Ngày 23/1, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện hỏa tốc số 133/CĐ-TTg về việc tăng cường công tác phòng chống dịch cúm gia cầm lây lan qua biên giới.
 
(Ảnh minh họa: Đình Huệ/TTXVN)
(Ảnh minh họa: Đình Huệ/TTXVN)
 
Công điện được gửi đến Đài truyền hình Việt Nam; Đài tiếng nói Việt Nam; Thông tấn xã Việt Nam; Ban Bí thư Trung ương Đảng; Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng; Văn phòng Tổng Bí thư; Văn phòng Quốc hội; Văn phòng Chủ tịch nước; Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam; Cục Hành chính Quản trị 2; các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Cơ quan thuộc Chính phủ; ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. 
 
Nội dung Công điện như sau: 
 
Dịch cúm gia cầm A (H7N9, H10N8, H5N1, H5N2, H6N1) đang xảy ra tại nhiều nước và vùng lãnh thổ trong khu vực và các nước giáp biên giới với Việt Nam. Dịch cúm gia cầm diễn biến rất phức tạp, với sự xuất hiện của nhiều chủng virus cúm khác nhau cả trên người và động vật. 
 
Theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới và cơ quan y tế các nước, năm 2013, chủng virus cúm A/H7N9 đã lây nhiễm cho 147 người tại Trung Quốc, Hong Kong, Đài Loan và gây tử vong 47 người; có 38 ca mắc và có 24 ca tử vong với chủng virus cúm A/H5N1, trong đó Campuchia có 26 ca mắc và có 14 ca tử vong; Trung Quốc thông báo có 1 ca nhiễm cúm A/H10N8 và đã tử vong, chủng virus này đã tìm thấy trên chim hoang dã và đã biến đổi, có khả năng lây lan sang người; Đài Loan đã phát hiện chủng virus A/H6N1 ở một bệnh nhân nữ. 
 
Đặc biệt từ đầu năm 2014 đến nay, Trung Quốc đã xuất hiện 11 ca nhiễm A/H7N9 và đã có 4 ca tử vong; ở Việt Nam, tại Bình Phước, ngày 20/1 đã có một ca tử vong do nhiễm cúm A/H5N1. Như vậy, các chủng virus cúm gia cầm mới tìm thấy trên người và gây tử vong A(H7N9, H10N8 và H6N1) đều được tìm thấy trên gia cầm từ vài năm trước đây, nhưng đến nay mới lây nhiễm sang người. 
 
Theo thông báo của Tổ chức Thú y Thế giới và cơ quan thú y các nước, năm 2013, dịch cúm gia cầm A/H5N1 đã xuất hiện tại 13 nước, đặc biệt ngày 21/12/2013 virus cúm A/H5N2 chủng độc lực cao đã lây nhiễm cho đàn gia cầm tại tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc. 
 
Trong năm 2013, các hoạt động phòng chống buôn bán, vận chuyển, kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm trái phép qua biên giới, không rõ nguồn gốc có hiệu quả tích cực; đồng thời công tác chủ động giám sát, phát hiện dịch cúm gia cầm đã được chính quyền các cấp, các Bộ, ngành tập trung chỉ đạo quyết liệt, cơ bản xử lý triệt để các ổ dịch nhỏ lẻ, không để lây lan ra diện rộng. 
 
Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, việc tổ chức thực hiện kiểm soát nhập lậu gia cầm và sản phẩm gia cầm qua biên giới, không rõ nguồn gốc chưa được thực hiện quyết liệt, gia cầm nhập lậu có chiều hướng gia tăng. 
 
Nguy cơ các chủng virus cúm mới xâm nhập vào Việt Nam thông qua các hoạt động nhập khẩu trái phép gia cầm và sản phẩm gia cầm, khách đến từ các nước có dịch là rất cao, nhất là trong thời gian trước và sau Tết Giáp Ngọ. 
 
Để chủ động ngăn chặn các chủng virus cúm gia cầm mới, độc lực cao xâm nhập và lây lan vào Việt Nam, hạn chế thấp nhất virus lây nhiễm và gây tử vong cho người, giảm thiểu thiệt hại cho ngành chăn nuôi, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: 
 
Các Bộ, ngành và ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 528/CĐ-TTg ngày 15/4/2013 về việc phòng, chống dịch cúm gia cầm A(H7N9), A(H5N1); Công điện số 2245/CĐ-TTg ngày 19/12/2013 về việc tăng cường công tác chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại; Công điện số 98/CĐ-TTg ngày 15/1/2014 về việc đôn đốc thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014 và Công văn số 446/VPCP-KGVX ngày 17/1/2014 về ngăn chặn vận chuyển trái phép gia cầm, thực phẩm, phụ gia thực phẩm qua biên giới. 
 
Đặc biệt tập trung chỉ đạo, phối hợp để triển khai thực hiện có hiệu quả “Đề án phòng ngừa, ngăn chặn vận chuyển và kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép” theo Quyết định số 2088/QĐ-TTg ngày 27/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời chủ động bố trí đủ kinh phí cho các hoạt động phòng, chống dịch cúm gia cầm nói chung và cho các hoạt động bắt giữ, tiêu hủy gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu; cung cấp đầy đủ phương tiện và bảo hộ cá nhân cho lực lượng tham gia trực tiếp công tác phòng, chống dịch. 
 
Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan thông tin đại chúng tích cực triển khai thực hiện “Đề án truyền thông về phòng ngừa, ngăn chặn vận chuyển, kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép và vệ sinh an toàn thực phẩm “theo Quyết định số 550/QĐ-TTg ngày 4/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ và tăng cường công tác tuyên truyền phòng chống dịch cúm gia cầm nói chung. 
 
Việc thông tin tuyên truyền phải thường xuyên, liên tục với thời lượng thích hợp, có chuyên mục riêng về phòng chống cúm gia cầm. Nội dung tuyên truyền cần nêu rõ tác hại của việc nhập lậu gia cầm, sản phẩm gia cầm đến người chăn nuôi, ngành chăn nuôi; gây nguy hại đến sức khỏe cộng đồng; đồng thời hướng dẫn các biên pháp chủ động phòng ngừa virus cúm lây lan, phát tán, lây nhiễm cho người, động vật nhằm nâng cao nhận thức, không sử dụng gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu không rõ nguốn gốc, bảo đảm an toàn dịch bệnh cho người và động vật, tránh gây hoang mang trong xã hội. 
 
Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Y tế và ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương xây dựng, đề xuất phương án tái cơ cấu các chợ có buôn bán gia cầm sống theo hướng bảo đảm vệ sinh thú y và an toàn dịch bệnh, giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm virus sang người. 
 
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Y tế cùng các địa phương, nhất là các tỉnh biên giới thường xuyên theo dõi sát tình hình dịch cúm gia cầm trong nước và các nước xung quanh; tiếp tục triển khai các biện pháp giám sát gia cầm và người qua biên giới; giám sát gia cầm, chợ gia cầm sống, bệnh nhân có dấu hiệu mắc bệnh cúm nhằm phát hiện sớm nhất các chủng virus cúm gia cầm mới, độc lực cao khi mới xâm nhập vào trong nước để có biện pháp xử lý kịp thời. 
 
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Công Thương, các Bộ, ngành liên quan và ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố khẩn trương xây dựng “Kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp đối với các chủng virus cúm gia cầm nguy hiểm có khả năng lây sang người,” trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để làm cơ sở triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch có hiệu quả. 
 
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề xuất Thủ tướng Chính phủ bảo đảm kinh phí phục vụ công tác phòng chống dịch cúm gia cầm, đặc biệt là cấp kinh phí cho hoạt động giám sát, phát hiện các chủng virus cúm gia cầm mới và hoạt động ứng phó khẩn cấp đối với các chủng virus cúm gia cầm nguy hiểm có khả năng lây sang người. 
 
Bộ Công an, Bộ Công Thương, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tư lệnh bộ đội Biên phòng, Bộ Tài Chính chỉ đạo các lực lượng chức năng phối hợp chặt chẽ với lực lượng thú y, y tế và ủy ban nhân dân các tỉnh biên giới triển khai đồng bộ, có hiệu quả công tác phòng chống dịch cúm gia cầm lây lan qua biên giới. 
 
Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chỉ đạo các đơn vị liên quan chủ động, tích cực tham gia cùng chính quyền các cấp, các Bộ, ngành liên quan để phòng chống dịch cúm gia cầm có hiệu quả./. 
 
Theo TTXVN