Chiều 11/4, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tiếp tục chương trình làm việc tại Phiên họp thứ 33 với việc cho ý kiến vào dự án Luật Lực lượng dự bị động viên.
Phát biểu ý kiến tại phiên họp, các đại biểu đều nhất trí với sự cần thiết nâng Pháp lệnh lên thành Luật và đánh giá cao sự chuẩn bị hồ sơ dự án Luật một cách công phu, đầy đủ, khoa học của cơ quan soạn thảo để hồ sơ dự án đủ điều kiện để trình Quốc hội cho ý kiến.
|
|
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì phiên họp. |
Để hoàn thiện dự án Luật, các đại biểu cũng đóng góp nhiều ý kiến cụ thể, trong đó có các quy định liên quan đến chế độ, chính sách cho việc thực hiện Luật Lực lượng dự bị động viên sau khi được ban hành.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển bày tỏ sự đồng tình với việc khi đã xây dựng lực lượng dự bị động viên thì phải có chế độ, chính sách, phụ cấp, nhưng phải rất chặt chẽ. Cho rằng, con số làm tăng ngân sách 545 tỷ đồng/năm như đánh giá tác động theo tờ trình của Chính phủ là rất khiêm tốn, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển băn khoăn, số tiền ấy có bảo đảm đủ cho việc triển khai thực hiện nhiệm vụ hay không, bởi có rất nhiều nội dung cần thực hiện như duy trì doanh trại, công tác huấn luyện, trang thiết bị, vũ khí, khí tài, dự phòng… Từ đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị rà soát, đánh giá tác động kỹ lưỡng hơn, rõ ràng hơn.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cũng đề nghị tính toán kỹ hơn. Về chế độ trợ cấp với gia đình quân nhân dự bị trong thời gian quân nhân dự bị tập trung huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu, ông Nguyễn Đức Hải đồng tình rằng quy định này là cần thiết, bởi người thuộc diện huy động vào lực lượng dự bị động viên thường là lao động chính, trụ cột và mang lại nguồn thu nhập chủ yếu cho gia đình. Trong thời gian thực hiện nhiệm vụ, nếu không có chế độ trợ cấp thì gia đình họ sẽ gặp nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Đức Hải đề nghị cân nhắc việc trợ cấp với gia đình quân nhân dự bị đang hưởng lương từ ngân sách Nhà nước, bởi lực lượng này khi đi thực hiện nghĩa vụ dự bị động viên cũng là thực hiện nhiệm vụ nên vẫn được hưởng lương đầy đủ. Nên tập trung nguồn lực để chi trả chế độ trợ cấp với gia đình quân nhân dự bị không thuộc diện hưởng lương từ ngân sách Nhà nước để bảo đảm mức trợ cấp không bị phân tán, đáp ứng được nhu cầu tối thiểu của gia đình họ.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng nhất trí cần phải có chế độ trợ cấp với gia đình quân nhân dự bị trong thời gian tập trung thực hiện nhiệm vụ như phân tích của ông Nguyễn Đức Hải.
Cho rằng, lực lượng dự bị động viên trong doanh nghiệp là cần thiết và chiếm số lượng rất lớn trong điều kiện hiện nay, nhiều ý kiến đề nghị nghiên cứu kỹ để xây dựng những quy định có khả năng thi hành trong thực tế khi huy động lực lượng dự bị động viên là lao động trong doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nêu quan điểm, theo quy định, nền kinh tế nước ta là nền kinh tế nhiều thành phần, đa sở hữu, trong đó có doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, liên doanh, liên kết, doanh nghiệp tư nhân… Vì vậy, mối quan hệ giữa cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp trong trường hợp huy động lực lượng dự bị động viên ở đây như thế nào? Chủ thể nào sẽ đứng ra làm việc với các doanh nghiệp để huy động lực lượng dự bị động viên từ lực lượng lao động của họ?
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đồng ý rằng, trong bối cảnh hiện nay, khi hoạt động sản xuất trong các doanh nghiệp được thực hiện theo dây chuyền, không thể thiếu một vị trí lao động, các doanh nghiệp thường không có lực lượng lao động dự bị, nên khi người lao động trong các doanh nghiệp được huy động đi thực hiện nhiệm vụ dự bị động viên, các doanh nghiệp sẽ phải tìm lao động mới để bảo đảm dây chuyền sản xuất không bị đình trệ. Bởi thế, người lao động có khi được đồng ý cho đi thực hiện nhiệm vụ dự bị động viên, nhưng khi về có thể sẽ bị mất việc làm do đã có người thay thế.
Từ đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị quy định rõ trong dự luật về nghĩa vụ bắt buộc phải bố trí lại công việc cho người lao động của doanh nghiệp sau khi họ thực hiện nghĩa vụ dự bị động viên trở về./.