Trong suốt chặng đường xây dựng và phát triển (13/7/1987 – 13/7/2017), Thanh tra ngành KSND luôn được Viện trưởng VKSND tối cao quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo trực tiếp. Vị trí, vai trò, hình ảnh của Thanh tra VKSND ngày càng được khẳng định. Mỗi năm, Thanh tra VKSND các cấp đã tiến hành hàng trăm cuộc thanh tra với nhiều hình thức (theo kế hoạch, hoặc đột xuất với các nội dung thanh tra toàn diện, nghiệp vụ, công tác tổ chức cán bộ, quản lý tài chính, tài sản công, phòng, chống tham nhũng, tham mưu cho lãnh đạo VKSND giải quyết khiếu nại, tố cáo, các thông tin dư luận xã hội phản ánh), đáp ứng công tác quản lý của Viện trưởng VKSND cùng cấp. Công tác thanh tra đã phát hiện kịp thời những thiếu sót, vi phạm và đề xuất với Lãnh đạo VKSND những giải pháp chấn chỉnh, khắc phục...
Ngày 13/7/1987, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã ký Quyết định số 15/QĐ-TC thành lập Ban Thanh tra Ngành thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao, đánh dấu sự ra đời của Thanh tra ngành Kiểm sát nhân dân. Ngày đầu thành lập, Ban Thanh tra có 05 cán bộ, do đồng chí Nguyễn Quốc Hồng - Phó Viện trưởng VKSND tối cao kiêm nhiệm chức vụ Trưởng ban, 02 Phó Trưởng ban và 02 ủy viên đều là những lãnh đạo cấp vụ có kinh nghiệm và uy tín trong ngành KSND. Ban Thanh tra thời kỳ này có một Tổ thường trực tại Văn phòng phía Nam do ông Nguyễn Quang Toản - Phó Trưởng ban phụ trách và chịu sự chỉ đạo, phân công của Trưởng Ban Thanh tra. Đến năm 1992, Ban Thanh tra được bổ sung 02 cán sự, mọi hoạt động của Ban Thanh tra do Viện trưởng VKSND tối cao chỉ đạo và Phó Viện trưởng VKSND tối cao trực tiếp phân công điều hành.
Cùng với việc quyết định thành lập Ban Thanh tra, Viện trưởng VKSND tối cao ban hành quy định về nhiệm vụ của Ban Thanh tra. Ban Thanh tra có nhiệm vụ giúp Viện trưởng VKSND tối cao tổ chức thực hiện các cuộc thanh tra trong nội bộ ngành Kiểm sát về những vấn đề cần thiết không thuộc trách nhiệm kiểm tra định kỳ của các Phó Viện trưởng mà từng đơn vị thuộc VKSND tối cao không thể tiến hành được và tổ chức thanh tra về những việc đột xuất do Viện trưởng VKSND tối cao giao cho, xảy ra ở các VKSND địa phương hoặc cơ quan VKSND tối cao. Nội dung thanh tra là những vấn đề chấp hành chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, chỉ thị của Viện trưởng VKSND tối cao; việc thực hiện dân chủ, kỷ luật, giữ gìn phẩm chất đạo đức của cán bộ, Kiểm sát viên; chấp hành quy chế kiểm sát, quy chế nghiệp vụ.
Ngày 17/9/1992, Viện trưởng VKSND tối cao ban hành Quy chế số 08 quy định về chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Thanh tra VKSND tối cao, đánh dấu một mốc mới trong quá trình hình thành và phát triển của Ban Thanh tra. Quy chế số 08 là sự triển khai thực hiện Luật tổ chức VKSND năm 1992, thể hiện quan điểm chỉ đạo của Viện trưởng VKSND tối cao về nguyên tắc tập trung thống nhất công tác thanh tra trong toàn Ngành. Theo quy chế này thì lần đầu tiên vị trí pháp lý của Ban Thanh tra được xác định “là đơn vị trực thuộc VKSND tối cao” với nhiệm vụ chủ yếu là giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo có liên quan đến cán bộ do VKSND tối cao quản lý. Tổ chức và hoạt động của Ban Thanh tra trong giai đoạn này tiếp tục do Viện trưởng VKSND tối cao trực tiếp phụ trách và chỉ đạo. Cơ cấu cán bộ của Ban Thanh tra gồm có Trưởng ban, các Phó Trưởng ban đều do Viện trưởng VKSND tối cao bổ nhiệm, miễn nhiệm.
Ngày 08/4/1995, Viện trưởng VKSND tối cao ban hành Quy chế số 16/TT-TC về tổ chức, chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ của Ban Thanh tra thay thế Quy chế số 08 ngày 17/9/1992. Việc ban hành Quy chế số 16/TT-TC thể hiện chủ trương của Viện trưởng VKSND tối cao trong việc tăng cường kỷ cương, phẩm chất đạo đức của đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên, nâng cao hiệu quả công tác kiểm sát, góp phần xây dựng Ngành trong sạch, vững mạnh.
Cơ cấu tổ chức của Ban Thanh tra lần đầu tiên được xác định có hai tổ: Tổ chuyên trách thanh tra và Tổ quản lý, theo dõi thông tin tổng hợp và giải quyết các việc đột xuất. Biên chế của Ban Thanh tra được bổ sung lên 07 người: Trưởng ban, 01 Phó Trưởng ban, 01 Kiểm sát viên VKSND tối cao, 02 Kiểm sát viên trung cấp và 02 Chuyên viên, trong đó 05 người ở độ tuổi trên 55, những người khác cũng trên 45.
Ngày 31/3/2000, Viện trưởng VKSND tối cao ban hành Quyết định số 19/QĐ/TT kèm theo Quy chế về chức trách, tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và quan hệ công tác của Ban Thanh tra ngành KSND. Quy chế số 19 cụ thể hóa quan điểm chỉ đạo của Viện trưởng VKSND tối cao về công tác thanh tra trong việc thực hiện các văn bản pháp luật ban hành năm 1998 (Luật Khiếu nại, tố cáo, Pháp lệnh Phòng, chống tham nhũng, Pháp lệnh Cán bộ, công chức), đặc biệt nêu cao tinh thần Nghị quyết TW 6 (lần 2) khóa VIII năm 1999 về một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay: "Người đứng đầu các cấp, các ngành từ Trung ương đến cơ sở phải chịu trách nhiệm chống tham nhũng ở nơi mình phụ trách; không ngừng hoàn thiện các chính sách, pháp luật, trước hết là về quản lý ngân sách, quản lý tài sản doanh nghiệp, quản lý đất đai nhằm phát huy mặt tích cực, hạn chế mặt tiêu cực".
Để đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, đáp ứng yêu cầu công tác quản lý, điều hành của Viện trưởng VKSND tối cao, tổ chức của Ban Thanh tra duy trì 02 tổ do 02 Phó Trưởng ban phụ trách: Tổ chuyên trách thanh tra và Tổ tổng hợp, văn thư, quản lý thông tin. Về cơ cấu cán bộ được xác định rõ Ban Thanh tra có Trưởng ban, Phó Trưởng ban, các Kiểm sát viên VKSND tối cao, chuyên viên, cán sự. Ban Thanh tra duy trì thường xuyên 07 công chức giàu kinh nghiệm trong công tác kiểm sát.
Nhiệm vụ của Ban Thanh tra trong thời kỳ này được xác định rõ hơn cả về đối tượng và nội dung thanh tra, trong đó đối tượng chính của công tác thanh tra là lãnh đạo VKSND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Kiểm sát viên VKSND tối cao, Điều tra viên cao cấp, chuyên viên cao cấp, cán bộ cấp vụ thuộc VKSND tối cao có dấu hiệu vi phạm phẩm chất đạo đức, vi phạm pháp luật và những đơn khiếu nại về hành chính, khiếu nại về kỷ luật của cán bộ, công chức trong ngành Kiểm sát nhân dân.
Ngày 06/4/2005, Viện trưởng VKSND tối cao ban hành Quyết định số 58/2005/QĐ/VKSTC-TTr kèm theo Quy chế về tổ chức và hoạt động của Ban Thanh tra ngành KSND nhằm tăng cường năng lực của Ban Thanh tra đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn này. Ban Thanh tra duy trì 02 tổ thanh tra do Phó Trưởng Ban thanh tra phụ trách. Công chức của Ban Thanh tra được tăng cường về số lượng, trẻ hóa về độ tuổi, được đào tạo cơ bản; tính đến năm 2009, có 10 người, trong đó có 05 người ở độ tuổi từ 30 đến 45; có 04 Kiểm sát viên VKSND tối cao, 02 thạc sỹ luật, hầu hết đều được trưởng thành từ các VKSND cấp huyện, cấp tỉnh, có kinh nghiệm trong công tác kiểm sát, có tính tự giác, tự chịu trách nhiệm và nêu cao tinh thần đoàn kết, xây dựng đơn vị, giúp đỡ nhau trong công tác.
Đặc biệt trong giai đoạn này, Ban Thanh tra được Viện trưởng VKSND tối cao bổ sung nhiệm vụ mới "Thanh tra nghiệp vụ”. Ban Thanh tra đã tổ chức triển khai nhiệm vụ mới, hàng năm tiến hành 03 đến 06 cuộc thanh tra nghiệp vụ án đình chỉ tại VKSND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Qua thanh tra, Ban Thanh tra đã tham mưu Viện trưởng VKSND tối cao ban hành thông báo rút kinh nghiệm trong toàn Ngành về vi phạm, thiếu sót trong công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát việc đình chỉ vụ án hình sự, đình chỉ vụ án đối với bị can.
Ngày 27/01/2010, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành Quyết định số 68/QĐ-VKSTC kèm theo Quy chế về tổ chức và hoạt động của Ban Thanh tra. Theo Quy chế 68, lần đầu tiên tổ chức bộ máy của Ban Thanh tra được thành lập đơn vị cấp phòng, trước mắt cơ cấu 03 phòng: Phòng Thanh tra nghiệp vụ; Phòng Thanh tra xét khiếu tố; Phòng Tổng hợp, quản lý thông tin (Quyết định số 08/QĐ/VKSTC-V9 về việc thành lập bộ máy cấp Phòng thuộc Ban Thanh tra). Ngoài các chức danh đã được quy định tại các quy chế trước đây (Trưởng ban, các Phó Trưởng ban, các Kiểm sát viên VKSND tối cao), Quy chế số 68 đã quy định bổ sung thêm các chức danh Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng, các Kiểm tra viên và công chức khác.
Bên cạnh những nhiệm vụ được kế thừa như: Thanh tra hoạt động nghiệp vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp, Ban Thanh tra tiếp tục được Viện trưởng VKSND tối cao giao các nhiệm vụ mới, đó là: Theo dõi, tổng hợp kết quả giải quyết đơn thư tố cáo về tham nhũng trong ngành KSND theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng. Theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của Ban Thanh tra và những vụ việc Ban Thanh tra chuyển đến các đơn vị, địa phương trong Ngành. Tham gia và đôn đốc việc kiểm điểm đối với các đơn vị, cá nhân trong Ngành có sai phạm thuộc thẩm quyền xử lý của VKSND tối cao.
Trước yêu cầu đổi mới và tăng cường công tác thanh tra trong nội bộ Ngành, tên gọi Ban Thanh tra không còn phù hợp với vị trí, chức trách, nhiệm vụ của công tác thanh tra trong Ngành và không phù hợp với tên gọi chung của cơ quan Thanh tra thuộc các Bộ, Ngành được quy định trong Luật Thanh tra, theo đề nghị của Viện trưởng VKSND tối cao, ngày 16/8/2012, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 522d/NQ-UBTVQH13 phê chuẩn việc điều chỉnh, bổ sung nhiệm vụ và đổi tên một số đơn vị thuộc bộ máy làm việc của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, theo đó Ban Thanh tra đổi tên là Thanh tra VKSND tối cao, chức vụ Trưởng Ban Thanh tra được đổi là Chánh Thanh tra và Phó Trưởng Ban Thanh tra đổi thành Phó Chánh Thanh tra.
Ngày 01/3/2013, để triển khai thực hiện Nghị quyết số 522d/NQ-UBTVQH13 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khoá 13, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã ký Quyết định số 72/QĐ-VKSTC-TTr ban hành Quy chế về tổ chức và hoạt động của Thanh tra VKSND tối cao, đồng thời quyết định thành lập thêm 01 đơn vị cấp phòng thuộc Thanh tra. Như vậy, Thanh tra VKSND tối cao gồm 04 phòng: Phòng Tham mưu tổng hợp; Phòng Thanh tra nghiệp vụ; Phòng Thanh tra hành chính và Phòng Thanh tra xét khiếu tố. Đội ngũ công chức Thanh tra được kiện toàn gồm: Chánh Thanh tra và 03 Phó Chánh Thanh tra, 04 Trưởng phòng; 04 Kiểm sát viên VKSND tối cao; 02 Kiểm sát viên trung cấp; 01 Kiểm sát viên sơ cấp; 02 Kiểm tra viên chính; 02 Kiểm tra viên; 01 Chuyên viên văn thư.
Thanh tra VKSND tối cao kế thừa tất cả các nhiệm vụ của Ban Thanh tra VKSND tối cao, đồng thời tên gọi, vị trí, chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Thanh tra VKSND tối cao được sửa đổi phù hợp với quy định của Luật Thanh tra năm 2010, Nghị quyết số 522d của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Tính đến cuối năm 2013, đơn vị Thanh tra VKSND luôn được củng cố nhưng mới chỉ thành lập tại VKSND tối cao, chưa được thành lập tại VKSND cấp tỉnh, dẫn đến việc triển khai các nhiệm vụ công tác thanh tra rất hạn chế; Thanh tra chưa phát huy hết vai trò là cơ quan tham mưu đắc lực cho Viện trưởng, "cánh tay nối dài" của Thủ trưởng, giúp lãnh đạo tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành. Hàng năm Thanh tra VKSND tối cao chỉ triển khai được từ 05 đến 09 cuộc thanh tra, tham mưu cho lãnh đạo VKSND tối cao giải quyết từ 03 đến 05 đơn, thư khiếu nại, tố cáo.
Trước thực trạng tổ chức của Thanh tra, đặc biệt nhằm đáp ứng yêu cầu của công cuộc cải cách Tư pháp, cải cách công vụ, công chức, đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức với mục tiêu xây dựng một nền công vụ chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả, Ban cán sự đảng VKSND tối cao đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/BCSĐ ngày 20/12/2013 về củng cố, kiện toàn hệ thống Thanh tra ngành KSND. Nghị quyết 06 của Ban cán sự đảng VKSND tối cao ra đời là một điểm nhấn quan trọng, tạo ra một bước phát triển mới đối với cơ quan Thanh tra VKSND các cấp; trong một thời gian ngắn, Nghị quyết 06 đã nhanh chóng đi vào cuộc sống, hệ thống cơ quan Thanh tra được thành lập tại VKSND cấp cao (nằm trong Phòng Tổ chức cán bộ, thanh tra và thi đua khen thưởng), 08 VKSND cấp tỉnh, 55 VKSND cấp tỉnh thành lập Tổ thanh tra nằm trong Phòng Tổ chức cán bộ. Cùng với việc kiện toàn tổ chức, bộ máy cơ quan Thanh tra, Thanh tra VKSND tối cao đã tham mưu cho Viện trưởng VKSND tối cao ban hành các văn bản làm nền tảng pháp lý cho hoạt động thanh tra như: Quy chế Tổ chức và hoạt động của Thanh tra VKSND tối cao ban hành kèm theo Quyết định số 21/QĐ-VKSTC-T1 ngày 20/11/2015, Quy chế công tác thanh tra trong ngành KSND ban hành kèm theo Quyết định số 59/QĐ-VKSTC-T1 ngày 22/02/2016, Quy chế công tác kiểm tra trong ngành KSND ban hành kèm theo Quyết định số 160/QĐ-VKSTC-T1 ngày 30/3/2016, Quy chế về thực hiện dân chủ trong hoạt động của VKSND ban hành kèm theo Quyết định số 161/QĐ-VKSTC-T1 ngày 30/3/2016, Quy định về xử lý kỷ luật trong ngành KSND ban hành kèm theo Quyết định số 183/QĐ-VKSTC-T1 ngày 04/4/2016, Quy định về quản lý và sử dụng xe ô tô chuyên dùng trong ngành KSND ban hành kèm theo Quyết định số 589/QĐ-VKSTC ngày 20/8/2015 và Hệ thống biểu mẫu nghiệp vụ về công tác thanh tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo, ban hành kèm theo Quyết định số 358/QĐ-VKSTC-T1 ngày 18/8/2016.
Tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức và hoạt động của Thanh tra VKSND cấp tỉnh, ngày 24/02/2017, Ban cán sự đảng VKSND tối cao đã ban hành Nghị quyết số 13-NQ/BCSĐ cho chủ trương thành lập Thanh tra thuộc VKSND cấp tỉnh. Đến nay, 49 VKSND tỉnh, thành phố đã có quyết định thành lập Thanh tra (đơn vị cấp phòng), đối với 14 VKSND cấp tỉnh còn lại, trước mắt thành lập Tổ thanh tra thuộc Phòng Kiểm sát và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp (Phòng 12); khẩn trương điều chỉnh cơ cấu phòng và rà soát nhân sự, báo cáo VKSND tối cao quyết định thành lập Thanh tra, hoàn thành trong năm 2017. Để đáp ứng yêu cầu công tác thanh tra và nâng cao hơn nữa hiệu lực của kết luận thanh tra, quyết định xử lý sau thanh tra, Viện trưởng VKSND tối cao đã quyết định thành lập Phòng Xử lý sau thanh tra thuộc Thanh tra VKSND tối cao, nâng số đơn vị cấp phòng thuộc Thanh tra VKSND tối cao lên thành 05 đơn vị. Như vậy, đến hết năm 2017, hệ thống cơ quan Thanh tra được thành lập đồng bộ tại VKSND tối cao, VKSND cấp cao và VKSND cấp tỉnh.
Đến nay, đội ngũ công chức thanh tra có 204 người, trong đó Thanh tra VKSND tối cao là 22 người, 03 VKSND cấp cao có 03 người, VKSND cấp tỉnh có 179 người.
Mỗi năm, Thanh tra VKSND các cấp đã tiến hành hàng trăm cuộc thanh tra với nhiều hình thức (theo kế hoạch, hoặc đột xuất với các nội dung thanh tra toàn diện, nghiệp vụ, công tác tổ chức cán bộ, quản lý tài chính, tài sản công, phòng, chống tham nhũng, tham mưu cho lãnh đạo VKSND giải quyết khiếu nại, tố cáo, các thông tin dư luận xã hội phản ánh), đáp ứng công tác quản lý của Viện trưởng VKSND cùng cấp. Công tác thanh tra đã phát hiện kịp thời những thiếu sót, vi phạm và đề xuất với Lãnh đạo VKSND những giải pháp chấn chỉnh, khắc phục những thiếu sót, sai phạm trong hoạt động nghiệp vụ, quản lý tài chính, tài sản công, quản lý công chức, viên chức và người lao động, ví dụ như Chỉ thị số 05/CT-VKSTC-TTr ngày 31/3/2014 của Viện trưởng VKSND tối cao về tăng cường kỷ cương, kỷ luật công vụ và trật tự nội vụ trong ngành KSND, các thông báo rút kinh nghiệm trong công tác thanh tra, tham mưu với Viện trưởng VKSND xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm nghiêm trọng quy định của pháp luật và của Ngành, góp phần tích cực vào việc xây dựng đội ngũ cán bộ nhằm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của ngành KSND.
Phan Văn Tâm
Chánh Thanh tra VKSND tối cao
Kể từ khi thành lập (ngày 13/7/1987) đến nay, Thanh tra ngành KSND luôn được Viện trưởng VKSND tối cao quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo trực tiếp. Viện trưởng VKSND tối cao đã ban hành 07 quy chế làm cơ sở pháp lý cho tổ chức và hoạt động của Thanh tra ngành KSND; đặc biệt là sau khi 02 nghị quyết của Ban cán sự đảng VKSND tối cao được ban hành (Nghị quyết số 06-NQ/BCSĐ ngày 20/12/2013 và Nghị quyết số 13-NQ/BCSĐ ngày 24/2/2017 về củng cố, kiện toàn hệ thống Thanh tra ngành KSND), thì Thanh tra VKSND đã đạt được những bước phát triển mạnh mẽ về tổ chức, nâng cao năng lực và chất lượng công tác; từ đó vị trí, vai trò, hình ảnh của Thanh tra VKSND ngày càng được khẳng định.
Cơ cấu tổ chức của Ban Thanh tra ban đầu hoạt động nửa kiêm chức, dần dần chuyển sang chuyên trách (năm 1992), hình thành 02 Tổ chuyên trách thanh tra (năm 2000), làm tiền đề cho việc thành lập 03 đơn vị cấp phòng (năm 2010), đến nay phát triển thành một hệ thống cơ quan Thanh tra từ VKSND tối cao (05 Phòng), VKSND cấp cao, 49 đơn vị Thanh tra và 14 Tổ thanh tra tại các VKSND cấp tỉnh; tiến tới cuối năm 2017 hoàn thành việc thành lập Thanh tra chuyên trách tại 63 VKSND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Ban đầu, cơ quan Thanh tra VKSND chỉ được thành lập tại VKSND tối cao với 05 cán bộ, ở độ tuổi trên 55, sau đó được bổ sung và duy trì với khoảng 10 cán bộ, đến nay đã hình thành đội ngũ công chức thanh tra lên tới hơn 200 người, với độ tuổi đảm bảo tính kế thừa giữa người có tuổi, có kinh nghiệm với những người trẻ tuổi, được đào tạo nghiệp vụ công tác pháp luật khá cơ bản.
|
Thanh tra ngành KSND đã phấn đấu, xây dựng, từng bước khẳng định vị trí, vai trò trong các cơ quan của VKSND, được Viện trưởng VKSND tối cao ghi nhận, giao thêm những nhiệm vụ mới. Khi thành lập, Ban Thanh tra chủ yếu thực hiện nhiệm vụ giải quyết khiếu nại, tố cáo trong Ngành; năm 2005, được giao nhiệm vụ “thanh tra nghiệp vụ”, đến nay, nhiệm vụ của Thanh tra VKSND đã được khẳng định đầy đủ tại Quy chế công tác thanh tra ban hành kèm theo Quyết định số 59/QĐ-VKSTC-T1, ngày 22/02/2016 của Viện trưởng VKSND tối cao với 03 lĩnh vực là thanh tra nghiệp vụ, thanh tra hành chính và giải quyết khiếu nại, tố cáo, cụ thể: (1) Thanh tra về hoạt động nghiệp vụ trong công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp (gọi chung là Thanh tra nghiệp vụ). (2) Thanh tra về hoạt động công vụ, nội vụ, việc thực hành tiết kiệm, phòng, chống tham nhũng, lãng phí và việc thực hiện Quy chế dân chủ của VKSND theo sự phân công của Viện trưởng cấp mình (gọi chung là Thanh tra hành chính). (3) Giải quyết khiếu nại, tố cáo về vi phạm pháp luật, kỷ luật nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức của công chức, viên chức và người lao động trong Ngành (gọi chung là Giải quyết khiếu nại, tố cáo).
Với tư tưởng chỉ đạo của Viện trưởng VKSND tối cao, mục tiêu hoạt động của Thanh tra được xác định là phòng ngừa vi phạm, phát huy nhân tố tích cực, lấy phương châm "trị bệnh, cứu người" là chủ yếu, không phải để "bới lông tìm vết" rồi xử lý vi phạm. Người có khuyết điểm, khi được Thanh tra chỉ ra, đã nhìn nhận nghiêm túc khuyết điểm của mình, tích cực sửa chữa, cầu thị tiến bộ thì tạo điều kiện để người đó tu dưỡng, phấn đấu hoàn thiện bản thân. Tập thể, cá nhân không làm hết trách nhiệm, để xảy ra vi phạm nghiêm trọng, nhưng khi yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm thì quanh co, đổ lỗi cho khách quan, không khắc phục yếu kém thì kiên quyết xử lý nghiêm khắc, nhất định không để "con sâu làm rầu nồi canh", vì một vài người xấu mà làm ảnh hưởng không tốt đến uy tín, hình ảnh của VKSND trước Đảng, Nhà nước và nhân dân. Thanh tra là kênh thông tin chính xác giúp Viện trưởng nắm bắt kịp thời tình hình đang diễn ra trong ngành, những vấn đề phát sinh để nhanh chóng có biện pháp giải quyết; cuối cùng phải đi đến giải pháp khắc phục những sơ hở trong cơ chế quản lý, điều hành, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý Ngành trên các mặt công tác.
|
Phương pháp thanh tra ngày càng được đổi mới để đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý trong từng giai đoạn, hiện nay các cuộc thanh tra theo kế hoạch giảm dần nhưng đồng thời tăng cường thanh tra đột xuất, tập trung thanh tra đối với các đơn vị có nhiều hạn chế, yếu kém trong công tác chuyên môn, đơn vị có dấu hiệu tiêu cực, mất đoàn kết nội bộ. Thanh tra không chạy theo số lượng, hình thức mà cần chất lượng, làm một việc mà tốt, có hiệu quả còn hơn làm nhiều việc nhưng không đạt được hiệu quả gì. Công tác thanh tra nghiệp vụ phấn đấu trở thành trọng tâm trong công tác thanh tra, tập trung thanh tra việc chấp hành pháp luật trong việc đình chỉ do bị can không phạm tội, đình chỉ miễn trách nhiệm hình sự; các vụ án có dấu hiệu để lọt tội phạm; những vụ án mà VKSND truy tố nhưng Tòa án tuyên không phạm tội. Thanh tra hành chính tập trung vào trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức có dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng, thiếu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, tha hóa, lợi dụng uy tín của Ngành để làm những việc trái với đạo đức công vụ cũng như trong quan hệ ngoài xã hội. Đối với giải quyết khiếu nại, tố cáo, chấn chỉnh tình trạng đơn thư nặc danh kéo dài, đưa tin bịa đặt gây mất đoàn kết nội bộ. Chú trọng tiến hành kiểm tra việc thực hiện Kết luận thanh tra, đảm bảo các đề xuất, kiến nghị, quyết định xử lý phải được chấp hành nghiêm chỉnh.
Chất lượng công tác thanh tra ngày càng được nâng lên để đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý; qua công tác thanh tra, Thanh tra VKSND các cấp còn tham mưu ngày càng hiệu quả hơn với lãnh đạo VKSND trong việc chỉ đạo, thông báo rút kinh nghiệm trong hoạt động nghiệp vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, chấn chỉnh về lề lối tác phong, đạo đức công vụ, kỷ luật nội vụ đối với công chức, viên chức và người lao động trong ngành KSND. Ghi nhận những thành tích đạt được, Thanh tra VKSND tối cao được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba (năm 2009), Huân chương Lao động hạng Nhì (năm 2015), được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2007, 2013 và nhiều Cờ thi đua của Viện trưởng VKSND tối cao tặng cho đơn vị xuất sắc phong trào thi đua liên tục các năm 2010, 2011, 2012, 2014, 2015 và 2016.
|