Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tại phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật ngày (29/6).

leftcenterrightdel
 Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp. Ảnh:VGP

Tại phiên họp này, Chính phủ xem xét, cho ý kiến về 4 nội dung: Đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì; dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi) do Bộ Nội vụ chủ trì; đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hóa chất do Bộ Công thương chủ trì và về việc sửa đổi, bổ sung các luật có quy định liên quan đến đầu tư, ngân sách để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các dự án đầu tư công do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì.

Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh yêu cầu thể chế hóa đầy đủ, đồng bộ chủ trương, quan điểm của Đảng; thực hiện theo đúng các nội dung mà Chính phủ, Thường trực Chính phủ đã có ý kiến, chỉ đạo.

Tiếp tục tổng kết các quy định pháp luật liên quan, kế thừa những quy định đã được thực tế chứng minh, áp dụng có hiệu quả; bổ sung các quy định để xử lý những bất cập, vướng mắc phát sinh trên thực tiễn. Rà soát, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với các quy định pháp luật có liên quan. Tích cực tham khảo kinh nghiệm quốc tế, tham khảo có chọn lọc, phù hợp với đặc điểm, điều kiện của Việt Nam.

Đồng thời, tích cực tham vấn, truyền thông chính sách để tạo sự đồng thuận; tích cực phối hợp đồng bộ, chặt chẽ với các bộ, ngành, cơ quan liên quan. Cần đánh giá tác động chính sách một cách kỹ lưỡng, bảo đảm chính sách được đưa ra là hợp lý, sát thực tế, khả thi, hiệu quả.

Cũng theo Thủ tướng, việc xây dựng và hoàn thiện thể chế theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, nêu rõ trách nhiệm của các cơ quan từ trung ương tới cơ sở; các cơ quan ở trung ương tập trung vào các nhiệm vụ xây dựng thể chế, chiến lược, quy hoạch, giám sát, kiểm tra, thi đua, khen thưởng, xử lý vi phạm…

Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu xây dựng các quy định thông thoáng, phù hợp với điều kiện, truyền thống văn hóa lịch sử của đất nước. Thủ tướng lưu ý, có những quy định phù hợp với điều kiện các nước phát triển nhưng không khả thi trong điều kiện Việt Nam là nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi.

Bên cạnh đó, quan tâm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về pháp lý để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng); tháo gỡ được vướng mắc về quy định thì mới tháo gỡ, khơi thông được nguồn lực, thúc đẩy được tăng trưởng; phải phân cấp, phân quyền thì mới nâng cao tính chủ động của các cấp.

leftcenterrightdel
 Thủ tướng yêu cầu quan tâm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về pháp lý để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng. Ảnh:VGP

Cụ thể, đối với đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo, Thủ tướng lưu ý cần cơ chế tập trung, tổng thể với đội ngũ nhà giáo, các chính sách vừa bảo đảm đặc thù, vừa phù hợp, hài hòa với tổng thể chung; vừa bảo đảm tính hiện đại, hội nhập, vừa phù hợp với văn hóa-lịch sử của đất nước, truyền thống "tôn sư trọng đạo" của dân tộc.

Với dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi), Người đứng đầu Chính phủ lưu ý yêu cầu ứng dụng khoa học công nghệ, cải cách thủ tục hành chính trong quản lý lưu trữ; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa các tài liệu, tư liệu lưu trữ phù hợp với chủ trương phát triển Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số và công dân số.

Về đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hóa chất, cần tiếp tục tổng kết Luật Hóa chất hiện hành và các quy định có liên quan, bảo tính đồng bộ, thống nhất và đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền, ứng dụng khoa học công nghệ, cải cách thủ tục hành chính trong quản lý hóa chất.

Đối với đề xuất sửa đổi, bổ sung các luật có quy định liên quan đến đầu tư, ngân sách để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các dự án đầu tư công, theo Thủ tướng, việc đề nghị xây dựng luật hoặc nghị quyết của Quốc hội để sửa đổi, bổ sung nhiều luật liên quan đầu tư, ngân sách là yêu cầu thực tiễn, được nhiều bộ, ngành, địa phương đề xuất, kiến nghị.

Do đó, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, xây dựng phương án phù hợp trên cơ sở rà soát các chính sách đang thực hiện, thí điểm có hiệu quả để áp dụng, những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn đã được nhiều ý kiến đề nghị cần tháo gỡ, nhất là liên quan đến xây dựng các dự án đường bộ.

Tách khâu giải phóng mặt bằng khỏi dự án đầu tư, xây dựng; vướng mắc do quy định đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp các tuyến cao tốc, quốc lộ phải dùng nguồn ngân sách trung ương, không dùng nguồn ngân sách địa phương…

“Việc xây dựng luật hoặc nghị quyết phải nghiên cứu, đánh giá kỹ tác động, nêu rõ căn cứ, cơ sở pháp lý, thực tiễn, khoa học để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi trong tổ chức thực hiện các dự án đầu tư công.”- Thủ tướng nêu yêu cầu.

Đồng thời, đề nghị các cơ quan chủ trì tổng hợp, tiếp thu ý kiến của các thành viên Chính phủ; tiếp tục tổ chức các cuộc hội thảo, tham khảo ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý và đối tượng tác động; tiếp tục hoàn thiện các dự án, đề nghị xây dựng luật, trình Quốc hội xem xét, quyết định theo quy định, bảo đảm tiến độ và nâng cao chất lượng...

 

Minh Nhật