(BVPL) - Nhằm mục đích đánh giá những kết quả đạt được cũng như những hạn chế, thiếu sót trong thời gian 5 năm (2008 – 2013) triển khai tổ chức các phiên toà hình sự rút kinh nghiệm ở cả 2 cấp, ngày 8/5/2014, Viện Kiểm Sát (VKSND) TP.Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị "Sơ kết việc tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm". Đây là một trong những hoạt động quan trọng trong công tác kiểm sát năm 2014 của VKS TP.HCM.
 
Phó viện trưởng VKS TP.HCM Dương Ngọc Hải phát biểu tại hội nghị
Phó viện trưởng VKSND TP.HCM Dương Ngọc Hải phát biểu tại hội nghị
 
Theo VKSND TP.HCM, trong 5 năm (31/11/2008 -31/11/2013) ở 2 cấp đã tổ chức 350 phiên toà xét xử rút kinh nghiệm, công tác phối hợp giữa Viện Kiểm Sát (VKS) và Tòa Án (TA) được thực hiện ngày càng tốt hơn. Vào những năm 2008 - 2009, những phiên toà rút kinh nghiệm chỉ có các kiểm sát viên (KSV), chuyên viên, lãnh đạo của đơn vị tổ chức phiên toà rút kinh nghiệm và lãnh đạo thành phố tham dự nhưng từ năm 2010 đến nay, ngoài thành phần là VKS các đơn vị, ở một số đơn vị lãnh đạo TA cũng tham gia theo dõi việc xét xử phiên toà như quận 9, Tân Phú…
 
Về việc tổ chức rút kinh nghiệm sau mỗi phiên toà, nếu như trước đây đa số các phiên toà chỉ có VKS tham gia rút kinh nghiệm thì thời gian gần đây có nhiều phiên toà ở một số quận, huyện khi tổ chức rút kinh nghiệm, lãnh đạo TA và thẩm phán cũng tham gia. Điển hình như quận 6, quận 8, Bình Tân, Tân Phú, Bình Chánh…. Có được những chuyển biến tích cực như trên phải kể đến sự quan tâm, sâu sát và sự phối hợp nhịp nhàng giữa lãnh đạo 02 ngành VKS – TA. Theo đó đã có có sự thống nhất về việc sắp xếp, bố trí lịch xét xử cũng như việc cử thẩm phán, KSV xét xử các phiên toà rút kinh nghiệm.
 
Các đại biểu tham dự hội nghị góp ý trên tinh thần thẳng thắn nhằm nâng cao chất lượng các phiên toà
Các đại biểu tham dự hội nghị góp ý trên tinh thần thẳng thắn nhằm nâng cao chất lượng các phiên toà
 
Nói riêng về công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự đối với các phiên toà rút kinh nghiệm, ngay từ đầu năm, lãnh đạo VKSND TP.HCM đã chỉ đạo phòng 3 triển khai kế hoạch thực hiện tổ chức phiên toà rút kinh nghiệm đến các đơn vị quận huyện và 04 phòng nghiệp vụ, vì vậy lãnh đạo các VKS quận, huyện và phòng nghiệp vụ đã có sự chủ động, phối hợp tốt với cơ quan điều tra và TA trong việc lựa chọn các vụ án và phân công KSV thực hành quyền công tố và thẩm phán xét xử các phiên toà rút kinh nghiệm.
 
Phó viện trưởng VKSND TP.HCM, Dương Ngọc Hải đánh giá cao các phiên toà rút kinh nghiệm vì từ các phiên toà này lãnh đạo các đơn vị thấy được những mặt mạnh và mặt yếu của KSV đơn vị mình do đó việc theo dõi, đánh giá cán bộ sẽ chính xác, toàn diện hơn, từ đó phân công cán bộ, KSV phù hợp năng lực, nghiệp vụ, đồng thời có biện pháp đào tạo bồi dưỡng phát huy những điểm mạnh, khắc phục những yếu kém giúp KSV nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, năng lực, nhận thức, kỹ năng nghiệp vụ để từng bước đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp.
 
Cũng theo Phó viện trưởng, thông qua các phiên toà rút kinh nghiệm lãnh đạo các đơn vị cũng sẽ đề cao vai trò, trách nhiệm của mình trong chỉ đạo, giải quyết vụ án, phối hợp tốt với lãnh đạo CQĐT, TA, quán triệt đến Điều tra viên, KSV, Thẩm phán khắc phục những hạn chế, thực hiện tốt hơn trong các phiên toà hình sự.
 
Một phiên toà rút kinh nghiệm được tổ chức
Một phiên toà rút kinh nghiệm được tổ chức
 
Tuy nhiên, trong 5 năm qua, việc tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm vẫn còn nhiều hạn chế liên quan đến hoạt động chỉ đạo điều hành; quá trình nghiên cứu hồ sơ, phong thái của KSV; Kiểm sát xét xử, xét hỏi tại phiên toà; tranh luận giữa VKSV giữ quyền công tố tại toà với người bào chữa, bị cáo… Và nguyên nhân được xác định từ phía chủ quan của một số KSV như còn thiếu kinh nghiệm hoặc chủ quan nên việc chuẩn bị nội dung xét hỏi cũng như dự kiến những vấn đề cần tranh luận chưa sát, không thường xuyên cập nhật các văn bản pháp luật….
 
Nguyên nhân khách quan được xác định là do một số nơi chưa có sự phối hợp tốt giữa các cơ quan trong tổ chức phiên toà rút kinh nghiệm… Do đó, để khắc phục những thiếu sót trên, theo đại diện VKSND TP.HCM, liên ngành các cơ quan tố tụng TW cần xây dựng quy chế trên cơ sở đó hướng dẫn địa phương thực hiện về tổ chức phiên toà rút kinh nghiệm, qua đó góp phần nâng cao chất lượng hoạt động điều tra và xét xử khắc phục những thiếu sót của Điều tra viên, KSV, Thẩm phán. 
 
Bài và ảnh: Việt Hoa - Thái Bình