(BVPL) - Sau gần 5 năm thực hiện, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) 2008 đã góp phần định hướng sản xuất tiêu dùng của xã hội, điều tiết thu nhập của người tiêu dùng cho ngân sách Nhà nước một cách hợp lý, không khuyến khích tiêu dùng các nhóm hàng có hại cho sức khỏe như thuốc lá, rượu, bia… hoặc cần tiêu dùng tiết kiệm như xăng hay hàng xa xỉ như ô tô,…Bên cạnh đó, việc thực hiện Luật Thuế TTĐB cũng góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới, bảo đảm phù hợp với thông lệ quốc tế.
Theo dự thảo sửa đổi Luật thuế TTĐB, Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế TTĐB đối với thuốc lá từ 65% hiện nay lên 75% từ ngày 1 tháng 7 năm 2015 và sẽ tăng lên 85% từ đầu năm 2018. Bộ này ước tính: Số thu từ tăng thuế này sẽ đóng góp cho ngân sách nhà nước hơn 2.900 tỷ đồng vào năm 2016 và sẽ tăng gấp đôi hiện nay vào năm 2018.Cũng theo Bộ Tài chính, mục đích chính của việc tăng thuế là giảm số người hút thuốc lá, đặc biệt là đối với lớp trẻ.
Tuy nhiên, việc hạn chế này sẽ bị vô hiệu nếu có nguồn cung thuốc lá ngoại nhập với giá rẻ khi chúng ta không kiểm soát tốt nạn buôn lậu thuốc lá. Bởi vậy, cần xem xét thật kỹ tất cả các vấn đề liên quan để việc tăng thuế đạt được mục đích đề ra.
40% tai nạn giao thông là do rượu, bia
Bên cạnh thuốc lá thì rượu, bia là những mặt hàng Nhà nước không khuyến khích tiêu dùng. Theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới, tác hại của rượu bia liên quan đến tai nạn thương tích đặc biệt đáng báo động ở các nước đang phát triển. Ở Việt Nam, khoảng 40% tai nạn giao thông là do rượu bia, trong đó 62% nạn nhân nhập viện có cồn trong máu.
Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, mỗi năm trung tâm điều trị cho 3.000 ca bệnh do ngộ độc thực phẩm và đồ uống, chỉ riêng số ca ngộ độc rượu bia là 10%, tỷ lệ này tăng lên trong những năm gần đây...
Để hạn chế việc sử dụng quá nhiều rượu, bia, Bộ Tài chính đề nghị: nâng thuế TTĐB của bia từ 50% lên 65% từ ngày 1/7/2015; rượu trên 20 độ sẽ từ 50% lên 65%; rượu dưới 20 độ từ 25% lên 35%. Với việc điều chỉnh này, dự kiến số thu ngân sách năm 2016 tăng trên 8.000 tỷ đồng; năm 2017 tăng gần 9.500 tỷ đồng; năm 2018 tăng gần 11.000 tỷ đồng.
Có nên áp thuế cho đồ uống có gas không cồn?
Điểm mới nhất trong dự thảo sửa đổi Luật Thuế TTĐB lần này là các sản phẩm nước ngọt có gas không cồn sẽ bị áp thuế TTĐB 10%. Đây là lần đầu tiên ở Việt Nam, nước ngọt có gas không cồn - một sản phẩm phổ thông bị đưa vào diện chịu thuế TTĐB và trở thành một trong những tâm điểm gây tranh luận gay gắt ở nhiều hội thảo góp ý vào dự thảo sửa đổi bổ sung Luật thuế TTĐB. Lý giải cho việc này, ông Ngô Hữu Lợi- Vụ trưởng Vụ chính sách thuế, Bộ Tài chính cho biết:Qua một số nghiên cứu của một số tổ chức y tế trên thế giới, đều cho thấy rằng, nước ngọt có gas, có chứa một số chất từ các sản phẩm công nghiệp. Với người uống bình thường thì không có vấn đề gì, nhưng với một số người sử dụng quá nhiều thì sẽ dễ dẫn tới một số tác hại cho sức khỏe như: bệnh béo phì, tiểu đường hoặc bệnh gút...
Tuy nhiên, trong công văn gửi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, giải trình trên của Bộ Tài chính chưa thật sự thuyết phục, do đây mới chỉ là cảnh báo của các chuyên gia quốc tế mà chưa được kiểm chứng trên cơ sở các luận cứ khoa học đầy đủ. Hiệp hội mía đường Việt Nam cũng cho rằng, mức tiêu thụ đường trong nước ngọt hiện nay ở Việt Nam thấp hơn nhiều so với thế giới. Thông báo kết luận của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Bộ Y tế cũng có những quan điểm không đồng thuận với viện dẫn trên của Bộ Tài chính.
Tại hội thảo lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo sửa đổi Luật thuế TTĐB vừa được tổ chức tại TP. HCM, nhiều đại diện các doanh nghiệp cũng đưa ra nhiều lý lẽ và dẫn chứng cho rằng, không nên đưa mặt hàng này vào diện chịu thuế. Theo luật sư Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam thì chưa nên tính thuế mà phải nghiên cứu kỹ lưỡng. Vì lập luận của chúng ta là nó gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng nhưng chúng ta chỉ nói vậy thôi mà chưa có căn cứ khoa học. Trong khi đó nhiều tài liệu khoa học lại cho rằng nó không gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng.
Tính đến cuối năm 2013, ngành Thực phẩm và Đồ uống chiếm tỷ lệ 15% tổng sản phẩm quốc dân và là ngành quan trọng trong chuỗi cung ứng đầu ra của nông nghiệp, lĩnh vực có rất nhiều lợi thế cạnh tranh. Đây cũng là ngành công nghiệp có sức hấp dẫn lớn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Bởi vậy, việc áp thuế này sẽ có tác động lên thị trường và ảnh hưởng tới ngành công nghiệp sản xuất nước ngọt có gas trong nước và ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng. Tuy nhiên, theo Ban soạn thảo dự thảo Luật thuế TTĐB sửa đổi bổ sung, việc áp thuế đối với các sản phẩm nước ngọt có gas không cồn nhập khẩu và sản xuất tại Việt Nam sẽ làm tăng thu ngân sách. Cụ thể đến năm 2016, số thu ngân sách sẽ tăng thêm 1.500 tỷ đồng và vào năm 2018 sẽ là 1.900 tỷ đồng.
Bởi vậy, Dự thảo Luật Thuế TTĐB sửa đổi hiện đang thu hút sự quan tâm của nhiều phía. Đặc biệt trong bối cảnh công tác thu ngân sách của ngành tài chính trong mấy năm gần đây luôn gặp nhiều khó khăn và mức bội chi ngân sách ngày càng cao.
Nhiều chuyên gia cho rằng, để luật được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tế, cần có sự nghiên cứu đầy đủ, toàn diện hơn. Đặc biệt, cần thận trọng trước khi quyết định áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với những sản phẩm phổ thông đang được đông đảo người dân sử dụng một cách đại trà.
Trần Mai