Nghị quyết nêu rõ, Chính phủ thống nhất thông qua dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) do Bộ Nội vụ trình tại Tờ trình số 1215/TTr-BNV ngày 10/4/2025.
Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Nội vụ chịu trách nhiệm về việc tiếp thu ý kiến Thành viên Chính phủ, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi); thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật và các văn bản liên quan trình Quốc hội theo quy định.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội; chủ động báo cáo, giải trình trong quá trình thẩm tra, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, của Quốc hội về dự án Luật theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và chịu trách nhiệm về nội dung báo cáo.
Trước đó, tại Tờ trình về dự án Luật, Bộ Nội vụ cho biết, từ những cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn, để bảo đảm thực hiện chủ trương của Đảng về tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, đồng thời tiếp tục đổi mới công tác xây dựng, quản lý đội ngũ theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu năng, hiệu quả, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của thực tiễn thì xây dựng Luật Cán bộ công chức (sửa đổi) là rất cần thiết.
Việc ban hành Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) để thực hiện yêu cầu của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị về sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; tinh giản biên chế; cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; thu hút và trọng dụng người có tài năng trong cơ quan nhà nước, góp phần xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, tập trung quản lý phát triển để đưa đất nước bước vào giai đoạn mới.