Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 119/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính  báo chí trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản. Nghị định này quy định hành vi vi phạm hành chính, hình thức, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản. Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/12/2020.

Nghị định này thay thế Nghị định số 159/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản, trừ trường hợp quy định tại Điều 43 Nghị định này.

Theo Nghị định số 119/2020/NĐ-CP quy định, đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản, cá nhân, tổ chức vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính là cảnh cáo hoặc phạt tiền. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm còn có thể bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung như: Tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn; Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; Đình chỉ hoạt động có thời hạn; Buộc cải chính, xin lỗi...

Nghị định dành 2 chương để quy định chi tiết về các  mức phạt đối với từng hành vi vi phạm hành chính như: Vi phạm quy định về giấy phép; Vi phạm quy định về hoạt động báo chí, sử dụng thẻ nhà báo; Hành vi cản trở trái pháp luật hoạt động báo chí; Vi phạm quy định về giấy phép, điều kiện hoạt động xuất bản; Vi phạm quy định về quy trình, thủ tục trong hoạt động xuất bản...

Đáng chú ý, mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản là 200.000.000 đồng đối với tổ chức và 100.000.000 đồng đối với cá nhân. 

Ngoài ra, Nghị định này cũng quy định những người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính thuộc các cơ quan: Thanh tra chuyên ngành và cơ quan được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành Thông tin và Truyền thông; Thanh tra ngoại giao; Bộ đội biên phòng; Cảnh sát biển; Hải quan; Quản lý thị trường; Công an nhân dân; Chủ tịch UBND các cấp có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao.

Thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính, theo Nghị định quy định là những người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính thuộc các cơ quan nêu trên và công chức, viên chức đang thi hành công vụ khi phát hiện hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản thì được quyền lập biên bản vi phạm hành chính theo quy định.

PV