(BVPL) - Theo Luật Căn cước công dân có hiệu lực từ ngày 1/1/2016, tất cả công dân Việt Nam từ 14 tuổi trở lên sẽ được cấp thẻ căn cước 12 số. Cũng từ ngày này, 16 tỉnh, thành phố trên cả nước sẽ bắt đầu cấp thẻ căn cước công dân (CCCD). Ghi nhận những ngày đầu cấp thẻ căn cước công dân tại các điểm trên địa bàn Hà Nội cho thấy, người dân tấp nập đến đăng ký cấp thẻ CCCD.
 

1
Công năng của thẻ căn cước công dân.


Hàng nghìn người đăng ký cấp thẻ căn cước công dân mỗi ngày

Trong những ngày đầu thực hiện việc cấp, đổi thẻ CCCD, theo ghi nhận của PV tại 31 điểm cấp thẻ CCCD, bao gồm: trụ sở Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC64 Công an thành phố Hà Nội), địa chỉ số 44, đường Phạm Ngọc Thạch, quận Đống Đa và 30 điểm khác trực thuộc cơ quan Công an 12 quận, 17 huyện và 1 thị xã, ở mỗi điểm có hàng trăm người dân đã có mặt để chờ làm thủ tục cấp thẻ CCCD. Đội Quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an quận đã bố trí cán bộ hướng dẫn cho người dân điền đầy đủ thông tin vào tờ khai, cũng như giải thích thêm cho người dân về loại thẻ mới này.

Sau vài ngày triển khai, tại Hà Nội đã nhận được hàng vạn hồ sơ xin cấp thẻ CCCD. Một số người dân đến trụ sở làm thẻ căn cước vì nhầm tưởng đây là việc bắt buộc, trong khi chứng minh thư nhân dân vẫn còn niên hạn sử dụng. Các cán bộ tại trụ sở Đội đã giải thích cặn kẽ và hướng dẫn người dân nào có nhu cầu thì đến làm, còn việc cấp đổi thẻ căn cước công dân chưa bắt buộc.

Quá trình triển khai cấp thẻ CCCD ghi nhận, việc cấp thẻ CCCD gặp một số vướng mắc như thời gian trả kết quả theo lịch hẹn (7 ngày) là quá gấp. Những trường hợp chưa làm CMND 12 số, cảnh sát phải xác minh một cách thủ công, ít nhất 8 ngày mới hoàn tất. Theo Luật Căn cước công dân, người dân đến làm thủ tục cấp, đổi thẻ CCCD không phải mang theo sổ hộ khẩu. Tuy nhiên, do hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân số chưa đầy đủ, Cảnh sát chưa thể truy xuất toàn bộ dữ liệu thông tin người dân nên vẫn phải yêu cầu người dân đến làm thủ tục mang theo sổ hộ khẩu.

Việc cấp thẻ CCCD được thực hiện với mục đích góp phần thiết lập hệ thống chuẩn hóa toàn bộ dữ liệu công dân Việt Nam, từ đó đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và thiết lập hệ thống Chính phủ điện tử của Việt Nam sắp tới. Tuy nhiên, không ít người vẫn băn khoăn, liệu chiếc thẻ căn cước này có hiện thực hóa được các mục đích vừa nêu và làm thế nào để người dân cảm thấy thực sự thuận lợi với chiếc thẻ CCCD.

Giấy Chứng minh nhân dân vẫn còn hiệu lực

Theo quy định của Luật Căn cước công dân chúng ta có cho một khoảng thời hạn từ nay cho đến hết ngày 31/12/2019, vẫn tiếp tục sử dụng các loại giấy tờ có như chứng minh thư 9 số, chứng minh thư 12 số do vẫn còn thời hạn sử dụng và các chứng minh thư này sẽ hết thời hạn sử dụng khi nó hết thời hạn được ghi. Các mẫu văn bản đã in ấn theo chứng minh thư và các quy định cũ thì chúng ta vẫn tiếp tục sử dụng mẫu văn bản đó cho đến hết ngày 31/12/2019. Như vậy từ ngày 1/1/2020, chúng ta đồng loạt áp dụng trong phạm vi cả nước thẻ CCCD.

Thẻ căn cước không chỉ có ý nghĩa là giấy tờ nhận dạng như chứng minh thư nhân dân mà còn có ý nghĩa là giấy tờ thể hiện toàn bộ các vấn đề về lai lịch nhận dạng của công dân. Khi làm thủ tục đăng ký hộ tịch cá nhân xuất trình thẻ CCCD, trong đó có số định danh của mình. Quy định này nhằm giảm tối thiểu những giấy tờ hành chính cho công dân, đồng thời giúp cho quá trình làm thủ tục của công dân đơn giản, gọn nhẹ và nhanh chóng hơn. Việc tồn tại thẻ CCCD cũng hướng tới việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về CCCD.

Ông Lê Việt Trường, Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội nhấn mạnh: Thẻ CCCD là giấy tờ tùy thân, thể hiện thông tin cơ bản về lai lịch, nhận dạng của công dân Việt Nam, được sử dụng trong các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam. Thẻ CCCD còn được sử dụng thay cho hộ chiếu trong trường hợp Việt Nam và nước ngoài ký kết điều ước hoặc thỏa thuận quốc tế cho phép công dân nước ký kết được sử dụng thẻ CCCD thay cho hộ chiếu trên lãnh thổ của nhau. Chính vì lí do đó mà những ngày đầu cấp thẻ CCCD, nhiều người dân rất quan tâm đến việc đăng ký thẻ CCCD.

CMND 9 số và 12 số vẫn còn giá trị sử dụng nên người dân không cần đổ xô đi cấp, đổi sang thẻ CCCD. Đối với những người đang sử dụng chứng minh nhân dân 9 số hoặc 12 số còn hạn sử dụng thì chưa nhất thiết phải đổi ngay sang thẻ CCCD. Tuy nhiên, khi người dân làm thủ tục cấp, đổi chứng minh thư sang thẻ căn cước, cán bộ tiếp nhận sẽ cắt góc chứng minh thư cũ và trả cho người dân giữ. Khi gặp khó khăn trong việc công chứng, hay giao dịch ngân hàng, bảo hiểm... người dân có thể xuất trình chứng minh thư đã bị cắt góc và các cơ quan liên quan phải có trách nhiệm giải quyết như bình thường.

 

Hiện việc cấp thẻ CCCD được triển khai ở 16 tỉnh, thành: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hoá, TP.HCM, Cần Thơ, Tây Ninh, Vũng Tàu và Quảng Bình. Các địa phương khác vẫn cấp chứng minh thư như bình thường. Đến năm 2020, tiến hành cấp CCCD đồng loạt ở các địa phương. Địa phương nào cấp thẻ căn cước thì dừng cấp chứng minh thư. Sau khi đăng ký thông tin xong, người dân sẽ nhận được giấy hẹn và việc cấp thẻ căn cước sẽ hoàn thành trong 7 ngày.

 

Hà Nhân

.