(BVPL) - Hôm qua (16/4), UBTVQH cho ý kiến về một số giải pháp về thuế nhằm hỗ trợ sản xuất, kinh doanh và thảo luận Dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp. Đại diện các Bộ Tài chính, Công thương cũng có những kiến nghị cụ thể.
Tại Tờ trình, Chính phủ đề xuất áp dụng một số quy định về thuế quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN). Theo đó, DN sử dụng dưới 200 lao động làm việc toàn bộ thời gian và có tổng doanh thu năm không quá 20 tỷ đồng được áp dụng thuế suất thuế TNDN 20%.
DN thực hiện đầu tư - kinh doanh nhà ở xã hội được áp dụng thuế suất 10% đối với phần thu nhập từ bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội.
Chính phủ đề nghị giảm 50% số thuế GTGT đầu ra đối với hoạt động bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội phát sinh từ ngày 1/7/2013 đến hết 30/6/2014; giảm 30% số thuế GTGT đầu ra đối với hoạt động bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở là căn hộ có diện tích sàn dưới 70 m2 và có giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 phát sinh từ 1/7/2013 đến hết 30/6/2014.
Cơ bản Thường trực Ủy ban TCNS tán thành với chủ trương miễn, giảm thuế tại Tờ trình của Chính phủ.
Về thời hạn áp dụng chính sách, Ủy ban TCNS cho rằng, với quy mô của gói hỗ trợ không lớn, thời gian thực hiện ngắn (trong 1 năm) thì tác động của chính sách có thể sẽ hạn chế, thiếu đồng bộ với gói hỗ trợ tín dụng nhà ở 30.000 tỷ đồng (thực hiện trong thời hạn là 3 năm). Đề nghị kéo dài thời hạn thực hiện chính sách này đến hết 31/12/2014 (thực hiện từ 1/7/2013).
Trình Dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật TNDN, Chính phủ đề xuất mức thuế suất chung thuế TNDN giảm từ 25% xuống 22%, thay vì mức 23% như lần trình tại Phiên họp thứ 16 UBTVQH (3/2013). Ủy ban TCNS tán thành nội dung này cũng như quy định về lộ trình giảm thuế TNDN từ nay đến 2020.
Hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó
Trao đổi với PV Tiền Phong, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho rằng, Chính phủ và các cơ quan đã có nhiều biện pháp về giãn, hoãn, tạm hoãn liên quan đến thuế để hỗ trợ cho DN gặp khó khăn thời gian vừa qua. Còn trong ngắn hạn, phải làm rõ doanh nghiệp đang gặp khó khăn ở những lĩnh vực cụ thể nào, tỷ lệ ra sao.
Theo ông Tuấn, việc cần làm trước mắt là khơi vốn tín dụng. Đồng thời nhà nước nên mạnh dạn đứng ra bảo lãnh các DN không có tài sản thế chấp hoặc mở rộng đối tượng được vay vốn từ Quỹ hỗ trợ bảo lãnh tín dụng ở các địa phương. Ngoài ra, phải tính đến việc áp dụng trần cho vay để hỗ trợ DN. Hiện, có tình trạng các doanh nghiệp phải chịu nhiều mức lãi suất vay khác nhau.
“Có thể xem xét công bố trần cho vay ở mức 11% hoặc 10,5%. Khi các DN đang vay với mức trên 11% sẽ được giảm nhẹ áp lực rất nhiều nhờ việc lãi suất vay hạ xuống. Hiện, chúng ta mới quy định trần huy động mà không quy định trần lãi suất cho vay”, ông Tuấn nói.
Bà Hồ Thị Kim Thoa - Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, đang theo dõi sát tình hình sản xuất kinh doanh của các ngành. Theo đó, Bộ phối hợp với các Hiệp hội nhằm ưu tiên cấp tín dụng, bảo đảm đủ vốn cho DN mua gom nguyên liệu sản xuất hàng xuất khẩu. Khuyến khích DN đa dạng hóa ngoại tệ trong giao dịch. Có quy chế để ngân hàng thương mại bảo đảm lãi suất cho DN sản xuất và xuất khẩu vay theo quy định, không phát sinh thêm chi phí.
Theo Tiền Phong