Ngày 9/8/2017, VKSNDTC đã ban hành công văn số 3010/VKSTC-V14 về việc hướng dẫn thực hiện một số nội dung trong Nghị quyết số 41/2017/QH14 của Quốc hội về thi hành BLHS 2015. Theo đó, Viện trưởng VKSNDTC yêu cầu VKSND và VKS quân sự các cấp quán triệt, thực hiện nghiêm túc các quy định của Nghị quyết số 41/2017/QH14, đồng thời cần lưu ý một số nội dung trong quá trình thực hiện…
 
Công văn số 3010/VKSTC-V14 ngày 09/8/2017 của VKSNDTC nêu rõ: VKSND và VKS quân sự các cấp phối hợp với Cơ quan điều tra, Tòa án cùng cấp rà soát những vướng mắc phát sinh trong giai đoạn chuyển tiếp từ ngày Luật số 12/2017/QH14 được công bố cho đến khi Bộ luật hình sự năm 2015, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, Luật tổ chức Cơ quan điều tra hình sự năm 2015 và Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015 có hiệu lực thi hành, báo cáo lãnh đạo liên ngành Trung ương để chỉ đạo thống nhất.
 
Theo đó, kể từ ngày Luật số 12/2017/QH14 được công bố, tiếp tục triển khai các nội dung như: Thực hiện quy định tại điểm a khoản 2 Điều 2 Nghị quyết số 41/2017/QH14, khi thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử sơ thẩm, phúc thẩm vụ án hình sự, không đề nghị áp dụng hình phạt tử hình đối với người phạm tội khi phạm một số tội mà Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14 đã bỏ hình phạt tử hình (Điều 133. Tội cướp tài sản; Điều 157. Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm; Điều 194. Tội tàng trữ trái phép, chiếm đoạt chất ma túy; Điều 231. Tội phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; Điều 316. Tội chống mệnh lệnh; Điều 322. Tội đầu hàng địch - Bộ luật Hình sự năm 1999); không đề nghị áp dụng hình phạt tử hình đối với người phạm tội đủ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử. Bên cạnh đó, thực hiện quy định tại điểm b khoản 2 Điều 2 Nghị quyết số 41/2017/QH14, phối hợp với Tòa án cùng cấp, trại giam, trại tạm giam và cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền rà soát đầy đủ, chính xác những trường hợp đã tuyên hình phạt tử hình đối với những người được nêu tại mục 1 Phần I Công văn này và bản án đã có hiệu lực pháp luật nhưng chưa thi hành án để Tòa án đã xét xử sơ thẩm báo cáo Chánh án Tòa án nhân dân tối cao chuyển hình phạt tử hình thành hình phạt tù chung thân cho người bị kết án.
 
Mặt khác, thực hiện quy định tại điểm c khoản 2 Điều 2 Nghị quyết số 41/2017/QH14, phối hợp với Toà án cùng cấp đã xét xử sơ thẩm rà soát đầy đủ, chính xác những trường hợp đã tuyên hình phạt tử hình nhưng chưa thi hành án mà có đủ các điều kiện quy định tại điểm c khoản 3 Điều 40 Bộ luật hình sự năm 2015 (Người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn) để Toà án báo cáo Chánh án Toà án nhân dân tối cao chuyển hình phạt từ hình thành hình phạt tù chung thân cho người bị kết án. Phối hợp chặt chẽ với Cơ quan điều tra Tòa án cùng cấp rà soát đầy đủ chính xác để bảo đảm không xử lý hình sự đối với người đã thực hiện hành vi mà Bộ luật hình sự năm 1999 quy định là tội phạm nhưng Bộ luật hình sự năm 2015 không quy định là tội phạm theo quy định tại các điểm d, đ và e khoản 2 Điều 2 Nghị quyết số 41/2017/QH14.
 
Ngoài ra, khi kiểm sát việc thi hành án, phải kiểm sát chặt chẽ việc miễn chấp hành hình phạt; đồng thời phối hợp với Tòa án cùng cấp rà soát đầy đủ, chính xác các trường hợp được miễn chấp hành hình phạt (kể cả hình phạt chính và hình phạt bổ sung) quy định tại các điểm d, đ và c khoản 2 Điều 2 Nghị quyết số 41/2017/QH14. Thêm vào đó, thực hiện quy định tại điểm h khoản 2 Điều 2 Nghị quyết số 41/2017/QH14, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, khi ban hành các văn bản, quyết định tố tụng hoặc thực hiện các hành vi tố tụng thuộc thẩm quyền trong quá trình khởi tố, điều tra, trúy tố, xét xử vụ án hình sự, Viện kiểm sát phải áp dụng các quy định có lợi cho người phạm tội theo khoản 3, Điều 7 Bộ luật hình sự năm 2015, điểm b khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 41/2017/QH14 và các điều, khoản khác có lợi cho người phạm tội của Bộ luật hình sự năm 2015 làm căn cứ để quyết định việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội...
 
Cũng theo Công văn số 3010/VKSTC-V14 ngày 09/8/2017 của VKSNDTC, cần lưu ý một số nội dung kể từ ngày 01/01/2018 BLHS năm 2015 có hiệu lực, đó là: Thực hiện quy định tại điểm g khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 41/2017/QH14, đối với những hành vi phạm tội mà Tòa án đã áp dụng quy định của Bộ luật hình sự năm 1999 để xét xử và bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật trước ngày 01/01/2018 thì không căn cứ vào những quy định của Bộ luật hình sự năm 2015 khác với quy định của Bộ luật hình sự năm 1999 đã được áp dụng khi tuyên án để kháng nghị giám đốc thẩm. Bên cạnh đó, thống nhất áp dụng đồng bộ các quy định của các Bộ luật hình sự năm 2015, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, Luật tổ chức Cơ quan điều tra hình sự năm 2015, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015 có hiệu lực pháp luật.
 
P.V