôi cho rằng Bộ Tư pháp và các cơ quan có thẩm quyền vẫn cần có văn bản hướng dẫn cụ thể hơn.
 
Luật sư NGUYỄN ĐỨC CHÁNH, Đoàn Luật sư TP.HCM
 
 
Theo Ngân Nga (Plo)