Đổi mới mạnh mẽ  trong các phong trào thi đua

Ngay từ đầu năm, VKSND tỉnh Thanh Hóa đã tập trung đổi mới mạnh mẽ hoạt động công tác thi đua khen thưởng, đề ra các tiêu chí, chỉ tiêu thi đua cụ thể bám sát nhiệm vụ chính trị của ngành và phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ chính trị địa phương. 

Trong thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, hai cấp kiểm sát đã tăng cường kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố của cơ quan điều tra. Tổng số tố giác, tin báo về tội phạm là 3.914 tin. Đã giải quyết 3.410 tin (100% tin báo giải quyết đúng thời hạn). Ban hành 65 kiến nghị yêu cầu Cơ quan điều tra (CQĐT) khắc phục vi phạm trong việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, 15 kiến nghị phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm, các kiến nghị đều được chấp nhận, tiếp thu (đạt 100% - vượt 10% chỉ tiêu của Ngành).

Qua đó, giúp CQĐT khắc phục được những vi phạm trong việc thụ lý, giải quyết các tố giác, tin báo về tội phạm như: vi phạm trong việc lập hồ sơ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm; không phân công và vi phạm thời hạn ra quyết định phân công giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm; có dấu hiệu tội phạm nhưng không ra quyết định khởi tố vụ án; góp phần bảo đảm các tố giác, tin báo về tội phạm đều được giải quyết đúng quy định, hạn chế thấp nhất việc bỏ lọt tội phạm.

leftcenterrightdel
VKSND tỉnh Thanh Hóa đón nhận bức trướng do Tỉnh ủy, HĐND tỉnh tặng nhân kỷ niệm 60 năm ngày thành lập ngành Kiểm sát nhân dân và hội nghị điển hình tiên tiến lần thứ IV. 

Việc phê chuẩn, không phê chuẩn, hủy bỏ các trường hợp bắt, gia hạn tạm giữ, bắt tạm giam, tạm giam, gia hạn tạm giam bảo đảm chặt chẽ, đúng pháp luật. Tổng số bắt, giữ hình sự là 2.865 người; đã giải quyết 2.857 người, trong đó chuyển khởi tố hình sự 2.826 người (đạt 98,9% - vượt 1,9% so với chỉ tiêu của Ngành).

Viện kiểm sát hai cấp thụ lý thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra 3.491 vụ/5.483 bị can. CQĐT đã giải quyết 2.791 vụ/4.228 bị can (đạt 100% giải quyết đúng thời hạn). Không có trường hợp nào đình chỉ bị can do hành vi không cấu thành tội phạm thuộc trường hợp phải bồi thường.

Trong thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp trong giai đoạn truy tố, Viện kiểm sát phải xử lý 2.107 vụ/4.114 bị can; Đã giải quyết 2.085 vụ/4.060 bị can (đạt 99%), trong đó quyết định truy tố 2.064 vụ/4.033 bị can (đạt 99%). Viện kiểm sát trả hồ sơ yêu cầu CQĐT điều tra bổ sung 26 vụ. Viện kiểm sát tiến hành phúc cung 667 lần. Trong kỳ, không có trường hợp nào Viện kiểm sát truy tố, Tòa án tuyên không phạm tội. Trong thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự, trong số các vụ án Tòa án đã xét xử có 21 vụ/37 bị cáo do Viện kiểm sát kháng nghị, Tòa án chấp nhận kháng nghị 21 vụ/35 bị cáo (đạt tỉ lệ 100% về số vụ, 94,6% về số bị cáo).

Thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ đột phá

Nhằm nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, trong năm qua, Viện kiểm sát hai cấp đã thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ đột phá. Cụ thể, trong tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra, năm 2020, VKSND hai cấp tỉnh Thanh Hóa đã làm tốt công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố. Đã chủ động đề ra các biện pháp tăng cường trách nhiệm công tố, gắn chặt hơn với hoạt động điều tra theo đúng tinh thần Chỉ thị 06/CT-VKTSC ngày 6/12/2013 của Viện trưởng VKSND tối cao; năm 2020, hai cấp đã thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết vụ án hình sự từ khi khởi tố vụ án 100%. Việc phê chuẩn, không phê chuẩn, hủy bỏ các trường hợp bắt, gia hạn tạm giữ, bắt tạm giam, tạm giam, gia hạn tạm giam bảo đảm chặt chẽ, đúng pháp luật. Do đó, tỉ lệ bắt giữ chuyển xử lý hình sự vượt so với chỉ tiêu của Ngành đề ra.

 Bên cạnh đó, Viện kiểm sát đã thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng các hoạt động xét hỏi, tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa hình sự. Trong kế hoạch công tác kiểm sát năm, đơn vị đã xác định việc “Thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng các hoạt động xét hỏi, tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa hình sự” kết hợp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động công kiểm sát và thực hiện “Số hóa hồ sơ vụ án”, công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh tại phiên tòa là nhiệm vụ đột phá trong công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự của VKSND hai cấp.

Kết quả, lãnh đạo các phòng nghiệp vụ trực thuộc VKSND tỉnh và Viện trưởng VKSND cấp huyện đã chỉ đạo, kiểm tra Kiểm sát viên xây dựng kế hoạch xét hỏi, tranh tụng, nhất là những vụ án có bị cáo kêu oan, vụ án có nhiều bị cáo, phạm nhiều tội, có nhiều người bào chữa...

leftcenterrightdel
Quang cảnh phiên tòa xét xử phúc thẩm cựu Chủ tịch và cán bộ xã Hà Ninh (nay là xã Yến Sơn), huyện Hà Trung. 

Cùng với đó, Viện kiểm sát đã nâng cao chất lượng công tác kiểm sát tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự. Mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nhưng VKSND hai cấp tỉnh Thanh Hóa đã áp dụng nhiều biện pháp nhằm tăng cường kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam tại các Nhà tạm giữ, Trại tạm giam, do đó, năm 2020 đã kiểm sát 143 cuộc. Tăng cường kiểm sát cơ quan THAHS cấp tỉnh, cấp huyện 39 cuộc.

VKSND tỉnh tăng cường kiểm sát các Trại giam thuộc Bộ Công an đóng trên địa bàn. Kịp thời phát hiện các vi phạm của các cơ sở giam giữ, cơ quan THAHS, Công an và Tòa án hai cấp. Qua đó, đã ban hành 2 kháng nghị, 132 kiến nghị. Các kháng nghị, kiến nghị đều được các đơn vị tiếp thu, sửa chữa (vượt 10% so với chỉ tiêu của Ngành đề ra). Ban hành 5 thông báo rút kinh nghiệm đối với Viện kiểm sát cấp huyện.

Mặt khác, Viện kiểm sát đã thực hiện “Nâng cao chất lượng kháng nghị, kiến nghị trong công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc dân sự, kinh doạnh thương mại, lao động…”. VKSND tỉnh đã yêu cầu các đơn vị cấp huyện gửi đầy đủ, kịp thời các bản án, quyết định của Tòa án; định kỳ hàng tháng ban hành thông báo rút kinh nghiệm; chỉ rõ các bản án, quyết định có vi phạm nhưng Viện kiểm sát cấp huyện không phát hiện được, đồng thời yêu cầu các đơn vị này kịp thời ban hành kiến nghị, kháng nghị đối với Tòa án.

Đã ban hành 22 kháng nghị phúc thẩm (tỉ lệ kháng nghị ngang cấp vượt chỉ tiêu 980%, tỉ lệ kháng nghị trên cấp tăng 200% so với năm 2019). Tỉ lệ kháng nghị phúc thẩm được Tòa án chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát đạt 83,3% (vượt 13,3% so với chỉ tiêu của Ngành). Ban hành 66 kiến nghị yêu cầu khắc phục vi phạm, các kiến nghị đều được chấp nhận, tiếp thu (đạt 100% - vượt 10% chỉ tiêu của Ngành).

Kết quả thực hiện các phong trào thi đua: năm 2020, VKSND hai cấp tỉnh Thanh Hóa có 7 tập thể, 25 cá nhân được Viện trưởng VKSND tối cao tặng Bằng khen; 1 tập thể, 26 cá nhân được Viện trưởng VKSND tỉnh tặng Giấy khen.

Có 9 tập thể, 44 cá nhân được đề nghị Viện trưởng VKSND tối cao tặng Bằng khen trong phong trào thi đua thực hiện cuộc vận động xây dựng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên "Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm” gắn với phong trào thi đua “Cán bộ, công chức, viên chức ngành Kiểm sát nhân dân thi đua thực hiện văn hóa công sở”…

Về khen thưởng đột xuất, năm 2020, Viện trưởng VKSND tối cao đã tặng Bằng khen cho 1 tập thể và 2 cá nhân thuộc VKSND tỉnh Thanh Hóa do có thành tích xuất sắc đột xuất trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử vụ án Nguyễn Đức Thành cùng đồng phạm phạm các tội “Cố ý gây thương tích”, “Giữ người trái pháp luật” và “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”.


Hương My