Nhằm hạn chế một số tiêu cực trong việc kết hôn giữa người Việt Nam với người nước ngoài, Bộ Tư pháp sẽ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng dự thảo Quyết định thành lập Tổ công tác liên ngành về kết hôn với người nước ngoài, trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 7/2011.
Đây là nhiệm vụ mà Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã giao cho Bộ Tư pháp tại Hội nghị toàn quốc về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài diễn ra ngày 22/4/2011 tại thành phố Cần Thơ.
Hoàn thiện khung pháp lý
Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ Tư pháp xây dựng dự thảo Nghị định thay thế các Nghị định số 68/2002/NĐ-CP và Nghị định số 69/2006/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hôn nhân và gia đình về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài, trình Chính phủ trong quý IV/2011. Dự thảo này phải được xây dựng theo hướng chặt chẽ về thủ tục, giảm hợp lý thời gian giải quyết việc đăng ký kết hôn, xác định một cơ quan làm đầu mối trong công tác này và nâng cao hiệu lực của Trung tâm hỗ trợ kết hôn.
Nhằm tạo hành lang pháp lý chặt chẽ hơn, Bộ Tư pháp khẩn trương nghiên cứu, kiến nghị việc đàm phán, ký kết hiệp định tương trợ tư pháp hoặc văn bản thỏa thuận giữa Việt Nam với các nước trong đó có nội dung về hôn nhân gia đình; xây dựng Đề án thí điểm thành lập một công ty tư vấn hôn nhân quốc tế của Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh, trình Thủ tướng Chính phủ trong quý IV/2011.
Chuyển từ "4 không" sang mô hình kết hôn "5 biết"
Phó Thủ tướng chỉ đạo Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của các Trung tâm hỗ trợ kết hôn; bảo đảm chuyển từ hiện trạng kết hôn "4 không" (1- không biết văn hóa, ngôn ngữ, pháp luật nước định sang để lấy chồng; 2- không hiểu biết người dự định kết hôn; 3- không biết hoàn cảnh gia đình của người dự định kết hôn; 4- không tình yêu) sang mô hình kết hôn "5 biết" (1- biết văn hóa, ngôn ngữ, pháp luật nước định sang để lấy chồng; 2- biết các trường hợp điển hình thành công, thất bại của những người đã kết hôn với người nước ngoài ở địa phương; 3- hiểu biết người dự định kết hôn; 4- biết hoàn cảnh gia đình của người dự định kết hôn; 5- biết các quy định của Việt Nam về kết hôn với người nước ngoài và cơ quan giúp đỡ mình khi ra nước ngoài).
Bộ Ngoại giao kết hợp với các địa phương tăng cường tuyên truyền, cung cấp thông tin về pháp luật, văn hóa, phong tục tập quán của nước sở tại cho cô dâu Việt Nam. Đồng thời nghiên cứu, hình thành cộng đồng cô dâu Việt Nam phù hợp với pháp luật nước sở tại để tăng cường sự gắn bó, giúp đỡ lẫn nhau.
Ở những địa bàn có nhiều cô dâu Việt Nam sinh sống (như Đài Loan, Hàn Quốc), cần nghiên cứu bố trí cán bộ am hiểu về pháp luật để hỗ trợ pháp lý khi cần thiết. Nghiên cứu, đề xuất chính sách hỗ trợ cụ thể đối với phụ nữ Việt Nam lấy chồng nước ngoài gặp rủi ro, khó khăn, đặc biệt trong hôn nhân.
Hệ thống thông tin, dữ liệu về tình hình sinh sống của công dân Việt Nam kết hôn với người nước ngoài và đang sinh sống ở nước ngoài cũng sẽ được hình thành.
Giải quyết từ nguyên nhân sâu xa
Theo thống kê, 3/4 số cô dâu đi lấy chồng người nước ngoài đều là con của những gia đình có 5 con trở lên, có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, thiếu việc làm, trình độ văn hóa thấp, thậm chí chưa biết chữ, có hoàn cảnh éo le. Một bộ phận dân cư đã hình thành quan điểm lệch lạc về mục đích, ý nghĩa của hôn nhân và gia đình, coi lấy chồng nước ngoài là một giải pháp để cải thiện kinh tế gia đình.
Do vậy, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chỉ đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan, cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh công tác tuyên truyền cảnh bảo về những hệ lụy của việc kết hôn với người nước ngoài vì mục đích kinh tế, mang tính trào lưu, thông qua môi giới trái phép. Đặc biệt, tăng cường công tác giảm nghèo, đào tạo nghề, tạo việc làm ổn định cho nữ thanh niên nông thôn, miền núi.
Theo thống kê, từ năm 1998 đến 31/12/2010, Bộ Tư pháp đã chấp nhận và làm thủ tục cho 294.280 phụ nữ Việt Nam kết hôn với người nước ngoài có quốc tịch trên 50 quốc gia và vùng lãnh thổ. Nhiều nhất là với đàn ông Trung Quốc, Hàn Quốc, Đức, Canada, Pháp, Hoa Kỳ…
Các cô dâu lấy chồng ngoại đông nhất xếp theo thứ tự nhóm 1 là TP. Hồ Chí Minh, Bạc Liêu, Đồng Tháp, Hải Phòng, Hậu Giang. Nhóm 2 là Cần Thơ, Tây Ninh, Sóc Trăng, An Giang.
Đa phần việc kết hôn giữa phụ nữ Việt Nam với người nước ngoài mang tính chất phong trào, không dựa trên nguyên tắc hôn nhân tự nguyện, tiến bộ mà xuất phát từ mục đích kinh tế, hoặc cũng vì động cơ mong muốn đổi đời thông qua việc được định cư ở nước ngoài làm ăn sinh sống. Quá trình đi đến hôn nhân thường diễn ra rất nhanh chóng, vội vàng, đơn giản, hầu hết đều thông qua môi giới, sắp xếp. Nhiều trường hợp cô dâu Việt đã rơi vào hoàn cảnh bi đát, bất hạnh. |
Theo Chinhphu.vn