Tập trung cao độ nhằm ổn định tổ chức bộ máy và hoạt động của Ngành
Chỉ thị nêu rõ: Từ ngày 1/7/2025, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức VKSND và các luật, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có liên quan tổ chức bộ máy và hoạt động của VKSND 3 cấp có hiệu lực thi hành; để VKSND 3 cấp thực hiện thống nhất, thông suốt, hiệu quả, Viện trưởng VKSND tối cao yêu cầu toàn Ngành tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm được nêu tại Chỉ thị này.
Cụ thể, trong công tác quán triệt, triển khai thực hiện các luật; ổn định tổ chức bộ máy và hoạt động của VKSND 3 cấp từ ngày 1/7/2025: Thủ trưởng đơn vị thuộc VKSND tối cao, Viện trưởng VKSND cấp tỉnh, Viện trưởng VKSND khu vực trực tiếp chỉ đạo việc quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các luật, nghị quyết được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua; các chỉ thị, thông tư, quy chế, quy định, hướng dẫn của Ngành đến toàn thể Kiểm sát viên, công chức, viên chức, người lao động để thống nhất thực hiện từ ngày 1/7/2025; thường xuyên cập nhật chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước và của Ngành về tiếp tục sắp xếp, tinh gọn bộ máy, bảo đảm hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả để triển khai thực hiện đồng bộ, kịp thời, nghiêm túc.
VKSND các cấp tập trung cao độ nhằm ổn định tổ chức bộ máy và hoạt động của Ngành; thực hiện việc bàn giao và phân công nhiệm vụ; kiện toàn Uỷ ban kiểm sát, lãnh đạo cấp phòng thuộc VKSND cấp tỉnh; chủ động, tích cực tham mưu với cấp ủy, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị địa phương; phối hợp, phân công kiểm sát chặt chẽ các hoạt động tư pháp theo thẩm quyền luật định.
Người đứng đầu đơn vị, VKSND địa phương phải làm tốt công tác chính trị tư tưởng, thường xuyên sâu sát, kịp thời nắm bắt tình hình; kế thừa, phát huy kết quả, thành tích của các đơn vị cũ (trước hợp nhất); bảo đảm sự đoàn kết thống nhất cao trong đơn vị mới (sau hợp nhất); phát huy năng lực, sở trường của công chức trong đơn vị, bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ, không cục bộ địa phương, đơn vị.
Vụ 15 chủ trì rà soát, hoàn thiện tổ chức bộ máy, Đề án vị trí việc làm, xây dựng Đề án biên chế giai đoạn 2026-2031, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao về tổng biên chế, chức danh tư pháp và những vấn đề liên quan VKSND 3 cấp; tham mưu tổ chức bộ máy, biên chế, nhiệm vụ, quyền hạn của các đơn vị thuộc VKSND tối cao, VKSND cấp tỉnh, VKSND khu vực. VKSND các cấp lựa chọn, bố trí lãnh đạo, Kiểm sát viên có năng lực đảm nhiệm các nhiệm vụ trọng tâm, nhiệm vụ mới; bảo đảm chế độ chính sách đối với công chức bị ảnh hưởng khi sắp xếp, tinh gọn.
Tiếp tục hoàn thiện thể chế, tổ chức tập huấn các đạo luật mới được thông qua
Về tiếp tục hoàn thiện thể chế, tổ chức tập huấn các đạo luật mới được thông qua, Chỉ thị nêu rõ: Vụ 14 chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu xây dựng chỉ thị, kế hoạch thi hành các đạo luật mới; tham mưu xây dựng các dự thảo thông tư của Viện trưởng VKSND tối cao, thông tư liên tịch hướng dẫn pháp luật và các quy chế, biểu mẫu nghiệp vụ; đồng thời, kịp thời tham mưu tổ chức tập huấn toàn Ngành về quy định mới của các đạo luật có liên quan, bảo đảm thống nhất về nhận thức và tổ chức thực hiện.
Thủ trưởng đơn vị thuộc VKSND tối cao, VKSND địa phương khẩn trương hoàn thiện thể chế, sửa đổi, bổ sung kịp thời các quy chế, quy định, nhất là Quy chế tổ chức và hoạt động, Quy trình nghiệp vụ, bảo đảm hoạt động có căn cứ, đúng quy định.
Một nội dung khác được Chỉ thị đề cập đó là hoàn thành việc chuyển giao nhiệm vụ, bố trí trụ sở làm việc và các điều kiện để VKSND các cấp hoạt động thông suốt.
Theo đó, Thủ trưởng VKSND tối cao, Viện trưởng VKSND địa phương trực tiếp chỉ đạo việc bàn giao (nhiệm vụ, hồ sơ, con dấu), bảo đảm việc khắc dấu, quản lý, sử dụng chặt chẽ, đúng quy định. Bảo đảm việc chuyển giao nhiệm vụ của VKSND cấp cao cho VKSND tối cao, VKSND cấp tỉnh theo Nghị quyết chuyển tiếp; việc bàn giao giữa VKSND các cấp (VKSND cấp huyện bàn giao cho VKSND khu vực, giữa VKSND cấp tỉnh khi hợp nhất) theo đúng quy định.
    |
 |
Quang cảnh một Hội nghị về hoạt động của mô hình VKSND 3 cấp do VKSND tối cao tổ chức. |
Viện trưởng VKSND địa phương phải chỉ đạo bố trí trụ sở làm việc, phân công trực, quản lý tại các trụ sở (trụ sở chính và trụ sở khu vực), bố trí lực lượng hợp lý, hỗ trợ đưa đón công chức, nhà công vụ để bảo đảm hoạt động thông suốt, không gián đoạn; phân công rõ trách nhiệm thụ lý, giải quyết, quản lý, lưu trữ hồ sơ, tài liệu, tài sản, phương tiện, kinh phí, hình ảnh, tư liệu; không để sót, lọt hồ sơ, công việc, không để xảy ra tham nhũng, lãng phí, thất lạc, hư hỏng.
Cục 3 chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan và Viện kiểm sát các cấp báo cáo đề xuất tổng thể về các điều kiện, nguồn lực, cơ sở vật chất, kinh phí đáp ứng hoạt động hiệu quả, bảo đảm phải chặt chẽ, tiết kiệm, tránh gây lãng phí ngân sách Nhà nước; gắn với xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030.
Thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của Ngành, bảo đảm hoàn thành các chỉ tiêu công tác năm 2025
Về nội dung này, Chỉ thị nêu rõ: VKSND các cấp chỉ đạo triển khai tiếp tục thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của Ngành, bảo đảm đạt và vượt các chỉ tiêu công tác năm 2025; rà soát, chỉ đạo thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá đã nêu trong Chỉ thị công tác của Ngành năm 2025; triển khai thực hiện các thẩm quyền mới, nhiệm vụ mới đúng quy định của luật; bảo đảm các hoạt động nghiệp vụ và việc phân công người tiến hành tố tụng thực hiện đúng trình tự, thủ tục tố tụng; không để xảy ra oan, sai hoặc bỏ lọt tội phạm; giải quyết dứt điểm các công việc còn tồn đọng, các vụ việc, vụ án tạm đình chỉ trước khi bàn giao, hợp nhất ở các lĩnh vực (hình sự, dân sự, hành chính) và phân công rõ trách nhiệm thụ lý, chỉ đạo.
Cục 2 và Văn phòng VKSND tối cao hướng dẫn toàn Ngành thực hiện chế độ báo cáo, thống kê mới, phù hợp với hệ thống VKSND 3 cấp, các quy định mới của luật và thời điểm tổng kết công tác năm 2025 và phục vụ báo cáo Quốc hội.
Người đứng đầu đơn vị và VKSND các cấp phải tập trung cao độ, chủ động, linh hoạt, đổi mới, thích ứng, bảo đảm hoạt động hiệu lực, hiệu quả, thực chất; lấy chất lượng, hiệu quả công việc làm thước đo, đánh giá năng lực lãnh đạo, quản lý; bảo đảm thành tích của đơn vị mới phải bằng hoặc cao hơn đơn vị cũ, năm sau cao hơn năm trước.
Một yêu cầu khác được Chỉ thị đề cập đó là đẩy mạnh chuyển đổi số, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; thực hiện thí điểm tố tụng dân sự công ích; đổi mới phương pháp công tác kiểm sát, đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân, vì nhân dân
Đẩy mạnh chuyển đổi số, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong toàn Ngành, bảo đảm xây dựng hệ thống quản lý, chỉ đạo, điều hành hiện đại, liên thông, đồng bộ trong báo cáo và quản lý, bảo đảm việc xử lý kịp thời, chính xác, hiệu quả. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chuyên môn, hành chính - tư pháp, phục vụ hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành, kiểm sát hoạt động tư pháp, thúc đẩy cải cách tư pháp, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế sâu rộng.
Vụ 9 phối hợp với Vụ 14, các đơn vị liên quan và VKSND địa phương khẩn trương tham mưu ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn, Quy trình nghiệp vụ, chuẩn bị tài liệu tập huấn, rà soát các vụ việc xảy ra ở địa phương để triển khai thực hiện Nghị quyết về việc thí điểm VKSND khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền dân sự của các chủ thể là nhóm dễ bị tổn thương hoặc bảo vệ lợi ích công.
Ngành Kiểm sát nhân dân tiếp tục nghiên cứu tổng thể và đề xuất các cơ chế nhằm thúc đẩy cải cách tư pháp, đổi mới phương pháp công tác kiểm sát, bảo đảm xây dựng nền công tố mạnh, chủ động, kiểm sát hiệu lực, hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, chú trọng bảo vệ lợi ích công, đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân, vì nhân dân.
Ngoài ra, trong công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, đào tạo, bồi dưỡng, tuyên truyền: Viện Khoa học Kiểm sát chủ trì, phối hợp các đơn vị kịp thời tổng kết thực tiễn, nghiên cứu, hoàn thiện những vấn đề lý luận cơ bản về công tác kiểm sát, quy định mới của luật, hệ thống VKSND 3 cấp và những vấn đề của thực tiễn đặt ra; tập trung biên soạn cuốn sách chuyên khảo về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của VKSND 3 cấp theo tinh thần cải cách tư pháp” và các ấn phẩm khác phục vụ công tác nghiên cứu, tham khảo.
Trường Đại học Kiểm sát đổi mới toàn diện chương trình đào tạo, giáo trình, tài liệu giảng dạy; phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ để biên soạn các tài liệu chuyên sâu để tập huấn, bồi dưỡng các chức danh tư pháp thực sự chất lượng, hiệu quả, cập nhật các quy định mới của luật, nhiệm vụ mới, yêu cầu về cải cách tư pháp và sát thực tiễn; chú trọng đào tạo toàn diện về chính trị, pháp luật, nghiệp vụ, ngoại ngữ, công nghệ thông tin... nhằm xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyên nghiệp, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ hội nhập và phát triển.
Báo Bảo vệ pháp luật, Tạp chí Kiểm sát, Cổng Thông tin điện tử VKSND tối cao và các trang tin điện tử của các đơn vị trong Ngành tăng cường công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật; xây dựng kế hoạch tuyên truyền, mở các trang, mục, tổ chức diễn đàn, tọa đàm để giới thiệu những nội dung mới của Luật, nhiệm vụ mới và hoạt động của Ngành.
Viện trưởng VKSND tối cao yêu cầu Thủ trưởng đơn vị thuộc VKSND tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát địa phương xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện; giao Chánh Văn phòng, Chánh Thanh tra VKSND tối cao theo dõi, kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị này.