Trong dự thảo Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP) mới nhất trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Bộ Tài chính đã tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội (QH), bổ sung quy định cụ thể THTK, CLP trong giáo dục đào tạo, y tế và trong tổ chức bộ máy nhà nước.
|
Nhiều lĩnh vực sử dụng kinh phí từ NSNN phải THTK, CLP và phải được quy định rõ trong Luật. Ảnh Internet. |
Quy định hành vi và chế tài xử lý tương ứng
Như vậy, quy định về THTK, CLP trong lập, thẩm định, phê duyệt dự toán, quyết toán, quản lý, sử dụng kinh phí NSNN có nhiều lĩnh vực phải THTK, CLP như: Quản lý, sử dụng kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình quốc gia, khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, y tế, quỹ có nguồn từ NSNN và một số trường hợp sử dụng NSNN khác.
Trước đó, tại Kỳ họp thứ 5, QH khóa XIII, qua thảo luận của các đại biểu QH, có 2 loại ý kiến khác nhau. Loại ý kiến thứ nhất đồng tình quy định tập trung vào các lĩnh vực xảy ra lãng phí lớn như Dự thảo Luật và đề nghị bổ sung quy định cụ thể THTK, CLP trong giáo dục đào tạo, y tế, trong tổ chức bộ máy nhà nước.
Ngoài ra, có nhóm ý kiến đề nghị quy định cụ thể mang tính toàn diện mọi lĩnh vực của đời sống xã hội như tổ chức lễ hội, ma chay, cưới hỏi... để tránh việc huy động gây lãng phí nguồn lực xã hội.
Trên cơ sở tiếp thu ý kiến các đại biểu QH, Bộ Tài chính đã xây dựng bổ sung 2 điều mới vào Dự thảo Luật (Điều 22, Điều 23) quy định về THTK, CLP trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, y tế, đồng thời bổ sung quy định về hành vi lãng phí trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, lĩnh vực y tế và chế tài xử lý tương ứng.
Trong đó, lĩnh vực giáo dục đào tạo tập trung quy định về xây dựng, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch đào tạo và chương trình, nội dung giáo dục. Lĩnh vực y tế tập trung quy định về xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, đầu tư dự án, công trình, mua sắm trang thiết bị y tế là những vấn đề dễ xảy ra lãng phí lớn.
Ngoài ra, bổ sung vào Điều 54 về nguyên tắc THTK, CLP trong quản lý, sử dụng lao động và thời gian lao động khoản 4 “Việc tổ chức bộ máy của các cơ quan, tổ chức ...” để tránh lãng phí.
Để tránh việc huy động, sử dụng các nguồn lực ngoài NSNN, gây lãng phí xã hội, UBTVQH cho rằng, quy định về THTK, CLP trong sản xuất và tiêu dùng của nhân dân là cần thiết, nếu sản xuất và tiêu dùng của nhân dân lãng phí có tính chất xã hội thì Nhà nước phải có biện pháp điều chỉnh. Hiện nay, tiêu dùng xã hội có biểu hiện lãng phí, tiêu dùng quá khả năng tài chính thực tế, đặc biệt là trong việc cưới, việc tang, tổ chức lễ hội và các hoạt động văn hóa khác; việc vận động quyên góp, huy động các nguồn lực trong dân tùy tiện, không minh bạch, sử dụng lãng phí...
Vì vậy, để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, trong Dự thảo Luật trình UBTVQH lầ này đã bổ sung nguyên tắc THTK, CLP trong sản xuất và tiêu dùng của tổ chức, cá nhân (Điều 63), bảo đảm quyền sở hữu của các tổ chức, cá nhân theo quy định của Hiến pháp, đồng thời giao cho Thủ tướng Chính phủ quy định cụ thể về THTK, CLP trong việc cưới, việc tang, tổ chức lễ hội, quy định về trách nhiệm của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch, cơ quan thông tin đại chúng trong tổ chức thực hiện chủ trương THTK, CLP trong sản xuất và tiêu dùng của nhân dân.
Làm rõ trách nhiệm người đứng đầu
Qua thảo luận tại Kỳ họp thứ 5 của QH, nhiều ý kiến đề nghị, cần quy định rõ hơn trách nhiệm của người đứng đầu, trách nhiệm trong trường hợp không xử lý hành vi lãng phí trong Dự thảo Luật.
Tiếp thu ý kiến đại biểu, UBTVQH đã chỉ đạo chỉnh sửa theo hướng quy định cụ thể trách nhiệm trực tiếp, gián tiếp, liên đới trong từng trường hợp vi phạm quy định về THTK, CLP; trách nhiệm xử lý vi phạm đối với các hành vi vi phạm pháp luật về THTK, CLP thuộc thẩm quyền; trách nhiệm trong công khai, xử lý thông tin phát hiện lãng phí, xử lý hành vi vi phạm theo thẩm quyền.
Đặc biệt đã bổ sung vào Dự thảo Luật trách nhiệm và chế tài xử lý đối với người có thẩm quyền không xử lý các hành vi vi phạm Luật THTK, CLP để bảo đảm tính khả thi cũng như tính nghiêm minh của pháp luật, khắc phục tình trạng có sai phạm mà không bị xử lý.
Về trách nhiệm của Chính phủ, bộ, ngành, địa phương, Luật hiện hành quy định trách nhiệm cụ thể của một số bộ, việc quy định này dẫn tới vừa không bao quát hết các bộ liên quan, vừa thừa vì nội dung đã được quy định tại Chương I của Luật và quy định trong chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan thuộc Chính phủ trong Luật Tổ chức Chính phủ.
Do đó, để khắc phục bất cập của Luật hiện hành về quy định trách nhiệm của bộ, ngành, Dự án Luật chỉ quy định rõ trách nhiệm của Bộ Tài chính (Điều 68) là cơ quan chủ trì giúp Chính phủ thống nhất triển khai hướng dẫn các quy định của Luật còn trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ được quy định tại Điều 69 của Dự thảo Luật.
Theo Báo Hải Quan