(BVPL) - Thông tư 30 của Bộ Y tế siết chặt việc đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) ở các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố vừa có hiệu lực hôm 20-1 đang vấp phải khá nhiều vướng mắc trong việc thi hành. Tuy vậy, các nhà quản lý cho rằng, khó mấy cũng phải làm.

 

 Nhiều cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố vẫn chưa đảm bảo các tiêu chí.
Nhiều cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố vẫn chưa đảm bảo các tiêu chí.


Nhiều người chưa biết...

Như đã nói, Thông tư 30/2012/TT-BYT của Bộ Y tế quy định các điều kiện đảm bảo ATTP đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố thực chất là siết chặt hoạt động các loại hình kinh doanh này. Bởi theo quy định trong Thông tư 30, tất cả người kinh doanh thức ăn đường phố phải đảm bảo đến 10 tiêu chí, trong đó có những tiêu chí rất gắt gao và không dễ thực hiện. Cụ thể, người kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố phải được khám sức khỏe, được tập huấn và có giấy xác nhận tập huấn kiến thức về ATTP. Nguyên liệu để chế biến thức ăn phải có hóa đơn chứng từ, chứng minh nguồn gốc. Thậm chí, ngay cả hàng rong, bán thức ăn ở bến xe, bến tàu cũng phải có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc nguyên liệu, có trang phục sạch sẽ gọn gàng và sử dụng găng tay dùng một lần khi bán hàng. Thực phẩm chín phải có dụng cụ chứa đựng, ngăn ruồi muỗi, bụi bẩn và cao hơn mặt đất tối thiểu 60cm. Kinh doanh trên phương tiện bán rong cũng phải thiết kế khoang chứa đựng, bảo quản thức ăn, nước để chế biến phải phù hợp quy chuẩn quốc gia…

Tại Hà Nội, Sở Y tế đã tổ chức tuyên truyền, triển khai thực hiện các quy định của Thông tư 30 đến Ban Chỉ đạo VSATTP của 29/29 quận, huyện trước thời điểm Thông tư có hiệu lực vào ngày 20-1. Tuy nhiên, theo khảo sát của chúng tôi, sau 3 ngày đầu tiên thông tư có hiệu lực, tình trạng kinh doanh thức ăn đường phố cũng như các gánh hàng ăn rong ở Thủ đô vẫn chưa có biến chuyển. Dễ nhận thấy nhất là ở những gánh hàng rong bán đồ ăn đường phố, người bán hàng vẫn không dùng găng tay sử dụng một lần khi chế biến đồ ăn cho khách, hầu hết các gánh hàng rong này cũng chỉ có một thùng nước dùng để rửa tất cả các loại bát đũa.


Nhiều người kinh doanh dịch vụ ăn uống đường phố, chủ các gánh hàng rong bán đồ ăn, khi được hỏi về Thông tư 30 đều lắc đầu không hay biết. Trò chuyện với chúng tôi, chị Hạnh, bán bún đậu mắm tôm ở đường Giảng Võ, cách trụ sở Bộ Y tế chỉ vài chục mét, nói: “Quy định người bán đồ ăn phải đeo găng tay khi làm thức ăn, các thức ăn chín phải có dụng cụ che đậy… thì chúng tôi đều biết, còn nói phải đảm bảo đến 8 hay 10 tiêu chí thì tôi cũng không biết rõ hết được đó là các tiêu chí gì”.

“Cuộc chiến” lâu dài

Thống kê của ngành y tế Hà Nội cho thấy, toàn thành phố hiện có  hơn 48.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, trong đó loại hình dịch vụ ăn uống đường phố chiếm đến hơn một nửa. Ở các cơ sở này, tỷ lệ được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP cũng mới chỉ đạt khoảng hơn 60%. Vì vậy, việc thực thi Thông tư 30 được tiên lượng sẽ gặp không ít khó khăn. Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, có những tiêu chí trong Thông tư 30 khó áp dụng trong thực tế. Chẳng hạn quy định những người bán hàng quán di động phải tham gia những lớp tập huấn kiến thức về ATTP, hay quy định thức ăn đường phố, bán rong cũng phải có đầy đủ hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm… Dù vậy, việc ban hành quy định này là cần thiết, tuy khó có thể đem lại hiệu quả như mong muốn ngay lập tức được nhưng dần dần sẽ đưa công tác đảm bảo ATTP đi vào nề nếp. Cũng theo ông Hạnh, Hà Nội triển khai thực hiện nghiêm túc quy định này và trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, sẽ xem xét, tổng hợp để gửi lên Bộ Y tế.

Ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Cục trưởng Cục ATVSTP - Bộ Y tế cho biết, các quy định tại Thông tư 30 thực chất là chi tiết hóa các điều, khoản đã quy định tại Luật ATTP. Vì vậy, không thể nói việc triển khai thực hiện thông tư này là “khó như lên giời”. Ông Phong cũng nhấn mạnh, bảo đảm ATTP đối với kinh doanh thức ăn đường phố thực sự là “cuộc chiến” lâu dài đòi hỏi sự đồng lòng, chịu chung trách nhiệm của cơ quan quản lý, chính quyền, người tham gia kinh doanh cũng như mỗi người tiêu dùng. Vấn đề là có quyết tâm làm hay không mà thôi.

Cũng liên quan đến thông tin này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, Thông tư 30 mà Bộ Y tế ban hành không nhằm mục đích cấm mà chỉ đưa ra các điều kiện để cải thiện hơn chất lượng và sự an toàn của thức ăn đường phố.
 

Theo An ninh Thủ đô

.