Từ đầu năm đến nay, VKSND cấp cao tại Đà Nẵng (VC2) đã thực hiện 05 cuộc thanh tra việc chấp hành kỷ luật nội vụ tại Văn phòng và các Viện nghiệp vụ, có 62 lượt công chức, người lao động (trong tổng số 70 công chức, người lao động) được thanh tra kỷ luật nội vụ.
 
Qua thanh tra, hầu hết công chức và người lao động được thanh tra đã chấp hành tốt việc mang trang phục ngành, cấp hiệu, phù hiệu, biển tên theo qui định của ngành tại Thông tư số 01/2015/TT-VKSTC ngày 30/12/2015 của Viện trưởng VKSNDTC về quy định quản lý, sử dụng trang phục, giấy chứng minh Kiểm sát viên, giấy chứng nhận Điều tra viên, Kiểm tra viên trong ngành KSND. Không có hiện tượng hút thuốc lá, uống rượu, bia trước và trong giờ làm việc, tại thời điểm thanh tra, công chức và người lao động chấp hành tốt thời giờ làm việc theo qui định tại Chỉ thị số 05/CT-VKSNDTC-TTr ngày 31/3/2014 của Viện trưởng   VKSNDTC về tăng cường kỷ cương, kỷ luật công vụ, trật tự nội vụ trong ngành KSND. Tuy nhiên, qua thanh tra, cá biệt có phòng làm việc chưa gọn gàng, ngắn nắp, sạch sẽ, Thanh tra đã yêu cầu khắc phục ngay.
 
Bên cạnh những thuận lợi như được sự chỉ đạo quyết liệt của Thanh tra VKSNDTC, Lãnh đạo VC2 và sự đồng thuận của tập thể công chức, người lao động đối với công tác thanh tra kỷ luật nội vụ thì cũng còn một số khó khăn như: Việc thanh tra kỷ luật nội vụ đối với đơn vị cấp phòng thuộc Văn phòng và các Viện nghiệp vụ, bởi lẽ, số lượng biên chế cấp phòng hiện nay còn thiếu, chưa đủ biên chế, do vậy mỗi đơn vị cấp phòng chỉ bố trí từ 3 đến 5 công chức một phòng, mỗi cuộc thanh tra kỷ luật nội vụ theo yêu cầu của Thanh tra VKSNDTC đều phải ban hành 01 thông báo, bên cạnh đó, trụ sở làm việc đã cũ, phòng làm việc chật hẹp, diện tích khoảng 12m2  phải bố trí từ 3 đến 4 công chức trong một phòng làm việc, đây cũng là một vấn đề  khó khăn trong việc bố trí bàn ghế, tủ hồ sơ và tài liệu cho gọn gàng, ngăn nắp theo như yêu cầu của cuộc thanh tra kỷ luật nội vụ.
 
Để nâng cao hiệu quả công tác thanh tra việc chấp hành kỷ luật nội vụ trong thời gian tới đối với  đơn vị VC2 nói riêng và các đơn vị trong ngành Kiểm sát nói chung, theo chúng tôi cần thực hiện tốt các giải pháp sau:
 
Thứ nhất, nâng cao vai trò trách nhiệm gương mẫu của người đứng đầu đơn vị, thủ trưởng các đơn vị cấp Viện nghiệp vụ, phòng chuyên môn trong việc chấp hành nghiêm nội qui, qui chế của đơn vị, các qui định của Ngành về kỷ luật nội vụ, đặc biệt là việc không hút thuốc lá, không sử dụng rượu, bia trước và trong giờ làm việc tại cơ quan, công sở.
 
Thứ hai, tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức trách nhiệm, tính tự giác chấp hành kỷ luật nội vụ đối với công chức và người lao động trong đơn vị.
 
Thứ ba, có biện pháp xử lý nghiêm đối với công chức, người lao động vi phạm kỷ luật nội vụ, đồng thời có hình thức khen thưởng, động viên kịp thời tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc chấp hành kỷ luật nội vụ.
 
Thứ tư, tăng cường công tác thanh tra đột xuất việc chấp hành kỷ luật nội vụ, đổi mới phương pháp tiến hành thanh tra, lựa chọn thời điểm thích hợp để thực hiện cuộc thanh tra kỷ luật nội vụ đạt hiệu quả.

 

Thứ năm, đưa tiêu chí việc chấp hành tốt kỷ luật nội vụ là một trong những căn cứ để phân loại công chức, xét thi đua khen thưởng và phân phối thu nhập hàng năm đối với công chức, người lao động trong đơn vị.
 
Trần Thị Thắng