Là một trong 5 tập thể được tặng danh hiệu Đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua khối năm 2014 của ngành Kiểm sát Long An, Viện KSND huyện Cần Giuộc được Ban lãnh đạo Viện tỉnh đánh giá là đơn vị có sự cố gắng bền bỉ để đạt thành tích vượt trội trong phong trào thi đua.
Gặp chị Nguyễn Thị Hồng Điệp, Viện trưởng Viện KSND huyện Cần Giuộc tại Hội nghị triển khai công tác kiểm sát năm 2015, chúng tôi có dịp trao đổi cùng chị về những kết quả và những giải pháp mang tính đột phá của đơn vị.
|
Đ/c Lê Bá Phước, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh trao Cờ cho các đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua khối năm 2014, trong đó có VKSND huyện Cần Giuộc (thứ hai từ trái sang phải) |
Vượt khó . . .
Hai năm liên tục 2012, 2013 Viện KSND huyện Cần Giuộc là đơn vị có nhiều xáo trộn về tổ chức, lãnh đạo đơn vị thay đổi liên tục, thiếu Kiểm sát viên để thực hiện chức năng nhiệm vụ, hiệu quả công tác chuyên môn thấp, để xảy ra án đình chỉ do không phạm tội, tỷ lệ trả hồ sơ điều tra bổ sung cao,... Tưởng chừng những khó khăn đó sẽ làm chùn bước sự phấn đấu của từng cá nhân và của cả một tập thể. Nhưng rồi, sau khi được lãnh đạo Viện tỉnh kiện toàn về Ban lãnh đạo, tuyển dụng thêm công chức, Viện KSND huyện Cần Giuộc đã vượt qua khó khăn bằng chính nội lực của đơn vị.
Chị Hồng Điệp chia sẻ, để đạt và vượt các chỉ tiêu của Nghị quyết 37 của Quốc hội đối với đơn vị, chị phải vượt qua rất nhiều khó khăn như áp lực đối với Ban lãnh đạo mới, đội ngũ công chức non trẻ, nhiều em mới vào ngành lại chưa qua đào tạo nghiệp vụ. Nhưng với sự đoàn kết của cả một tập thể, trong đó Ban lãnh đạo thật sự là trung tâm đoàn kết, sự năng động của công chức trẻ đã đem lại một không khí làm việc cởi mở, tận tâm, đầy sức sáng tạo và hiệu quả. Chính vì vậy, đơn vị đã hoàn thành vượt nhiều chỉ tiêu của Nghị quyết 37: Tỷ lệ giải quyết tin báo tố giác tội phạm của CQĐT đạt 94%, tỷ lệ giải quyết án tại VKS đạt 96,1%, phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng chọn 8 vụ án trọng điểm, 12 vụ án xét xử lưu động, 05 vụ án xét xử rút kinh nghiệm. Kháng nghị phúc thẩm dân sự 06 vụ, chất lượng kháng nghị được chấp nhận đạt 100%; ban hành 07 kiến nghị trong hoạt động kiểm sát việc tuân theo pháp luật ở các khâu trong công tác.
Những đột phá mang lại hiệu quả
Khi xây dựng kế hoạch, Ban lãnh đạo nghiên cứu kỹ các chỉ tiêu của Ngành trong Nghị quyết 37, xác định chỉ tiêu của Ngành, chỉ tiêu cần sự phối hợp với các ngành chức năng để có giải pháp phù hợp. Chẳng hạn, đối với chỉ tiêu kiểm sát giải quyết tố giác, tin báo tội phạm của Cơ quan điều tra, Ban lãnh đạo bố trí KSV phù hợp để vừa thực hiện chức năng kiểm sát vừa giữ vai trò tham mưu, cầu nối giữa VKS và CQĐT. Điều này tạo sự thuận lợi để hai ngành kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, giải quyết dứt điểm những vụ việc phức tạp, kéo dài. Còn trong công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra vụ án hình sự, yêu cầu của Ban lãnh đạo đối với KSV, chuyên viên được phân công là phải tập trung nghiên cứu kỹ hồ sơ phê chuẩn lệnh bắt, khởi tố bị can, . . . mọi phê chuẩn phải có căn cứ rõ ràng, trong trường hợp có mâu thuẫn về nhận thức pháp luật, đánh giá chứng cứ, KSV phải trực tiếp lấy lời khai người bị bắt, bị hại, người có liên quan để làm căn cứ, kiên quyết không phê chuẩn nếu vụ án không đủ cơ sở. Bên cạnh đó, đơn vị cũng đề cao sự phối hợp giữa VKS với CQĐT, giữa KSV và ĐTV, sự phối hợp này tạo điều kiện trong việc đề ra yêu cầu điều tra đạt hiệu quả và hạn chế tình trạng trả hồ sơ điều tra giữa hai ngành.
Trong công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự, Ban lãnh đạo đã đặt ra yêu cầu nâng cao kỹ năng tranh tụng tại phiên tòa của KSV. Không chỉ tham dự các phiên tòa của KSV, lãnh đạo đơn vị còn trực tiếp tham gia xét xử nhiều vụ án. Điều này giúp cho Ban lãnh đạo có điều kiện đánh giá về việc chức năng thực hành quyền công tố tại phiên tòa, kịp thời điều chỉnh những thiếu sót của KSV khi thực hiện nhiệm vụ.
Đối với công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong giải quyết các vụ việc dân sự nói chung, công tác thi hành án và khiếu tố, đây là những công việc đòi hỏi ở KSV, chuyên viên sự cẩn trọng, kiên nhẫn, linh động khi thực hiện chức năng kiểm sát. Vì vậy, trong năm Viện KSND huyện Cần Giuộc đã phát hiện nhiều vi phạm, sai sót của các cơ quan chức năng. Ngoài việc trao đổi trực tiếp với các ngành bạn, đơn vị còn ban hành nhiều văn bản kiến nghị yêu cầu khắc phục vi phạm.
|
Tập thể Viện KSND huyện Cần Giuộc |
Tất cả những giải pháp mang tính đột phá nêu trên chỉ thật sự đem lại hiệu quả khi Ban lãnh đạo đơn vị đổi mới công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, thể hiện tính tiên phong, gương mẫu, chủ động, tận tụy với công việc, siết chặt kỷ cương, kỷ luật nghiệp vụ, đồng thời tạo môi trường làm việc thuận lợi, sự yêu thương, gắn bó, chia sẻ, chân tình. Nhất là Ban lãnh đạo mạnh dạn giao việc và phát huy thế mạnh nguồn nhân lực trẻ, tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều công chức trẻ phấn đấu, học tập, vươn lên. (NV: Viện KSND huyện Cần Giuộc hiện có 02 KSV trẻ có trình độ thạc sĩ, 02 chuyên viên đang học lớp sau đại học Luật, 03 chuyên viên đang học văn bằng 2 Đại học luật).
Chính sự bố trí công việc hợp lý, đúng sở trường của từng cá nhân; sự hướng dẫn, quan tâm chỉ đạo của các phòng nghiệp vụ Viện tỉnh và hiệu quả trong công tác phối hợp với các ngành chức năng đã giúp cho đơn vị vượt qua khó khăn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2014.
Hy vọng với những thành tích mà đơn vị đạt được, Viện Kiểm sát nhân dân huyện Cần Giuộc sẽ tiếp tục phấn đấu, tìm ra nhiều giải pháp mang tính đột phá để khắc phục những hạn chế và gặt hái thành tích hơn nữa trong năm 2015, một năm với nhiều ngày kỷ niệm trọng đại của đất nước và của ngành KSND./.
Trân Định - Hồng Luy