Thời gian qua, người dân đến đăng ký đổi giấy phép lái xe (GPLX) tại Sở Giao thông - vận tải tăng đột biến nên đã xảy ra tình trạng quá tải.
- Việc người dân đến đổi GPLX tăng cao khoảng 2 tháng nay là do nhiều người chưa nắm rõ thông tin. Theo quy định, chỉ các loại xe ô tô mới phải thực hiện đổi GPLX từ dạng mẫu cũ bằng giấy sang mẫu mới bằng vật liệu PET (polyethylene terephthalate, có độ bền cao, không thấm nước và chống được làm giả) trong năm 2014.
Thưa ông, nguyên nhân của tình trạng quá tải là do Sở Giao thông - vận tải tổ chức nhận hồ sơ ở bộ phận thuộc Sở, sao không triển khai về các địa phương để nhân dân giảm được thời gian đi lại?
- Trước khi khiển khai chương trình đổi GPLX, chúng tôi cũng đã tính đến phương án đưa việc kiểm định hồ sơ về các huyện. Tuy nhiên, do lực lượng cán bộ mỏng, rất khó trong việc quản lý hồ sơ. Bên cạnh đó, nếu chuyển về các huyện chúng tôi sợ sẽ phát sinh tình trạng “cò” nên đã quyết định tập trung về Sở. Hơn nữa, việc đổi GPLX chỉ thực hiện một thời gian nhất định nên không thể tuyển thêm cán bộ chuyên trách cho việc này. Trước đó, chúng tôi cũng đã thông tin về lộ trình đổi GPLX trên các phương tiện thông tin đại chúng tại tất cả địa phương trong tỉnh, các cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch lái xe, đơn vị kinh doanh vận tải, bến xe… Tuy nhiên, nhiều người không biết nên đã ồ ạt mang cả bằng xe mô tô đi đổi. Thời gian qua, mỗi ngày trung bình có khoảng 400 hồ sơ xin đổi GPLX, trong đó 50% số hồ sơ đổi GPLX mô tô.
Được biết, lộ trình thu đổi giấy phép lái xe mô tô kéo dài đến năm 2020, tùy theo năm cấp phép, vậy quy định này cụ thể ra sao, thưa ông?
- Theo Thông tư 46/2012/TT-BGTVT của Bộ Giao thông - vận tải, mỗi người dân chỉ sử dụng một GPLX với một mã số duy nhất. Quy định này sẽ giúp cơ quan Nhà nước quản lý tốt “lý lịch lái xe” của người điều khiển phương tiện đường bộ. Theo đó, GPLX bằng thẻ PET có thể gộp chung nhiều hạng, như: GPLX 2 bánh, 4 bánh… Tuy nhiên, một số người hiểu nhầm trong năm 2014 phải đổi GPLX ở tất cả hạng xe. Xin được nói rõ, GPLX ô tô các hạng B1, B2, C, D, E bắt buộc phải chuyển đổi trước ngày 31-12-2014. Còn lại, GPLX hạng A4 (các loại máy kéo có tải trọng đến 1 ngàn kg) chuyển đổi trước ngày 31-12-2015; GPLX các hạng A1, A2, A3 cấp trước năm 2003 thì phải chuyển đổi trước ngày 31-12-2016, cấp trước năm 2004 phải chuyển đổi trước ngày 31-12-2017, cấp trước năm 2007 chuyển đổi trước ngày 31-12-2018, cấp trước năm 2010 chuyển đổi trước 31-12-2019. Ngoài ra, những GPLX cấp sau năm 2010 thì chuyển đổi trước ngày 31-12-2020. Có thể do người dân đi đổi GPLX ô tô nên đã đổi luôn GPLX mô tô cho tiện, điều này dẫn đến chỗ quá tải như đã nêu trên.
Thưa ông, thủ tục đổi GPLX bao gồm những giấy tờ gì; thời hạn bao lâu sẽ được cấp GPLX mới?
- Khi có nhu cầu đổi GPLX, người dân cần chuẩn bị một bộ hồ sơ gồm các loại giấy tờ sau: đơn đề nghị đổi, cấp lại GPLX theo mẫu quy định được phát miễn phí tại Sở Giao thông - vận tải; giấy chứng nhận sức khỏe do cơ sở y tế có thẩm quyền cấp; bản sao có công chứng GPLX, chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu còn thời hạn. Khi đến nộp hồ sơ cấp lại GPLX, người lái xe được chụp ảnh trực tiếp và phải xuất trình chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu để đối chiếu; đối với những trường hợp cần điều chỉnh thông tin trên GPLX thì phải nộp bản chính hồ sơ gốc phù hợp với GPLX. Thời hạn giải quyết một trường hợp đổi GPLX trong vòng 5 ngày làm việc.
Theo Báo Đồng Nai
ss