|
|
TS. Nguyễn Văn Khoát, Hiệu trưởng nhà trường phát biểu tại Hội thảo. |
Cùng dự, có ông Ryu UEHARA - Cục trưởng Cục Cảnh sát thuộc Tổng Cục hình sự - Bộ Tư pháp Nhật Bản; ông Ryo FUTAGOISHI, Công tố viên Nhật Bản, Viện Nghiên cứu phòng ngừa tội phạm và xử lý người phạm tội khu vực Châu Á và Viễn Đông của Liên Hợp quốc (UNAFEI); ông Kaoru OKANO, Trợ lý Công tố viên, Trung tâm kỹ thuật số của Viện Công tố khu vực Tokyo; ông Nobuhiro MATSUO, Công tố viên Nhật Bản, Chuyên gia dài hạn dự án JICA Pháp luật tại Việt Nam; ông Kosuke YOKOMAKU, Công tố viên Nhật Bản.
Về phía nhà trường còn có các đồng chí Phó Hiệu trưởng, Trưởng các phòng, khoa cùng các giảng viên khoa Hình sự.
|
|
Ông Ryu UEHARA - Cục trưởng Cục Cảnh sát thuộc Tổng Cục hình sự - Bộ Tư pháp Nhật Bản chia sẻ kinh nghiệm tại Hội thảo. |
Phát biểu tại buổi Hội thảo, TS. Nguyễn Văn Khoát Hiệu trưởng nhà trường nêu, việc tổ chức Hội nghị, Hội thảo và tọa đàm để chia sẻ kinh nghiệm giữa Bộ Tư pháp Nhật Bản và Ngành Kiểm sát của Việt Nam trong những năm gần đây đã góp phần tạo ra sự chuyển biến trong nhận thức của đội ngũ công chức, viên chức và đặc biệt các cơ quan Tư pháp của Việt Nam trong đó có Ngành Kiểm sát đã tiếp thu được nhiều kinh nghiệm quý báu của Nhật Bản và nhiều nước trên thế giới.
Do vậy, việc tích cực triển khai đồng bộ các biện pháp trong đó, việc tổ chức các Hội nghị, Hội thảo thường niên để trao đổi kinh nghiệm về cải cách tư pháp và những vấn đề liên quan đến khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử các vụ án hình sự là vô cùng cần thiết để nâng cao chất lượng, hiệu quả trong hoạt động tư pháp.
|
|
Các chuyên gia tại Hội thảo |
Qua đó, TS. Nguyễn Văn Khoát mong rằng các chuyên gia sẽ đem hết các kiến thức, kinh nghiệm và nhiệt tình để chia sẻ tại buổi Hội thảo này, song đó các thầy, cô nhà trường cần nêu cao tinh thần, thái độ làm việc nghiêm túc, cầu thị để hoàn thành tốt những nội dung, yêu cầu theo chương trình Hội thảo.
Chia sẻ kinh nghiệm tại Hội thảo, ông Ryu UEHARA - Cục trưởng Cục Cảnh sát thuộc Tổng Cục hình sự - Bộ Tư pháp Nhật Bản đã trình bày rõ nét về cải cách chế độ tư pháp hình sự Nhật Bản trong những năm gần đây, trong đó có chế độ ghi âm, ghi hình trong điều tra đã được áp dụng từ năm 2011, sau đó mở rộng việc áp dụng biện pháp này, gần như tất cả các khâu điều tra bị can trong khi tạm giữ đều được ghi âm, ghi hình; Áp dụng chế độ thỏa thuận; Hợp lý hóa, hiệu quả hóa biện pháp nghe điện thoại bí mật, chế độ nghe này được thực thi từ năm 2000; Biện pháp bảo vệ bị hại như hạn chế công khai, che giấu tên nhân chứng ở phiên tòa xét xử công khai; Luật khuyến khích phòng chống tái phạm.
Ông Kaoru OKANO, Trợ lý Công tố viên, Trung tâm kỹ thuật số của Viện Công tố khu vực Tokyo trình bày sự cần thiết của các phương pháp, kỹ thuật để xử lý chứng cứ dưới dạng dữ liệu kỹ thuật số và sự gia tăng nhu cầu về phương pháp, kỹ thuật nhằm phục vụ tốt cho công tác điều tra, cũng như chế độ đào tạo, bồi dưỡng cho công tác này.
Sau khi lắng nghe các ý kiến chia sẻ của các chuyên gia Nhật Bản, cũng như nhiều nội dung trao đổi kinh nghiệm giữa hai bên, TS. Nguyễn Văn Khoát đánh giá, đây là những kiến thức rất bổ ích, những vấn đề nào phù hợp, nhà trường sẽ tập hợp phổ biến giảng dạy phù hợp với pháp luật Việt Nam.
Đồng thời mong rằng, tình hữu nghị giữa hai nước Việt Nam, Nhật Bản nói chung và giữa hai cơ quan tư pháp nói riêng luôn tiếp nối phát triển và đoàn kết hữu nghị.