Trong khuôn khổ Tuyên bố chung về hợp tác trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp giữa Chính phủ Việt Nam và Cộng hòa Liên bang Đức (CHLB Đức) đã ký ngày 29/2/2008 tại Hà Nội và Chương trình hợp tác về Đối thoại Nhà nước pháp quyền, giai đoạn 2022 - 2025; thực hiện kế hoạch hoạt động đối ngoại năm 2024 và Quyết định số 201/QĐ-VKSTC ngày 3/6/2024 của Viện trưởng VKSND tối cao, Đoàn công tác của VKSND tối cao do Phó Viện trưởng Thường trực Nguyễn Huy Tiến làm Trưởng đoàn đã có chuyến thăm, làm việc và nghiên cứu tại Cộng hòa Liên bang Đức từ ngày 22/7 - 26/7/2024.

Tại buổi làm việc với Bộ Tư pháp CHLB Đức, Trưởng đoàn hai bên đã điểm lại kết quả hợp tác giữa VKSND tối cao Việt Nam và Bộ Tư pháp CHLB Đức trong khuôn khổ Chương trình hợp tác 3 năm, giai đoạn 2022 -2025. 

leftcenterrightdel
 Đoàn VKSND tối cao và Bộ Tư Pháp CHLB Đức chụp ảnh lưu niệm.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Viện trưởng Thường trực Nguyễn Huy Tiến cảm ơn sự phối hợp, hợp tác hiệu quả của Quỹ hợp tác pháp luật Quốc tế (IRZ) và Bộ Tư pháp Đức với VKSND tối cao Việt Nam trong quá trình xây dựng, hoàn thiện pháp luật và hợp tác đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ kiểm sát của Việt Nam thời gian qua; đồng thời, bày tỏ tin tưởng hai bên tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong thực hiện các hoạt động hợp tác chuyên môn cụ thể, góp phần tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược giữa Việt Nam và CHLB Đức.

Phát biểu đáp từ, Bà Ann Katharine Zimmermann, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Bộ Tư pháp Đức phấn khởi trước sự hợp tác hiệu quả giữa Việt Nam và Đức trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp, đánh giá cao những kết quả hai bên đã đạt được, khẳng định hợp tác về pháp luật là lĩnh vực hợp tác quan trọng, đóng góp vào quan hệ hợp tác chung giữa hai nước.

Đồng thời khẳng định tiếp tục đồng hành, hỗ trợ VKSND tối cao Việt Nam trong việc tìm hiểu, tham khảo kinh nghiệm của CHLB Đức trong các lĩnh vực đấu tranh phòng, chống tội phạm hình sự và phi hình sự, thông qua những hình thức hợp tác phù hợp, đặc biệt là kinh nghiệm về bảo vệ lợi ích công cộng, bảo vệ quyền lợi của những người yếu thế của CHLB Đức.

leftcenterrightdel
 Đoàn VKSND tối cao và Viện Công tố Berlin chụp ảnh lưu niệm.

Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại CHLB Đức, Đoàn công tác đã có các buổi trao đổi, tọa đàm với các chuyên gia của Bộ Tư pháp và các cơ quan thực thi pháp luật liên quan của CHLB Đức, gồm: Văn phòng Công tố Berlin, Tòa án khu vực cấp cao Berlin, Trung tâm chống phân biệt đối xử Liên bang, Viện nghiên cứu độc lập về các vấn đề môi trường, Tổ chức nghiên cứu về các vấn đề xã hội và sinh thái, Tổng Hiệp hội những người khuyết tật tại Đức, Văn phòng phúc lợi thanh niên Berlin, Quỹ Hợp tác quốc tế về pháp luật Đức và Liên đoàn luật sư Liên bang Đức về sự tham gia của luật sư trong việc tư vấn bảo vệ lợi ích công cộng và lợi ích của nhóm yếu thế trong trường hợp không có đủ điều kiện để tự bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình.

Tại các buổi trao đổi, tọa đàm, các chuyên gia của Bộ Tư pháp Đức và các cơ quan liên quan đã giới thiệu, chia sẻ nhiều kinh nghiệm thực tiễn tốt của Đức liên quan mục đích chuyến nghiên cứu của Đoàn lần này.

Cụ thể là: Pháp luật CHLB Đức về bảo vệ lợi ích công và lợi ích của nhóm dễ bị tổn thương; tổng quan về quy trình và cơ quan bảo vệ lợi ích lợi ích công và nhóm dễ bị tổn thương; cơ chế, thực tiễn khởi kiện, giải quyết, bồi thường đối với các vụ án, vụ việc dân sự cùng với với các vụ việc điển hình và ví dụ thực tiễn; cơ chế bảo vệ người tiêu dùng thông qua các vụ kiện tập thể/thủ tục bồi thường tập thể; kinh nghiệm đấu tranh phòng, chống tội phạm công nghệ cao, tập trung vào các kinh nghiệm liên quan đến nhận dạng, bảo quản, thu thập và phân tích bằng chứng kỹ thuật số; tổng quan về chức năng, nhiệm vụ của Viện công tố, Công tố viên Đức trong đấu tranh phòng, chống tội phạm...

leftcenterrightdel
  Đoàn VKSND tối cao và Toà án cấp cao Berlin chụp ảnh lưu niệm.

Những kinh nghiệm về pháp luật và thực tiễn triển khai thi hành mà các chuyên gia Đức đã chia sẻ là nguồn tư liệu quý cho VKSND tối cao nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế trong quá trình xây dựng, hoàn thiện pháp luật hình sự, tố tụng hình sự liên quan đến đấu tranh phòng chống tội phạm công nghệ cao; đặc biệt là kinh nghiệm phục vụ việc xây dựng Đề án: “Nghiên cứu hoàn thiện quy định pháp luật về khởi kiện vụ án dân sự trong trường hợp chủ thể các quyền dân sự là nhóm dễ bị tổn thương hoặc trường hợp liên quan đến lợi ích công nhưng không có người đứng ra khởi kiện”. Đây là một trong những Đề án quan trọng mà VKSND tối cao được giao chủ trì triển khai thực thực hiện theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới. 

Trong khuôn khổ chuyến thăm, chiều ngày 25/7/2024, Đoàn công tác đã đến Lễ viếng và ghi Sổ tang tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Đại sứ quán Việt Nam tại CHLB Đức.

Làm việc với Đại sứ Vũ Quang Minh, Phó Viện trưởng Thường trực Nguyễn Huy Tiến đã trao đổi thông tin chung về tình hình hợp tác trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp; cũng như những khó khăn, vướng mắc trong hợp tác quốc tế về đấu tranh phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia giữa hai bên.

leftcenterrightdel
 Đoàn VKSND tối cao đến Lễ viếng và ghi Sổ tang viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Đại sứ quán Việt Nam tại CHLB Đức.

Đại sứ Vũ Quang Minh đánh giá cao kết quả hợp tác giữa VKSND tối cao Việt Nam và các cơ quan bảo vệ pháp luật của CHLB Đức; đồng thời, nhấn mạnh Đại sứ quán Việt Nam tại CHLB Đức sẽ là cầu nối hiệu quả, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thực thi pháp luật của hai bên để tiếp tục triển khai hiệu quả hoạt động trong khuôn khổ các Chương trình, Kế hoạch đã ký kết giữa hai Chính phủ Việt Nam và CHLB Đức.

Vụ 13- VKS tối cao