Doanh nghiệp trong nước buộc phải làm nhà thầu phụ ở những dự án quốc tế có giá trị lớn; tình trạng “giá rẻ trúng thầu” khiến nhiều dự án chậm tiến độ, chất lượng công trình kém; nhiều văn bản pháp luật giữa các bộ, ngành còn chồng chéo… là số ít trong nhiều hạn chế của Luật Đấu thầu năm 2005. Hiện, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Quốc hội dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) để lấy ý kiến nhằm giải quyết những hạn chế và nhiều vấn đề nảy sinh trong công tác đấu thầu… Dự kiến Luật Đấu thầu (sửa đổi) sẽ được Quốc hội thông qua trong kỳ họp tới.
 


Những rào cản

Các doanh nghiệp (DN) trong nước, nhiều thành phần kinh tế ngoài nhà nước đang kỳ vọng một Bộ luật Đấu thầu mới nhằm phát huy nội lực cũng như tạo sự công bằng trong kinh doanh giữa các thành phần kinh tế.

Thực tế cho thấy, ngay tại dự án cầu Vĩnh Thịnh nối từ Hà Nội sang tỉnh Vĩnh Phúc, hầu hết quá trình từ thiết kế, khảo sát và thi công đều do nhà thầu trong nước thực hiện. Tuy nhiên, do vốn vay từ Chính phủ Hàn Quốc và nhiều ràng buộc quy định trong hợp đồng nên các DN trong nước không thể tham gia với tư cách là nhà thầu chính. Và đương nhiên, để có việc làm, họ buộc phải chấp nhận làm nhà thầu phụ. Ông Phạm Dũng, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 cho biết: Trong quy định hợp đồng chỉ cho phép các nhà thầu nước bản địa tức là Hàn Quốc được phép tham gia đấu thầu. Vì thế, chúng tôi buộc phải làm nhà thầu phụ.

Trong nhiều năm nay, các DN thuộc ngành Giao thông phải chịu nhiều bất lợi trong công tác đấu thầu như: chỉ lựa chọn nhà thầu bỏ giá rẻ nhất, không cho phép bỏ giá vượt trần, không quy định giá sàn, không có một ràng buộc nào về pháp chế để chống phá giá, bảo hiểm, bảo hành công trình... Tất cả những điều này khiến cho cơ chế, chính sách trong đầu tư xây dựng càng trở nên phức tạp và hình thức đấu thầu đôi khi không phản ánh đúng thực chất. Ông Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, cho biết: Phân cấp trong Luật Đấu thầu cho chủ đầu tư rất lớn nhưng năng lực lại quy định không rõ trong Luật Xây dựng, hoặc các dạng hợp đồng trong Luật Đầu tư và Luật Xây dựng, Luật Bảo hiểm lại không trùng khớp như: Luật Xây dựng bắt buộc nhưng Luật Bảo hiểm lại không.

Chỉ mãi là nhà thầu phụ?

Theo đại diện nhiều DN trong nước, các gói thầu quốc tế lớn thường áp dụng nhiều điều khoản bất lợi cho các nhà thầu trong nước như: việc quy định vốn chủ sở hữu, năng lực và kinh nghiệm thi công. Ông Nguyễn Công Tài, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty xây dựng Thăng Long cho biết: Có những dự án họ đề ra tiêu chí mấy trăm triệu đô la mỹ 1 năm nên vì vốn ít, chúng tôi không thể tham gia được. Ngoài ra, nhiều dự án công nghệ cao lần đầu tiên triển khai trong nước lại yêu cầu DN VN phải chứng minh ít nhất đã tham gia 2-3 dự án tương tự… và với những điều khoản này đã khiến các DN trong nước bị loại ngay từ vòng đầu dự thầu. Yếu thế của nhà thầu VN là vốn và công tác nội nghiệp còn chưa có kinh nghiệm khi tham gia đấu thầu quốc tế.

Một vấn đề khác cũng được nhiều DN trong nước đặc biệt quan tâm, đó là quy định của Ngân hàng thế giới và Ngân hàng phát triển châu Á không cho phép các nhà thầu có nguồn vốn nhà nước được tham gia đấu thầu. Lý giải vấn đề này: Đại diện các nhà tài trợ cho rằng: Đây là quy định chung đã được áp dụng ở hơn 100 nước trên thế giới và nếu để DN trực thuộc tham gia thì rất có thể nảy sinh những vấn đề ưu tiên khi lựa chọn nhà thầu. Tuy nhiên, đại diện Bộ GTVT lại cho rằng: Với tiến độ cổ phần hóa còn chậm như hiện nay thì những quy định trên buộc DN trong nước chỉ còn 1 lựa chọn duy nhất, chấp nhận làm thầu phụ cho các đối tác nước ngoài.

Cần tạo cơ hội cho doanh nghiệp trong nước

Trên một góc độ khác, ông Dương Văn Cận, Tổng Thư ký hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam cho rằng, khi đã là quy định quốc tế thì chúng ta buộc phải chấp nhận, đặc biệt trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư công còn nhiều hạn chế. Tuy nhiên, để cân bằng lợi ích giữa các bên, nhiều quốc gia đã xây dựng những hàng rào kỹ thuật nhằm tạo điều kiện cho các DN trong nước có cơ hội tham gia nhiều hơn ở các gói thầu có nguồn vốn quốc tế. Việc ưu đãi nhà thầu trong nước đã được chúng tôi nhiều lần đề nghị và ở các nước họ cũng thế, như vậy DN trong nước mới có thể thoát ra khỏi “duyên nợ” làm thầu phụ.

Theo Bộ GTVT, toàn Ngành đang triển khai gần 40 dự án ODA, tổng mức đầu tư hơn 16 tỷ USD. Trừ nguồn vốn của JICA cho phép tất cả các nhà thầu trong nước có quyền tham gia đấu thầu, còn lại hầu hết các nhà tài trợ đều có những quy định ngặt nghèo về nhà thầu xây lắp. Ðiều này đã khiến toàn bộ các nhà thầu trong nước không được tham gia, nhường lại dự án cho các nhà thầu quốc tế và buộc phải chấp nhận làm thầu phụ.. Và khi không được trở thành nhà thầu chính thì nhiều hệ lụy mang lại đó là tính chủ động, lợi nhuận và việc phát triển sau này của các DN Việt Nam. Trong khi đó, không ít các DN quốc tế sau khi trúng thầu đã để xảy ra tình trạng tiến độ thi công chậm, chất lượng công trình chưa cao…

Sửa đổi Luật Đấu thầu, nhằm hướng tới một môi trường đấu thầu bình đẳng, một môi trường đầu tư minh bạch và tạo điều kiện để các DN trong nước có cơ hội chủ động hơn ở các gói thầu quốc tế với giá trị lớn. Tuy nhiên, cho dù luật có chặt chẽ đến đâu, trách nhiệm và sự công tâm của các cơ quan quản lý chức năng vẫn là điều thiết yếu. Có thể việc sửa đổi sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến hoạt động của một vài bộ phận DN nhưng đây là việc cần thiết và phải làm để Việt Nam phát triển và hòa nhập với quốc tế.
 

Tú Mai