Mức lương tối thiểu luôn là vấn đề gây tranh cãi bởi phải vừa đảm bảo mức sống tối thiểu của người lao động, vừa đảm bảo điều kiện hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và sức chịu đựng của nền kinh tế.
|
Ảnh minh họa. Nguồn Internet |
Sáng qua 6/8, Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã thống nhất tư vấn cho Chính phủ quyết định mức lương tối thiểu vùng năm 2015 như sau: Vùng 1 là 3.100.000 đồng; Vùng 2 là 2.750.000 đồng; Vùng 3 là 2.420.000 đồng; Vùng 4 là 2.2.000 đồng. Như vậy, mức lương tối thiểu vùng năm 2015 được đề xuất tăng từ 300.000-400.000 đồng, mức tăng dao động trong khoảng 15% so với năm 2014.
Đây là kết quả dung hòa các đề xuất “vênh” nhau khá lớn về mức tiền lương tối thiểu của ba bên thành viên trong Hội đồng, gồm Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (TLĐLĐ), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), dẫn đến sự chưa đồng thuận tại cuộc họp của Hội đồng Tiền lương Quốc gia ngày 31/7.
Bên nhượng bộ, bên “chưa thỏa mãn”
Với mức lương tối thiểu vừa đạt được sự đồng thuận của Hội đồng, ông Phạm Minh Huân – Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH - thừa nhận “chỉ đáp ứng được 75% mức sống tối thiểu”. Do đó, mức tăng trong các năm 2016, 2017 sẽ phải cao hơn để năm 2017, lương tối thiểu sẽ phải đáp ứng mức sống tối thiểu như qui định của Bộ luật Lao động.
Nhưng ông Mai Đức Chính - Phó Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam - cho biết, Tổng LĐLĐ Việt Nam “chưa thỏa mãn với mức lương này” vì còn thấp hơn so với đề xuất của TLĐLĐ Việt Nam sau khi đã giảm xuống còn 3.200.000 đồng/người/tháng từ đề xuất ban đầu là 3.400.000 đồng/người/tháng. Ngược lại, ông Hoàng Văn Dũng - Phó Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia, Phó Chủ tịch thường trực VCCI - thì cho rằng: “đây là sự nhượng bộ lớn của phía đại diện người sử dụng lao động với mức tăng 15% so với đề xuất mức tăng 11% mà VCCI đưa ra”.
Trước đó, tại cuộc họp vào cuối tháng 7, với các mức lương tối thiểu vùng năm 2015 được đưa ra là 3.000.000 đồng/người/tháng (VCCI); 3.050.000 đồng/người/tháng (Bộ LĐTB&XH) và cao nhất là 3.400.000 đồng/người/tháng (TLĐLĐ Việt Nam), đại diện các bên trong Hội đồng Tiền lương Quốc gia đều đưa ra rất nhiều lập luận cho đề xuất của mình.
Theo Chủ tịch TLĐLĐ Việt Nam Đặng Ngọc Tùng: “Mức lương tối thiểu vùng năm 2014 vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu của người lao động”. Vì thế, để thực hiện được lộ trình đặt ra, đến năm 2017, mức lương tối thiểu phải đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu của người lao động, cần điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng năm 2015 tăng 23% so với mức lương tối thiểu hiện hành.
Nhưng đối với VCCI, tăng mức lương tối thiểu sẽ làm tăng chi phí đầu vào của doanh nghiệp, khiến doanh nghiệp sẽ phải tính đến giải pháp “cắt giảm lao động” để đối phó với tình hình khó khăn trong điều kiện hiện nay vì ước tính tăng lương tối thiểu thêm 10% có thể làm tổng quỹ lương mà doanh nghiệp phải chi trả cho người lao động tăng thêm hơn 17%.
Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI - nhận thấy: “Lộ trình tăng lương tối thiểu phải phù hợp với điều kiện của nền kinh tế và sức chịu đựng của các doanh nghiệp. Và điều hết sức quan trọng là phải làm sao tăng lương không dẫn đến mất việc làm”.
Tính đến tăng năng suất lao động
Thực tế, tổng mức thu nhập (gồm tiền lương tối thiểu và các khoản khác) của đa số người lao động ở các khu công nghiệp, khu chế xuất đều trên mức lương tối thiểu đề xuất lần này nhưng đời sống của người lao động vẫn đang rất khó khăn, cho thấy mức tiền lương tối thiểu hiện hành không thể đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu của bản thân người lao động, chưa nói đến gia đình họ. Tuy nhiên, mức lương tối thiểu vừa được Hội đồng Tiền lương Quốc gia thống nhất chỉ là đề xuất để Chính phủ ra quyết định cuối cùng trong điều chỉnh lương tối thiểu vùng sau khi cân đối nhiều yếu tố.
Một vấn đề liên quan đến điều chỉnh lương tối thiểu là năng suất lao động như vấn đề được ông Bùi Sỹ Lợi – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội - đưa ra. Theo đó, tiền lương là tổng sản phẩm xã hội được phân phối, đảm bảo quá trình tái sản xuất sức lao động cho người lao động nên tiền lương phải gắn với năng suất lao động. Năng suất lao động thấp mà tiền lương tăng nhanh hơn tốc độ tăng năng suất lao động là trái quy luật.
Trong quá trình chuyển hóa phải tính có cả nhu cầu hướng tới năng suất lao động tương ứng tiền lương, thu nhập, đồng thời hướng tới nhu cầu đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu của người lao động. Nhưng, “nếu năng suất lao động không tăng mà lại đòi tiền lương cao thì nghĩa là đã ăn cả vào phúc lợi, tiền đầu tư phát triển nên vấn đề quan trọng là phải tính đến giải pháp để tăng năng suất lao động, từ đó sẽ thúc đẩy các yếu tố để lương cơ bản đáp ứng nhu cầu tối thiểu của người lao động” – ông Bùi Sỹ Lợi nhận định.
Theo PLO