Vừa qua, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp đã tổ chức hội nghị toàn quốc tổng kết thi hành Bộ luật Dân sự năm 2005. Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ dự và chỉ đạo hội nghị. Tham dự hội nghị có đại diện các cơ quan Trung ương, đại diện các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp của 63 tỉnh thành phố… về phía VKSNDTC, Phó Viện trưởng VKSNDTC Trần Công Phàn đã tham dự hội nghị.
 

Đồng chí Trần Công Phàn, Phó Viện trưởng VKSNDTC phát biểu tham luận tại Hội nghị.
Đồng chí Trần Công Phàn, Phó Viện trưởng VKSNDTC phát biểu tham luận tại Hội nghị.

 

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ rõ một số hạn chế của Bộ luật Dân sự năm 2005 như: Chưa phát huy được vai trò là luật chung, luật gốc trong hệ thống luật tư; thiếu những quan điểm có tính hệ thống; nhiều lĩnh vực thuộc phạm vi điều chỉnh của Bộ luật Dân sự chưa có văn bản quy định chi tiết thi hành kịp thời và khó thực thi trên thực tiễn; việc công nhận quyền dân sự về nhân thân, tài sản còn nhiều bất cập có thể gây ra nhiều rủi ro pháp lý. Những hạn chế bất cập này đã ảnh hưởng đến hiệu quả của Bộ luật Dân sự nói riêng và pháp luật dân sự nói chung, làm cản trở quá trình phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế của đất nước. Do đó, việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật Dân sự năm 2005 là hết sức cần thiết.

Tại hội nghị, đồng chí Trần Công Phàn, Phó Viện trưởng   VKSNDTC đã có bài tham luận về: “Thực trạng quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 qua thực tiễn kiểm sát giải quyết các vụ việc dân sự của ngành Kiểm sát: Bất cập, hạn chế và đề xuất sửa đổi, bổ sung”. Những góp ý của ngành Kiểm sát về định hướng sửa đổi, bổ sung Bộ luật Dân sự 2005. Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Trần Công Phàn bày tỏ sự đồng tình cao với nhiều nội dung được nêu trong dự thảo Báo cáo của Bộ Tư pháp. Đồng thời, đồng chí cũng cho rằng, cơ quan chủ trì soạn thảo đã có sự nghiên cứu, chuẩn bị công phu, nghiêm túc; do đó, đã đề xuất được những mục tiêu, quan điểm và một số định hướng lớn xây dựng Bộ luật Dân sự (sửa đổi) về cơ bản là đúng đắn và phù hợp, có tính thuyết phục. Tuy nhiên, còn có một số vấn đề, đề nghị cơ quan chủ trì xây dựng Báo cáo cân nhắc thêm để hoàn thiện dự thảo Báo cáo.

Về quan điểm chỉ đạo xây dựng Bộ luật Dân sự (sửa đổi), đồng chí Trần Công Phàn nhấn mạnh, ngành Kiểm sát tán thành với 4 quan điểm chỉ đạo được nêu trong dự thảo Báo cáo, tuy nhiên, đề nghị bổ sung vào quan điểm thứ nhất nội dung: “Quán triệt, thể chế hóa các chủ trương của Đảng về xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đã được nêu trong Nghị quyết số 48 NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị (Khóa X)”. Đề nghị bổ sung quan điểm “Xây dựng Bộ luật Dân sự phải xuất phát từ thực tiễn của Việt Nam, đảm bảo kết hợp hài hòa giữa bản sắc văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc với tính hiện đại của Bộ luật Dân sự”.
 

Tổng kết tình hình thi hành Bộ luật Dân sự năm 2005, dự thảo Báo cáo của Bộ Tư pháp cho biết, một trong những thành tựu quan trọng là tỷ lệ các vụ việc dân sự được thi hành án đã tăng mạnh qua các năm, từ 63% (năm 2004) lên 68% (năm 2005) và 77% (năm 2008). Giai đoạn 2009 - 2012, với sự ra đời của Luật Thi hành án dân sự (năm 2008), công tác thi hành án dân sự tiếp tục chuyển biến mạnh mẽ, với số việc đã giải quyết xong trên tổng số việc có điều kiện thi hành chiếm tỷ lệ trung bình hàng năm 82%; đặc biệt năm 2011 đạt 87% và năm 2012 đạt 89%.

Về những định hướng lớn trong xây dựng Bộ luật Dân sự (sửa đổi), đồng chí Trần Công Phàn khẳng định:  đây là vấn đề sửa đổi hết sức quan trọng  với 8 nhóm định hướng lớn. Định hướng sửa đổi, ngoài việc thể hiện được tư tưởng quan điểm mới, phải giải quyết được những vướng mắc, hạn chế, những quan hệ phát sinh trong xã hội… Tuy nhiên, 8 định hướng cũng chưa bao quát hết được 16 vấn đề hạn chế, bất cập trong quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 được nêu trong dự thảo Báo cáo tổng kết.  Trong Báo cáo tổng kết thực tiễn có nêu một số vấn đề rất cụ thể nhưng trong định hướng lại không giải quyết hết, ví dụ: Nhiều vấn đề vướng mắc trong quy định của Bộ luật Dân sự 2005 về quyền sở hữu được nêu tại điểm 9 mục II phần B Dự thảo Báo cáo tổng kết. Hay những hạn chế, bất cập trong quy định về chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự gồm: cá nhân, pháp nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác, nhưng trong dự thảo báo cáo định hướng chỉ mới đưa ra định hướng sửa đổi các quy định về hộ gia đình và tổ hợp tác. Như vậy là chưa toàn diện, đầy đủ…

Ngoài tham luận của VKSNDTC, tại hội nghị còn có rất nhiều tham luận của TANDTC; một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp, cơ quan Trung ương… góp phần sửa đổi, bổ sung hoàn thiện dự thảo Báo cáo.
 

Việt Hà