    |
 |
Toàn cảnh Kỳ họp thứ 31 HĐND tỉnh Thanh Hoá khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021 – 2026. |
Trong 6 tháng đầu năm 2025, VKSND hai cấp tỉnh Thanh Hóa đã triển khai đồng bộ các nhiệm vụ theo Nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo của VKSND tối cao và Tỉnh ủy. Tình hình tội phạm được kiềm chế, công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp tiếp tục có chuyển biến tích cực, đạt nhiều kết quả nổi bật.
Theo đó, 6 tháng đầu năm, công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát tư pháp của VKSND hai cấp tỉnh Thanh Hóa đạt nhiều kết quả tích cực. Nhiều chỉ tiêu Quốc hội giao đã hoàn thành, một số vượt mức; không để xảy ra oan, sai, các vụ án phức tạp, trọng điểm được xử lý kịp thời. Chỉ đạo, điều hành có đổi mới, đạt hiệu quả cao trong các lĩnh vực trọng tâm, nhất là đấu tranh phòng, chống tham nhũng, cải cách tư pháp và ứng dụng công nghệ thông tin. Công tác sắp xếp tổ chức bộ máy theo tinh thần tinh gọn được triển khai nghiêm túc. Phối hợp liên ngành tiếp tục được tăng cường.
Nửa đầu năm 2025, tình hình tội phạm có giảm so với cùng kỳ năm 2024, tuy nhiên, một số loại tội phạm vẫn diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, theo VKSND tỉnh Thanh Hoá, tính chất, mức độ hoạt động của tội phạm ngày càng tinh vi, xảo quyệt, phức tạp. Trong kỳ, đã phát hiện khởi tố 949 vụ, 2.003 bị can (giảm 231 vụ, 355 bị can so với cùng kỳ - tương ứng giảm 19,58% về số vụ và 15,06% về số bị can).
Tuy nhiên, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật trong lĩnh vực khai thác tài nguyên, khoáng sản diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng (tăng 4 vụ, 21 bị can); chủ yếu các hành vi vi phạm khai thác đất, khoáng sản cát ngoài mốc giới, vượt phạm vi được cấp phép.
Đáng chú ý, cũng trong 6 tháng đầu năm 2025, đã khởi tố 2 vụ, 6 bị can về tội Sản xuất, buôn bán hàng giả được dư luận đặc biệt quan tâm. Hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả (chủ yếu là dược phẩm giả, thực phẩm chức năng giả, mỹ phẩm giả) của các đối tượng được thực hiện ở nhiều tỉnh, thành, với quy mô lớn gây bức xúc trong quần chúng nhân dân.
Đặc biệt, lần đầu hành vi sản xuất, buôn bán khí N2O quy mô lớn đã được phát hiện. Theo đó, đã khởi tố 1 vụ, 16 bị can, các đối tượng lợi dụng kẽ hở pháp lý để mua bán, sản xuất khí N2O dưới danh nghĩa khí công nghiệp, bán tiêu thụ tại các cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường, quán bar đe dọa sức khỏe cộng đồng và ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự. Trên cơ sở vụ án do VKSND tỉnh Thanh Hóa đã kiểm sát giải quyết, ngày 17/7/2025, VKSND tối cao đã ban hành Công văn số 3276/VKSTC-V4 để chỉ đạo toàn ngành vận dụng trong giải quyết các vụ án liên đến sản xuất, buôn bán khí N20 tại tỉnh Thanh Hóa.
Theo đánh giá của VKSND tỉnh Thanh Hoá, việc tồn tại các loại tội phạm nói trên là do công tác quản lý Nhà nước trên một số lĩnh vực còn thiếu sót, sơ hở; hệ thống pháp luật có nhiều vướng mắc, bất cập, có nhiều quy định chưa được bổ sung kịp thời; ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận nhân dân còn hạn chế; mâu thuẫn và bạo lực gia đình có phần gia tăng, đạo đức xã hội chưa được phát huy đúng mức; ý thức cảnh giác tự bảo vệ của nhiều người còn hạn chế, chủ quan, sơ hở bị tội phạm lợi dụng. Bên cạnh đó, mặt trái của công nghệ thông tin, đặc biệt là thông tin ngoài luồng xuất phát từ mạng xã hội Zalo, Facebook..., ảnh hưởng của trò chơi trực tuyến, phim ảnh có yếu tố bạo lực, đồi trụy... làm tính chất của tội phạm ngày càng nguy hiểm, manh động, liều lĩnh.
Cũng trong Báo cáo của VKSND tỉnh Thanh Hoá tại kỳ họp thứ 31 HĐND tỉnh khóa XVIII, đồng chí Viện trưởng đã có những kiến nghị, đề xuất.
Theo đó, đề nghị HĐND tỉnh quan tâm giám sát việc thực hiện cải cách tư pháp, nhất là sau quá trình tinh gọn bộ máy, nhằm bảo đảm tổ chức bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị và đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương. Tiếp tục quan tâm đến các cơ quan Tư pháp nói chung, VKSND nói riêng trong việc bố trí trụ sở dôi dư sau sáp nhập hành chính để đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất, trụ sở làm việc ổn định, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị được giao.
Tăng cường giám sát việc quản lý, sử dụng tài sản công, nhất là đối với các trụ sở, tài sản dôi dư sau khi sáp nhập, giải thể, nhằm bảo đảm việc sử dụng đúng mục đích, tránh lãng phí, thất thoát; đồng thời, ưu tiên bố trí, cấp phát hoặc cho mượn các trụ sở chưa sử dụng đến các cơ quan tư pháp cấp huyện còn khó khăn về cơ sở vật chất, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan bảo vệ pháp luật ở địa phương.
Quan tâm, chỉ đạo, hỗ trợ nguồn lực cho công tác chuyển đổi số trong hoạt động của các cơ quan tư pháp nói chung, VKSND nói riêng.
Đồng thời, tăng cường giám sát công tác quản lý Nhà nước trong kiểm tra, kiểm soát hàng hóa là thực phẩm, thuốc chữa bệnh; kiểm tra, kiểm soát phòng, chống, xử lý hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng lậu, bảo vệ sức khỏe nhân dân, bảo vệ người tiêu dùng.
Giám sát công tác quản lý Nhà nước về môi trường; hướng dẫn, kiểm tra, xử lý việc chấp hành quy định của pháp luật về khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường; kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải gây ô nhiễm tại các khu công nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn tỉnh.