Theo cơ quan chủ trì xây dựng, thực hiện chủ trương của Đảng và nhà nước về đẩy mạnh cải cách cải cách hành chính, cải cách tư pháp, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, trong thời gian qua, nhiều văn kiện của Đảng, văn bản pháp luật của nhà nước đã xác định chủ trương, định hướng cũng như giải pháp, quy định về đổi mới, nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động bổ trợ tư pháp nói chung, hoạt động đấu giá tài sản nói riêng, trong đó có văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Bên cạnh đó, nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan trực tiếp đến các loại tài sản phải bán thông qua đấu giá và các quy trình trước khi đấu giá (thẩm quyền, thủ tục xử lý tài sản thông qua đấu giá, việc định giá, xác định giá khởi điểm) và sau đấu giá tài sản (việc ký hợp đồng mua bán, phê duyệt kết quả, cấp phép cho người trúng đấu giá, việc nộp tiền trúng đấu giá) đã và đang được sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới như Luật Đất đai, Luật Tần số vô tuyến điện, pháp luật về đấu giá quyền khai thác khoáng sản... Do đó, để thể chế hoá chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, góp phần bảo đảm tính thống nhất, tính đồng bộ, khả thi, hiệu quả của hệ thống pháp luật thì việc sửa đổi, bổ sung Luật Đấu giá tài sản là yêu cầu cấp bách.

Cũng theo cơ quan chủ trì, trong bối cảnh đất nước bước sang giai đoạn mới, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội và các ngành dịch vụ theo cơ chế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động đấu giá tài sản đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập.

Cụ thể, pháp luật về đấu giá tài sản còn thiếu một số quy định quan trọng về trình tự, thủ tục đấu giá, một số quy định chưa phù hợp thực tiễn (thời gian bán, tiếp nhận hồ sơ, quy định về tiền đặt trước); quy định về chế tài chưa đủ mạnh (một số hành vi vi phạm nhưng không hủy được kết quả đấu giá, không thu hồi được đăng ký hoạt động của doanh nghiệp); một số quy định chung trong Luật Đấu giá tài sản chưa có quy định về thẩm quyền xét duyệt hồ sơ của người có tài sản đối với một số loại tài sản (quyền sử dụng đất, quyền khai thác khoáng sản…).

leftcenterrightdel
 Quang cảnh một cuộc đấu giá tài sản. (ảnh minh hoạ)

Cùng với đó, chất lượng dịch vụ đấu giá nhìn chung còn chưa có hiệu quả, còn tồn tại tình trạng “quân xanh, quân đỏ”, thông đồng, dìm giá trong các phiên đấu giá; cơ chế kiểm soát việc đấu giá còn bộc lộ một số vướng mắc. Thực tế hoạt động đã xuất hiện tình trạng “cạnh tranh” không lành mạnh giữa các tổ chức đấu giá tài sản. Một số tổ chức đấu giá không tuân thủ nghiêm túc về trình tự, thủ tục bán đấu giá, trích lại phần trăm phí cho cơ quan, đơn vị có tài sản bán đấu giá để thu hút sử dụng dịch vụ của tổ chức mình. Điều này gây ảnh hưởng đến uy tín và sự phát triển lành mạnh của hoạt động đấu giá. 

Mặt khác, chất lượng của đội ngũ đấu giá viên tuy đã được cải thiện nhưng vẫn còn hạn chế, bất cập; vẫn còn tình trạng đấu giá viên vi phạm pháp luật, vi phạm Quy tắc đạo đức nghề nghiệp; người có tài sản đấu giá, nhất là tài sản công còn chưa thể hiện được vai trò, trách nhiệm của mình trong quá trình bán tài sản, thậm chí một số trường hợp còn có biểu hiện thông đồng, móc nối với tổ chức đấu giá tài sản, người tham gia đấu giá để trục lợi. Ngoài ra, nhận thức của một số cơ quan, tổ chức, đơn vị còn chưa đầy đủ, chưa đúng về vai trò, trách nhiệm và phạm vi quản lý Nhà nước trong hoạt đấu giá tài sản; công tác kiểm tra, thanh tra về tình hình tổ chức, hoạt động đấu giá của cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương và địa phương còn hạn chế nên việc phát hiện, chấn chỉnh những sai phạm có lúc, có nơi còn chưa kịp thời, hiệu quả.

Đồng thời, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động đấu giá tài sản và quản lý nhà nước bước đầu đã đạt những kết quả quan trọng nhưng còn chưa đáp ứng yêu cầu thực tế cũng làm ảnh hưởng nhất định đến hiệu quả hoạt động đấu giá và công tác quản lý nhà nước.

Để đạt được mục đích sửa đổi của Luật Đấu giá như đã đặt ra, trên cơ sở các quan điểm chỉ đạo, đề xuất sửa đổi Luật Đấu giá sẽ tập trung giải quyết 3 nhóm chính sách lớn, xuyên suốt toàn bộ nội dung của Luật.

Cụ thể, Chính sách 1: Hoàn thiện các quy định về tiêu chuẩn, điều kiện đấu giá viên để phát triển hợp lý số lượng và nâng cao một bước chất lượng đội ngũ đấu giá viên; hoàn thiện các quy định về tổ chức và hoạt động của tổ chức đấu giá tài sản đảm bảo đầy đủ, cụ thể hơn quyền, trách nhiệm của tổ chức đấu giá tài sản trong hoạt động hành nghề, từ đó nâng cao tính chuyên nghiệp của các tổ chức đấu giá tài sản, hiệu quả hoạt động đấu giá tài sản.

Chính sách 2: Hoàn thiện các quy định về trình tự, thủ tục đấu giá tài sản để phù hợp với thực tiễn, đảm bảo chặt chẽ, công khai, minh bạch, thống nhất; tiếp tục ứng dụng mạnh mẽ hơn công nghệ thông tin trong hoạt động đấu giá tài sản góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đấu giá, tránh tình trạng tiêu cực, gây thất thoát tài sản.

Chính sách 3: Hoàn thiện các quy định về quản lý nhà nước về đấu giá tài sản nhất là hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm; tăng cường trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan đối với hoạt động đấu giá tài sản.

Trước đó, theo báo cáo, kể từ thời điểm Luật Đấu giá tài sản được ban hành đến nay, đội ngũ đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản ngày càng trưởng thành, lớn mạnh, cơ bản đảm đương được nhiệm vụ được giao. Số lượng đấu giá viên của cả nước đã phát triển lên đến hơn 1.200 người, gần 600 doanh nghiệp đấu giá tài sản; 58 Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. 

Số lượng các cuộc đấu giá tài sản công ngày càng tăng, nhiều cuộc đấu giá được tổ chức thành công với giá trị tài sản bán được cao hơn nhiều lần so với giá khởi điểm, nộp ngân sách Nhà nước đạt giá trị lớn, qua đó, đóng góp tích cực cho việc quản lý, sử dụng tài sản công; góp phần tạo nguồn lực cho hoạt động đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương (theo số liệu thống kê thì từ tháng 07/2017 đến ngày 31/12/2021, các tổ chức đấu giá tài sản đã tổ chức hơn 169.000 cuộc đấu giá, số tiền thu lao dịch vụ đấu giá tài sản thu được đạt hơn 2.096 tỉ, nộp ngân sách nhà nước hơn 1.500 tỉ). 

Các hình thức đấu giá được áp dụng phong phú, đa dạng (ngoài hình thức truyền thống là đấu giá trực tiếp bằng lời nói đã bổ sung đấu giá bằng bỏ phiếu gián tiếp, đấu giá bằng bỏ phiếu trực tiếp tại cuộc đấu giá, đấu giá trực tuyến). Việc ứng dụng công nghệ thông tin được quan tâm và đã thu được những kết quả ban đầu quan trọng. Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước ngày càng nâng cao cả ở Trung ương và địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho nghề cũng như kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý các hành vi vi phạm. Nhận thức về vai trò, vị trí của nghề đấu giá và đội ngũ đấu giá viên ngày càng được nâng cao, tạo được hiệu ứng tốt trong xã hội.

Việc ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản nhằm tiếp tục thể chế hoá chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về xã hội hoá, chuyển đổi số, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; khắc phục những hạn chế, bất cập về thể chế, tạo cơ sở pháp lý thúc đẩy tính chuyên nghiệp, công khai, minh bạch, khách quan, tính bền vững của hoạt động đấu giá; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động bán đấu giá tài sản, cũng như công tác quản lý nhà nước về đấu giá tài sản.
P.V