Kinh phí mua vaccine dự kiến 25,2 nghìn tỉ đồng

Ông Hưng cho biết, trước diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, và Chính phủ đã có chủ trương mua đủ lượng vắc xin cần thiết để tiêm phòng cho nhân dân. Theo tính toán của Bộ Y tế, dự kiến chúng ta cần mua khoảng 150 triệu liều vaccine phòng COVID-19 để tiêm phòng cho khoảng 75 triệu người dân, với tổng nhu cầu kinh phí ước khoảng 25,2 nghìn tỉ đồng. Đây là yêu cầu nguồn kinh phí rất lớn.

leftcenterrightdel
Ông Võ Thanh Hưng cho biết, chúng ta sẽ cần nguồn kinh phí rất lớn nên ngoài ngân sách, cần huy động thêm các nguồn lực. 

Vì vậy, chủ trương chung của Chính phủ là bên cạnh nguồn ngân sách thì cần huy động thêm các nguồn lực từ đóng góp mang tính thiện nguyện của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để cùng với nhà nước mua đủ số lượng vaccine tiêm kịp thời cho người dân.

Theo quy định, Quỹ sẽ được mở tài khoản tại ngân hàng thương mại. Trên cơ sở đó, sẽ huy động nguồn lực đóng góp của các tổ chức, cá nhân. Nếu các doanh nghiệp muốn đóng góp vào Quỹ thì hoàn toàn có thể chuyển tiền qua hệ thống các ngân hàng thương mại. Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao cho Bộ Tài chính làm việc với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Bộ Y tế để chuyển vào Quỹ các khoản tiền mà một số doanh nghiệp đã đóng góp hỗ trợ cho Chính phủ, Bộ Y tế trong thời gian liên quan đến việc mua vaccine.

Trước ý kiến cho rằng, nếu các doanh nghiệp có tham gia đóng góp vào Quỹ thì người lao động trong doanh nghiệp đó có thuộc đối tượng được ưu tiên tiêm vaccine không. Ông Hưng cho biết, việc mua vaccine hiện nay tập trung qua đầu mối là Bộ Y tế.

“Cơ quan này cũng được giao xác định các nhóm đối tượng được ưu tiên tiêm trong thời gian đầu. Sau đó, khi chúng ta có lượng vaccine đủ lớn thì Bộ Y tế sẽ đề xuất mở rộng các nhóm đối tượng được ưu tiên này, trong đó tôi cho rằng người lao động ở các khu công nghiệp tập trung cũng nên thuộc nhóm được ưu tiên.”- ông Võ Thành Hưng cho biết.


Về quy chế, ông Võ Thanh Hưng thông tin, dự kiến muộn nhất tuần sau sẽ phối hợp với các đơn vị để ban hành được quy chế. Hiện tại, khi quy chế hoạt động của quỹ chưa được ban hành, các tổ chức và cá nhân vẫn có thể tiếp tục đóng góp thông qua Mặt trận Tổ quốc hoặc Bộ Y tế, sau đó chúng tôi sẽ làm việc với các cơ quan này để chuyển các khoản đóng góp đó về Quỹ.

Số thu của Quỹ sẽ được công khai, minh bạch

Ngoài ra, việc đóng góp vào Quỹ là sự kêu gọi đóng góp một cách tự nguyện của các tổ chức, cá nhân và không có mức đóng góp tối thiểu cũng như mức đóng góp tối đa. Tất cả đều trên cơ sở tinh thần tự nguyện của các tổ chức, cá nhân. Và với mỗi đồng đóng góp dù là nhỏ nhất chúng tôi cũng đều trân trọng và quản lý công khai, minh bạch.

“Đặc biệt, theo quy định tại khoản 1, Điểm 2 Nghị định 44/2021/NĐ-CP của Chính phủ thì đối với khoản chi ủng hộ Quỹ vaccine, doanh nghiệp được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.”- ông Hung nói.

Số tiền huy động dự kiến có thể lên đến hàng nghìn tỉ đồng, đảm bảo quỹ được chi theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo công khai, minh bạch, tiết kiệm và hiệu quả, ông Hưng  cho biết. Bộ Tài chính chỉ có chức năng quản lý tài chính, còn quyết định sử dụng khi nào và mỗi lần bao nhiêu thì các cơ quan liên quan sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ để quyết định. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính sẽ xuất tiền từ quỹ để thực hiện mua vaccine.

Bên cạnh đó, số thu của Quỹ cũng sẽ được ghi nhận và sẽ được công khai, minh bạch trên các website của Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước. Trong trường hợp cần thiết thì sẽ có thanh tra, kiểm toán theo quy định. “Trong quá trình sử dụng thì mục tiêu sử dụng chủ yếu để mua vaccien hoặc hỗ trợ sản xuất vaccine trong nước. Căn cứ vào yêu cầu thực tế và căn cứ quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính sẽ xuất tiền từ quỹ.”- ông cho hay.

Hiện tại, việc mua vaccine Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đang giao Bộ Y tế làm cơ quan đầu mối, nên theo ông, các địa phương không cần thành lập quỹ. Tuy nhiên, các doanh nghiệp tại các địa phương có thể hỗ trợ chính quyền địa phương.

Nguyễn Anh