Trong khuôn khổ hợp tác với Cơ quan phòng, chống ma tuý và tội phạm của LHQ (UNODC), ngày 28/7, tại thành phố Nha Trang, Khánh Hòa, VKSND tối cao đã tổ chức Hội nghị tập huấn tham vấn hoàn thiện pháp luật về quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự với nội dung: “Tập huấn cho cán bộ Kiểm sát về các quy tắc tiêu chuẩn tối thiểu về đối xử với tù nhân của LHQ sửa đổi (Bộ Quy tắc Nelson Mandela)”.
|
|
Vụ trưởng Vụ Kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự (Vụ 8)- VKSND tối cao, Lương Minh Thống, chủ trì Hội nghị tập huấn. Ảnh: NH. |
Bà Nguyễn Nguyệt Minh, Phụ trách Cơ quan UNODC tại Việt Nam, đại diện các vụ nghiệp vụ VKSND tối cao, lãnh đạo cấp phòng thuộc các đơn vị VKSND tỉnh, đại diện lãnh đạo VKSND, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên thuộc các đơn vị VKSND các tỉnh Ninh Thuận, Lâm Đồng, Đắk Lắk, Bình Định, Phú Yên, Đắk Nông, Gia Lai tham dự hội nghị.
Mục đích hội nghị tập huấn nhằm nâng cao hiểu biết của các cán bộ Kiểm sát về nội dung các quy tắc tiêu chuẩn tối thiểu về đối xử với tù nhân của LHQ sửa đổi; Nâng cao năng lực cho cán bộ trong công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự nhất là trong kiểm sát việc thi hành án phạt tù trong giai đoạn hiện nay.
|
|
Bà Nguyễn Nguyệt Minh, đại diện UNODC tại Việt Nam điều hành chương trình tập huấn. Ảnh: NH. |
Phát biểu khai mạc Hội nghị tập huấn, Vụ trưởng Vụ Kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự (Vụ 8), Lương Minh Thống, được lãnh đạo VKSND tối cao giao chủ trì Hội nghị, nhấn mạnh: “Qua tìm hiểu, nghiên cứu sơ lược về Bộ Quy tắc tiêu chuẩn tối thiểu về đối xử với tù nhân của LHQ sửa đổi, chúng ta sẽ được nâng cao nhận thức và tích lũy nhiều kinh nghiệm trong công tác kiểm tra, giám sát nhằm bảo đảm quyền con người, quyền công dân, quyền của người bị tạm giữ, người bị tạm giam và người chấp hành án cũng như bảo đảm các thủ tục trong công tác tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự. Đồng thời cung cấp thêm thông tin cần thiết để chúng tôi tiếp cận với những giá trị cốt lõi về quyền con người, quyền công dân, quyền của người bị tạm giữ, người bị tạm giam và người chấp hành án”.
Phát biểu trước các đại biểu dự tập huấn, bà Nguyễn Nguyệt Minh, đại diện UNODC tại Việt Nam, cho biết, Nelson Mandela, Tổng thống người da đen đầu tiên của Nam Phi từng nói ‘không ai thực sự biết về một quốc gia chừng nào họ chưa ở bên trong nhà tù của nó. Cần phải đánh giá một quốc gia không phải thông qua cách nó đối xử với những công dân ở tầng lớp cao nhất mà là với những công dân ở tầng lớp thấp nhất”.
|
|
Hội nghị tập huấn được tổ chức theo tổ nhóm. Ảnh: NH. |
Bà Nguyễn Nguyệt Minh nhấn mạnh, điều kiện, chế độ trong trại giam luôn là vấn đề LHQ quan tâm. Đó là lý do tại sao vào năm 1955, 10 năm sau khi LHQ được thành lập, các quốc gia thành viên đã thông qua các quy tắc tiêu chuẩn tối thiểu về đối xử với tù nhân (SMRs) trong Đại hội đầu tiên của LHQ về phòng ngừa tội phạm và đối xử với người phạm tội.
Trong hơn 60 năm qua, quy tắc này là tiêu chuẩn được thừa nhận rộng rãi để quản lý các cơ sở trại giam và đối xử với phạm nhân, có ảnh hưởng to lớn đến sự phát triển của luật pháp, chính sách và thực tiễn công tác giam giữ trên phạm vi toàn cầu.
Vào tháng 12/2015, sau quá trình ra soát các quy tắc, Đại hội đồng LHQ đã thông qua các quy tắc tiêu chuẩn tối thiểu sửa đổi của LHQ về đối xử với tù nhân được đặt tên là “Bộ Quy tắc Nelson Mandela” để vinh danh cố Tổng thống Nam Phi, người đã bị cầm tù 27 năm vì đấu tranh cho công lý và quyền con người.
|
|
Một cuộc thi nhỏ kiểu "Đường lên đỉnh Olympia' trong buổi tập huấn. Ảnh: NH. |
Với mong muốn phổ biến rộng rãi Bộ Quy tắc Nelson Mandela, hỗ trợ tích cực các quốc gia thành viên trong việc áp dụng các chuẩn mực quốc tế/ đưa quy định của Bộ quy tắc vào thực tiễn, UNODC đã xây dựng Chương trình tập huấn trực tuyến Bộ Quy tắc Nelson Mandela với sự tài trợ của Đức và Nam Phi.
Tại Việt Nam, trong những năm qua, UNODC đã phối hợp với Chính phủ Việt Nam, trong đó có Bộ Công an và VKSND tối cao, thực hiện nhiều hoạt động hợp tác nhằm nâng cao năng lực của hệ thống tư pháp hình sự nhằm xây dựng hệ thống này phù hợp với chuẩn mực quốc tế.
Từ cuối năm 2020, với sự tài trợ của Chính phủ Nhật Bản, UNODC thống nhất phối hợp với các cơ quan liên quan của Việt Nam, xây dựng chương trình tập huấn trực tuyến Bộ Quy tắc bằng tiếng Việt.
|
|
Các đại biểu dự tập huấn chụp hình lưu niệm. Ảnh: NH. |
Với ngành Kiểm sát Việt Nam, trước đó, UNODC đã tiến hành các khóa tập huấn theo cụm ở Hà Nội, Phú Thọ với số người tham dự giới hạn 50 đại biểu/khóa.
Khóa tập huấn tiếp theo sẽ được tổ chức tại thành phố Cần Thơ, dự kiến vào ngày 11/8.
Tham dự tập huấn, cùng với việc được tiếp cận, nghiên cứu Bộ Quy tắc, tương tác với đại diện của UNODC, các đại biểu tham dự sẽ thực hiện các bài kiểm tra trực tuyến trên máy vi tính qua phần mềm của UNODC liên quan đến các kiến thức, quy định của Bộ Quy tắc và được cấp chứng nhận điện tử.
Kết thúc tập huấn là bài kiểm tra đánh giá khóa học.