Siết nhập cư vào 5 thành phố trực thuộc T.Ư với những điều kiện đăng ký thường trú chặt chẽ hơn là nội dung chính trong lần sửa đổi bổ sung Luật Cư trú năm 2006. Dự kiến, Luật sửa đổi sẽ được trình Quốc hội thông qua năm 2013.
 
 
Nhà 20 m2, bảo lãnh cho 22 người nhập khẩu
 
Theo thống kê, 5 thành phố (TP) trực thuộc T.Ư (Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ) hiện có tổng số dân khoảng 18 triệu người, chiếm hơn 20% dân số cả nước.
 
Theo đánh giá của Bộ Công an, từ sau khi Luật Cư trú có hiệu lực thi hành (1-7-2007), quyền tự do cư trú của công dân ghi nhận trong Hiến pháp được cụ thể hóa hơn bằng những quy định rõ ràng, thủ tục thông thoáng...
 
Tuy nhiên, đến nay Luật Cư trú đã bộc lộ những sơ hở, bất cập, cần được sửa đổi bổ sung để đảm bảo hơn nữa quyền tự do cư trú và tăng cường công tác quản lý nhà nước.
 
Theo Thiếu tướng Trần Văn Vệ, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Quản lý hành chính về TTATXH - Bộ Công an (thành viên Ban chỉ đạo sửa đổi Luật Cư trú), mặc dù Luật đã quy định điều kiện đăng ký thường trú tại TP trực thuộc T.Ư chặt chẽ hơn so với điều kiện đăng ký tại các địa phương khác, nhưng vẫn còn sơ hở.
 
Cụ thể, Điều 20 Luật Cư trú quy định, công dân cư trú liên tục tại TP đó từ một năm trở lên và có chỗ ở hợp pháp (gồm nhà ở do thuê, mượn, ở nhờ) thì được đăng ký thường trú. Song, điều luật không quy định diện tích tối thiểu bao nhiêu m2/người đối với diện tích nhà cho thuê, mượn, ở nhờ.
 
“Chính vì quy định thông thoáng trên nên nhiều trường hợp đã cho nhiều người nhập hộ khẩu vào hộ khẩu của mình trong khi thực tế những người này không cư trú tại đây”- Thiếu tướng Vệ nói.
 
Ông Vệ dẫn chứng, ở Đà Nẵng đã có trường hợp nhà ở của hộ gia đình chỉ khoảng 20m2nhưng chủ hộ đã bảo lãnh cho... 22 người nhập hộ khẩu.
 
Một điểm khác, Điều 20 quy định những người vào làm trong các doanh nghiệp theo chế độ hợp đồng không xác định thời hạn thì được đăng ký thường trú ngay vào TP trực thuộc T.Ư.
 
Theo cơ quan chức năng, đã có một số doanh nghiệp, thậm chí là doanh nghiệp “ma” lợi dụng quy định này, ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn cho cả những người không thuộc doanh nghiệp mình để họ đủ điều kiện đăng ký thường trú.
 
Bảo đảm tối thiểu 5m2/người
 
Về điều kiện đăng ký thường trú tại các TP trực thuộc T.Ư, theo Ban soạn thảo, việc sửa đổi bổ sung Luật Cư trú lần này sẽ theo hướng: quy định tăng thời gian tạm trú từ 1 năm lên 3 năm; quy định về diện tích mặt sàn chỗ ở tối thiểu 5m2/1 người đối với các trường hợp đăng ký thường trú vào chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ. Những quy định bổ sung trên dự kiến áp dụng cho cả 5 TP trực thuộc T.Ư.
 
Tại sao Luật Cư trú quy định điều kiện đăng ký thường trú ở 5 TP trực thuộc T.Ư chặt chẽ hơn so với các địa phương khác, liệu có vi phạm quyền tự do cư trú của công dân?
 
Theo Thiếu tướng, GS.TS Nguyễn Ngọc Anh (Vụ trưởng Pháp chế, Bộ Công an), sở dĩ phải quy định chặt chẽ hơn là vì việc di dân từ các vùng nông thôn đến các thành phố lớn ngày càng gia tăng, gây áp lực cho các đô thị.
 
Trong khi đó các điều kiện về cơ sở hạ tầng, khả năng cung ứng dịch vụ (giáo dục, y tế, điện, nước, nhà ở…) đã không những không đáp ứng được cho những người chuyển vào TP, mà còn ảnh hưởng đến quyền lợi những người đã đăng ký thường trú tại TP đó.
 
Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Anh cũng cho rằng, công dân có quyền tự do cư trú nhưng phải tuân theo quy định pháp luật.
 
Để đảm bảo quyền tự do cư trú của công dân thì phải gắn với các quyền khác của công dân, phải bảo đảm hài hòa lợi ích quốc gia với lợi ích của mỗi công dân, lợi ích giữa các cộng đồng dân cư với mỗi công dân.
Trong khi cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, cung ứng dịch vụ của các TP trực thuộc T.Ư chưa thể đáp ứng đầy đủ, thì việc bảo đảm cho quyền của người này cũng đồng thời làm hạn chế quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.
 
Theo Tiền Phong
.